ĐNĐT – Ngày 23-9, đoàn Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia do GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng dẫn đầu làm việc với UBND thành phố về công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích thành Điện Hải và bảo vật quốc gia tại thành phố Đà Nẵng.
Các thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia khảo sát thực tế tại thành Điện Hải. Ảnh: NGỌC HÀ |
Tại buổi làm việc, các thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đều khẳng định giá trị đặc biệt của thành Điện Hải trên cả phương diện kiến trúc và lịch sử.
Về mặt kiến trúc, thành Điện Hải vẫn còn không gian tương đối hoàn thiện với thiết kế kiểu thành Vauban châu Âu. Nếu không kể cố đô Huế thì thành Điện Hải là di tích duy nhất về thành lũy quân sự cổ còn sót lại ở miền Trung.
Về mặt lịch sử, thành Điện Hải gắn liền với giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc, đập tan kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của liên quân Pháp – Tây Ban Nha, mang lại thắng lợi duy nhất của quân ta trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược.
Theo GS.TSKH Lưu Trần Tiêu và các thành viên của Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, nếu chiếu theo Luật Di sản văn hóa năm 2009, “Di tích quốc gia đặc biệt là di tích gắn với sự kiện đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc” thì di tích thành Điện Hải có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Bên cạnh đó, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề nghị thành phố Đà Nẵng mạnh dạn đề xuất các hiện vật có giá trị để được công nhận là bảo vật quốc gia. Hiện nay, Đà Nẵng chỉ có 3 bảo vật quốc gia là quá khiêm tốn so với giá trị văn hóa, lịch sử hiện có của vùng đất này.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên biểu dương nỗ lực, quyết tâm của thành phố Đà Nẵng, nhất là trong việc di dời, giải tỏa nhằm khôi phục, trả lại nguyên vẹn thành Điện Hải.
Bà Đặng Thị Bích Liên cho biết, Bộ VH-TT&DL sẽ đồng hành với UBND thành phố Đà Nẵng chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ về thành Điện Hải thông qua góp ý của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia để sớm bảo vệ trước Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Trong năm 2018, Bộ VHTT&DL sẽ bố trí vốn ngân sách Trung ương 10 tỷ đồng để đầu tư Dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải”.
Về phía lãnh đạo thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cam kết hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, tạo cơ sở vật chất, pháp lý để thực hiện Dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải”. Trong quá trình thực hiện dự án, lãnh đạo thành phố sẽ hết sức cân nhắc, thận trọng, nghiêm túc lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu, khoa học để trả lại giá trị, vai trò của thành Điện Hải. Đồng thời, UBND thành phố cũng lắng nghe góp ý của Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, xem xét lại chiến lược bảo tồn di sản trên địa bàn thành phố.
NGỌC HÀ