HỒ NGHINH – MỘT SỸ PHU ĐẤT QUẢNG

Đồng chí Hồ Nghinh tên thật là Hồ Hữu Phước, sinh ngày 15-02-1913 tại xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Năm 1929, ông tham gia cách mạng. Năm 1945, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám, được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Là một nhà cách mạng xuất sắc của đất Quảng, dấu ấn của ông in đậm trong những chiến thắng mà quân dân Quảng Nam – Đà Nẵng giành được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như trận Gò Hà (Hòa Vang), Xuyên Thanh (Duy Xuyên), La Thọ (Điện Bàn) hay đỉnh cao là chiến thắng Núi Thành – trận đầu đánh thắng lực lượng chính quy của Mỹ, được Trung ương tặng “Quảng Nam trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Trong bom đạn khốc liệt, tình hình sức khỏe ngày một suy giảm nhưng ông vẫn kiên quyết bám trụ để cùng quân dân đánh Mỹ. Bởi ông cho rằng “Đảng gắn chặt dân bởi máu thịt. Mình không có dân giống như con không có cha mẹ”, “Tôi không còn là tôi nữa. Tôi là của Đảng”

Nếu như trong chiến tranh, ông là người luôn có mặt ở những điểm nóng chiến trường thì sau ngày đất nước giải phóng, ông là người sáng tạo, quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm để lo cho cuộc sống nhân dân. Ông vận động nhân dân trở về quê cũ, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Đặc biệt, nhân dân Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ không thể không nhớ người lãnh đạo đã lăn xả để bảo vệ 02 di sản văn hóa thế giới: Thánh Địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An trước làn sóng “cánh tả” đòi đập phá, bài trừ hủ tục…

Ông là người có tinh thần đổi mới, đổi mới để phát triển và luôn đề cao chủ trương: “Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng có lợi”. Theo đó, hai công ty hợp doanh xe khách Đà Nẵng và công ty hợp doanh vận tải hàng hóa ra đời góp phần “phục vụ kinh tế và phục vụ chỉ đạo cho lực lượng vũ trang”. Có thể nói, dấu ấn lớn nhất của ông trong thời gian làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam (1975-1982) là chỉ đạo quyết liệt việc khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh, giải quyết vấn đề lương thực cho cả tỉnh một cách căn bản nhất. Xuất phát từ ý tưởng do người Pháp để lại, ông đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan “phải vừa thiết kế vừa thi công” công trình thủy lợi Phú Ninh. Đây là một quyết định táo bạo, gây tiếng vang lớn trong cả nước lúc bấy giờ. Cho đến nay, thực tế đã chứng minh: “công trình thủy lợi Phú Ninh đã góp phần quyết định trong việc chuyển một số rất lớn diện tích đất lúa của các huyện phía Nam từ 1 đến 2 vụ lên 3 vụ ăn chắc, với năng suất rất cao. Công trình có một ý nghĩa vô cùng lớn trong việc khẳng định tinh thần thừa thắng xông lên, quyết tâm xây dựng đời sống mới của quân và dân Quảng Nam – Đà Nẵng”[1]. Dưới sự chỉ đạo của ông, sự ủng hộ, đồng tâm hiệp lực của nhân dân, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng trong những năm đầu sau giải phóng đã vinh dự được bình chọn là đơn vị dẫn đầu cả nước.

Sau này, khi công tác tại Ban Kinh tế Trung ương, ông luôn bám sát thực tế các địa phương, hỗ trợ đắc lực cho công cuộc đổi mới của Việt Nam. Đến năm 1997, ông về hưu theo chế độ và qua đời vào năm 2007 tại Đà Nẵng.

 Đồng chí Hồ Nghinh đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huy hiệu 40, 50, 60 năm tuổi Đảng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Giải phóng hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Quyết thắng hạng Nhất. Đặc biệt, tháng 8-2012, đồng chí đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong dịp lễ mừng thọ 90 của ông, Giáo sư Vũ Khiêu đã đề tặng hai câu đối:

“Mười bảy tuổi đi theo cờ Đảng, thề trung với nước hiếu với dân: trải bao phen thử thách gian nan, chất cộng sản ngời lên Nhân, Trí, Dũng.

Chín mươi năm nhìn lại cuộc đời là cháu Bác Hồ, con xứ Quảng, sống một mực thanh cao liêm khiết tính nhân văn tỏa sáng nước, trời, mây”.

Phan Ngọc Mỹ

[1] (Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng qua các thời kỳ (1930 – 2005), NXB Đà Nẵng, 2005,  tr.136).

Tin liên quan