Khu căn cứ cách mạng K20 được coi là biểu tượng của tinh thần cách mạng kiên cường và bất khuất của người dân Đà Nẵng nói chung và của quận Ngũ Hành Sơn nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu quốc. Tên gọi K20 – là mật danh để chỉ khu căn cứ cách mạng Đa Mặn, nơi cơ quan Quận uỷ Quận III và Thành uỷ Đà Nẵng trú đóng để lãnh đạo phong trào cách mạng.
Vào năm 1965, tình hình ở Đa Mặn và Bắc Mỹ An nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung là hết sức phức tạp, Mỹ bắt đầu đưa quân vào miền Nam, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, xây dựng nhiều căn cứ quân sự lớn ở miền Nam, trong đó có Đà Nẵng.
Mục tiêu của Mỹ là xây dựng Đà Nẵng thành một căn cứ quân sự liên hợp Hải, Lục, Không quân một cách chắc chắn, lâu dài, án ngữ phía Bắc; bảo vệ Thủ phủ của chế độ bù nhìn tay sai ở miền Nam, do đó Mỹ đã xây dựng thêm cầu qua sông Hàn, xây dựng sân bay lên thẳng ở Nước Mặn, mở rộng và củng cố sân bay Đà Nẵng và đưa 17 đơn vị Mỹ – Ngụy đến Đà Nẵng. Đối với Mỹ, đây là nơi có vị trí rất quan trọng, tập trung cơ sở vật chất cho cuộc chiến tại miền Trung.
Còn đối với ta, khu căn cứ cách mạng K20 nằm trên địa bàn khu dân cư Đa Mặn 5, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, cách thành phố Đà Nẵng về phía Đông Nam khoảng 10 km; phía Đông Bắc giáp biển, phía Tây là dòng sông Hàn, phía Nam là đồng ruộng trũng và sông Vĩnh Điện; đồng thời tiếp giáp giữa huyện Hoà Vang và thành phố Đà Nẵng, là cửa ngõ chốt chặn và bảo vệ thành phố từ hướng Đông Nam. Sau hiệp định Giơ ne vơ, Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đã cho xây nhiều đồn bốt quanh Căn cứ Đa Mặn làm thành một vành đai quân sự khép kín và một bộ máy chính quyền tay sai ác ôn để kìm kẹp nhân dân và ngăn cản lực lượng cách mạng từ bên ngoài vào. Chính vì vậy Đa Mặn được coi là vùng đệm để bộ đội, cán bộ và du kích ta làm bàn đạp tấn công vào các căn cứ của Mỹ – Ngụy.
Điều đó cho thấy K20 có một vị trí chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vùng đất “thép” để xây dựng và phát triển phong trào đấu tranh cách mạng ngay trong lòng địch, điểm nối mạch liên lạc giữa cách mạng địa phương với vùng lân cận của thành phố và tỉnh Quảng Nam và là bàn đạp quan trọng để lực lượng vũ trang của ta đột kích vào các cứ điểm quân sự của địch.
Cũng từ năm 1965, cán bộ Đảng, các cấp, các ngành và các lực lượng vũ trang vào nội thành Đà Nẵng để chỉ đạo phong trào cách mạng đều đi qua và trú lại căn cứ Nước Mặn, hoạt động ngay trong lòng địch, để tiếp tục xây dựng cơ sở, diệt ác phá kìm, hỗ trợ cho nhân dân đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ trong thành phố, bảo vệ an toàn cho căn cứ Nước Mặn, làm chủ từng phần các vùng phụ cận như Mà Đa, Đa Phước, Mỹ Thị.
Câu hỏi đặt ra, ngay giữa lòng địch, những cán bộ cách mạng làm sao có thể giữ bí mật và chiến đấu trong vòng vây của kẻ thù? Lúc này, dựa vào dân được coi là vấn đề sống còn của cách mạng và trả lời cho câu hỏi cấp bách đó. Một trận địa dưới lòng đất được hình thành, đó là hệ thống các hầm, hào bí mật vững chắc đào ngay tại các nhà dân.
Năm 1968, Quận uỷ Quận III do đồng chí Đặng Hồng Vân đã hướng dẫn cho người dân mô hình đào hầm bí mật, tạo thành một hệ thống hầm chằng chịt trong làng để nuôi giấu cán bộ cách mạng. Hàng trăm hộ dân tích cực ngày đêm đào hầm, tạo thành một hệ thống chặt chẽ. Mỗi hầm như thế nuôi bốn đến năm cán bộ cách mạng. Mặc dù kẻ địch mở rất nhiều đợt truy quét trong làng để tiêu diệt lực lượng nòng cốt nhưng chúng không tài nào phát hiện được. Hầm được đào ở khắp nơi trong nhà, dưới giường ngủ, ngoài vườn, ngoài hiên… tạo thành một thành luỹ vững chắc. Đá Mặn đã làm nên một trận địa cách mạng ngay trong lòng đất trong thời gian đó.
Mô hình khu căn cứ cách mạng K20 tại Bảo tàng Đà Nẵng
Các căn hầm được nhân dân làm rất công phu. Miệng hầm và lối đi vào rất hẹp nhưng bên trong lại rộng đủ để cán bộ cách mạng sinh hoạt hằng ngày. Ngoài miệng hầm chính còn được làm thêm miệng hầm giả. Nếu có tay sai chỉ điểm, nhân dân sẽ đập vỡ miệng hầm giả làm gạch, đá rơi xuống bịt miệng hầm chính, vừa đánh lừa địch vừa báo hiệu cho bộ đội trốn thoát ra ngoài. Điểm nổi bật trong hệ thống công sự mật được xây dựng ở K20 giai đoạn này là có tính cơ động cao và quy mô lớn. Tại nhiều gia đình, hoặc giữa các gia đình lân cận, có các đường hầm nhánh kết nối, vừa có điều kiện che giấu được nhiều người đồng thời, tạo ra thế liên hoàn rất thuận lợi cho việc di chuyển, tránh được sự phát hiện, đánh quét của địch. Một trận địa trong lòng đất đã được xây dựng với một hệ thống dày đặc các hầm bí mật, có lúc lên tới 157 hầm. Hiện nay, vẫn còn lại một số các hầm bí mật tại các nhà thờ như nhà thờ ông Huỳnh Phiên, nhà thờ bà Nhiêu, nhà thờ tộc Huỳnh và nhà ông Huỳnh Trưng. Bốn địa điểm này đã được xếp hạng Di tích lịch sử trong khu Di tích lịch sử quốc gia K20.
Lối vào căn hầm nhà ông Huỳnh Trưng
Phía trong căn hầm nhà ông Huỳnh Trưng
Nhờ hệ thống hầm bí mật này cộng với ý thức tự giác cách mạng, đoàn kết vì mục tiêu giải phóng quê hương, quân và dân K20 đã làm nên nhiều chiến công hiển hách. Tiêu biểu như: trận đánh vào sân bay Nước Mặn ngày 28/10/1965 do lực lượng vũ trang Thành đội Đà Nẵng thực hiện. Tổ chức thành công buổi lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữa trùng vây kẻ thù, buổi lễ vẫn được tổ chức rất trịnh trọng, trang nghiêm và an toàn như thể đang diễn ra ở vùng giải phóng. Đặc biệt, sáng ngày 29/3/1975, nhân dân K20 phối hợp với lực lượng vũ trang Quảng Đà đồng loạt nổi dậy và tấn công vào tất cả các cơ sở của Mỹ – Ngụy trên địa bàn. 9 giờ sáng, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã được cắm trên sân bay Nước Mặn, báo hiệu sự thắng lợi hoàn toàn của quân dân khu căn cứ, góp phần hoàn thành xuất sắc sự nghiệp giải phóng dân tộc với vai trò và chức năng là một căn cứ kháng chiến trong lòng địch.
Phan Ngọc Mỹ
(Phòng Giáo dục – Truyền thông)