HÀNH TRÌNH VỀ NGUỒN 2024 – THEO DẤU CHÂN CÁC ANH HÙNG THỜI ĐẠI HỒ CHÍ MINH

Thực hiện Chương trình công tác và Kế hoạch sinh hoạt chuyên đề năm 2024, Chi bộ Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức “Hành trình Về nguồn 2024 – Theo dấu chân các anh hùng thời đại Hồ Chí Minh” tại các địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi gồm: Mộ đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bệnh xá Đặng Thùy Trâm. Đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng dành cho đảng viên, đoàn viên thanh niên và đoàn viên công đoàn Bảo tàng Đà Nẵng nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024).

Điểm đến đầu tiên trong Hành trình là mộ đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ. Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ sinh ngày 10/8/1914 tại xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Năm 1938, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong quá trình hoạt động, đồng chí nhiều lần bị địch bắt, tù đày và đã nhiều lần vượt ngục để trở về với tổ chức cách mạng, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Huỳnh Ngọc Huệ là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất trong chiến đấu, thông minh và có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng ngành quân giới ở cấp tỉnh và khu. Đồng chí đã từng giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và là lãnh đạo Ủy ban khởi nghĩa thành phố (năm 1945). Năm 1946, đồng chí là Đại biểu quốc hội của tỉnh Quảng Nam khóa 1. Ngoài ra, đồng chí là một trong các vị sáng lập Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, được cử giữ chức Tổng thư ký và được cử vào Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn thế giới (năm 1946). Tại Đại hội Đảng bộ Liên khu V lần thứ I (3-1949), đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Liên khu ủy. Cuối tháng 4/1949, trong lúc chuẩn bị ra Trung ương nhận nhiệm vụ mới, đồng chí không may bị bệnh và từ trần ở tuổi 35. Thi hài của đồng chí được an táng tại núi Rố, thôn Xuân Ba, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày nay, mộ phần của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ được nhân dân và chính quyền xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành chăm sóc chu đáo. Chính quyền địa phương đang xây dựng một con đường bê tông dẫn lên mộ để thuận tiện cho việc đi lại, viếng thăm mộ phần. Vượt qua chặng đường dài để viếng thăm mộ đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, các đảng viên và đoàn viên Bảo tàng Đà Nẵng càng thêm biết ơn và khâm phục quá trình hoạt động cách mạng gian nan của đồng chí.

Đoàn viếng thăm mộ đồng chí mộ Huỳnh Ngọc Huệ

Rời địa điểm mộ đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, đoàn đến với Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại làng Thi Phổ thuộc xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, sát Quốc lộ 1A, cách thành phố Quảng Ngãi 20 km về phía Nam.

Ông là vị Thủ tướng tại vị lâu nhất Việt Nam (1955 – 1987). Suốt 41 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 năm là Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng là nhà chính trị kiệt xuất, nhà văn hóa lớn, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ông cũng là người học trò xuất sắc, người đồng chí thân cận, người nghiên cứu và thực hành mẫu mực tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngời sáng một nhân cách cao đẹp, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Khu lưu niệm có tổng diện tích hơn 47.000m2, gồm hai điểm di tích là nhà lưu niệm – nơi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh ra, lớn lên và nhà bà Phạm Thị Sinh – nơi ông sau khi ra tù đã ở và bắt liên lạc với tổ chức để hoạt động cách mạng. Khu lưu niệm hiện đang bảo tồn, lưu giữ hơn 1.529 tài liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ngoài ra, khu lưu niệm hiện còn lưu giữ được nhiều kỷ vật của gia đình như án thờ, tràng kỷ, án thư, phản…

Hôm nay, cán bộ, đảng viên, đoàn viên Bảo tàng Đà Nẵng về thăm khu lưu niệm, nhìn lại những hình ảnh, hiện vật gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục, sôi nổi của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các thành viên trong đoàn càng hiểu rõ hơn và vô cùng khâm phục, kính trọng bản lĩnh, tài năng, nhân cách của ông, một nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi.

Đoàn tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Điểm dừng chân cuối cùng trong Hành trình Về nguồn 2024 là Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm (thuộc Khu di tích Đặng Thuỳ Trâm) tại thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ.

Liệt sĩ – bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/11/1942 tại Thừa Thiên Huế và lớn lên tại Hà Nội. Tháng 7/1966, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội đạt loại ưu, chị theo học khóa huấn luyện đặc biệt, chuẩn bị đi Nam. Tháng 3/1967, sau gần 3 tháng hành quân đầy gian truân, vất vả, chị đã vào đến chiến trường Quảng Ngãi, được phân công về huyện Đức Phổ. Tháng 3/1968, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm được giao nhiệm vụ phụ trách bệnh xá Đức Phổ. Hằng ngày, ngoài nhiệm vụ cứu chữa và điều trị cho thương binh, chị còn đảm nhận thêm rất nhiều việc như: hộ lý, cấp dưỡng, làm giáo viên đào tạo y tá để kịp thời phục vụ cho bệnh xá cũng như đưa về công tác ở các địa phương,… Chị còn thường xuyên về công tác ở các xã, hầu như tất cả nơi đâu trên huyện Đức Phổ chị cũng đặt chân đến. Bên cạnh đó, chị còn tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, vận động quần chúng nhân dân trụ bám, sẵn sàng chiến đấu chống lại các cuộc càn quét của địch. Ngày 22/6/1970, trên đường đi kiếm thức ăn cho anh em thương binh, không may bị lọt vào ổ phục kích của địch, chị đã anh dũng hy sinh khi chưa đầy 28 tuổi với 3 năm tuổi nghề và 2 năm tuổi Đảng.

Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm nằm ngay bên Quốc lộ 1A, cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 50km về hướng Nam. Bệnh xá được xây dựng theo ước muốn của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm lúc sinh thời. Đây là nơi khám, chữa bệnh có mô hình đặc biệt bởi lần đầu tiên trong hệ thống khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng trên toàn quốc, ngoài việc thực hiện công tác khám, chữa bệnh, bệnh xá còn là địa chỉ đỏ thu hút hàng chục nghìn lượt du khách đến tham quan mỗi năm. Có thể nói với sức ảnh hưởng sâu rộng của cuốn nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, liệt sĩ – bác sĩ Đặng Thùy Trâm là một trong những tấm gương sáng cho việc giáo dục tinh thần và chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời hiện đại.

Qua chuyến tham quan tại bệnh xá Đặng Thùy Trâm, được nghe kể về cuộc đời, tuổi trẻ và hoài bão được cống hiến cho Tổ quốc của chị, các thành viên trong đoàn càng có thêm động lực để không ngừng học tập, cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp hơn.

Đoàn tham quan bệnh xá Đặng Thùy Trâm

Để có được hòa bình, ổn định và phát triển ngày hôm nay là công sức, xương máu của biết bao anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống, đánh đổi cuộc sống của mình cho đất nước trường sinh bất tử, đó là những người như đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, hay liệt sĩ – bác sĩ Đặng Thùy Trâm… Họ là chính là những anh hùng của thời đại Hồ Chí Minh – những người đã viết nên trang sử hào hùng của dân tộc. Trong không khí thiêng liêng, xúc động này, chúng tôi xin được bày tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc, tưởng nhớ đến công ơn của các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Hành trình Về nguồn tại các địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là dịp để toàn thể đảng viên, đoàn viên của Bảo tàng Đà Nẵng cùng ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, nối dài truyền thống đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn”, là cơ hội để mỗi thành viên trong đoàn thể hiện lòng biết ơn sâu sắc về sự hy sinh to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, nâng cao lý tưởng cách mạng và ý thức trách nhiệm của mỗi người trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hoá.

                                                                                      Lê Văn Phúc

(Phòng Quản lý Di sản văn hóa)

Tin liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | HD Tải và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 HD Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng và An Toàn [Bật mí]: làm website tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin nhất?