Gần 510 tỉ đồng chuyển đổi trụ sở HĐND TP Đà Nẵng làm Bảo tàng Lịch sử

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị HĐND TP tại kỳ họp cuối năm 2019 quyết định chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng (trụ sở HĐND TP Đà Nẵng hiện nay) để làm Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng.

Ngày 26/11, Văn phòng Đoàn ĐBQH-HDDND-UBND TP Đà Nẵng cho hay, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ vừa có Tờ trình số 7777/TTr-UBND (ngày 16/11) đề nghị HĐND TP tại kỳ họp cuối năm 2019 quyết định chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng (trụ sở HĐND TP Đà Nẵng hiện nay) để làm Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng (BTLSĐN).

Khu nhà 42 Bạch Đằng sẽ được cải tạo, nâng cấp để làm Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Theo đó, dự án được xây dựng trên cơ sở tiếp thu ý tưởng phương án đạt giải Nhất cuộc thi Thiết kế kiến trúc cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm BTLSĐN (tháng 7/2019, Infonet đã đưa tin). Cụ thể, đầu tư xây dựng BTLSĐN trong khuôn viên số 42 – 44 Bạch Đằng và số 31 Trần Phú (quận Hải Châu) với tổng diện tích đất nghiên cứu 8.686m2, chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 có diện tích đất 6.728m2, gồm tháo dỡ khối nhà 2 tầng thuộc cơ sở 42 Bạch Đằng; tháo dỡ cánh nhà phụ trợ trụ sở HĐND TP; tháo dỡ các hạng mục phụ trợ gồm nhà để xe, tường rào, cổng ngõ, sân nội bộ… Qua đó, cải tạo nhà số 42 Bạch Đằng hiện trạng, chuyển đổi thành không gian trưng bày và các không gian công cộng; cải tạo toàn bộ hệ cảnh quan xung quanh nằm trong ranh giới giai đoạn 1 của dự án; cải tạo cảnh quan vả hè tiếp giáp giai đoạn 1 dự án.

Xây dựng cánh nhà mới tiếp giáp phía Tây nhà số 42 Bạch Đằng với quy mô 1 tầng hầm đỗ xe + kỹ thuật và 3 tầng nổi. Trang thiết bị xây lắp công trình như PCCC, điều hòa, thông gió, thông tin liên lạc, âm thanh, hệ thống công nghệ 3D phục vụ trưng bày, trạm biến áp, máy phát điện dự phòng, thang máy, thang cuốn…; trang thiết bị nội thất phục vụ trưng bày đồng bộ theo công năng công trình và theo hiện vật trưng bày của Bảo tàng.

Giai đoạn 2 có diện tích đất 1.904m2, gồm tháo dỡ hiện trạng thuộc cơ sở 31 Trần Phú (khối nhà ngang 3 tầng và khối nhà để xe ô tô 1 tầng), tháo dỡ cánh nhà phụ trợ HĐND TP (nếu chưa tháo dỡ trong giai đoạn 1). Cải tạo nhà số 44 Bạch Đằng để di chuyển khu Văn phòng quản lý về; bổ sung một số không gian dịch vụ hướng về phía sông Hàn.

Cơ sở số 31 Trần Phú sẽ được chuyển đổi công năng các sàn thành không gian tương tác, không gian phụ trợ Bảo tàng; các không gian đang sử dụng làm văn phòng trong giai đoạn 1 của dự án thuộc cơ sở 42 Bạch Đằng sẽ được chuyển đổi thành các không gian trưng bày thường xuyên.

Cải tạo toàn bộ hệ cảnh quan xung quanh nằm trong ranh giới giai đoạn 1 của dự án, bao gồm cảnh quan lối tiếp cận qua Thư viện Tổng hợp Đà Nẵng; cải tạo cảnh quan vỉa hè tiếp giáp giai đoạn 2 dự án. Đầu tư trang thiết bị xây lắp công trình và trang thiết bị nội thất phục vụ trưng bày đồng bộ theo công năng công trình và theo hiện vật trưng bày của Bảo tàng.

Được biết, BTLSĐN là dự án nhóm B, công trình dân dụng cấp II do Sở Văn hóa  – Thể thao Đà Nẵng được giao làm chủ đầu tư; BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng là đơn vị quản lý dự án. Tổng mức đầu tư dự án (tạm tính) hơn 507 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP Đà Nẵng; thời gian thực hiện dự án 2019 – 2022.

Trao đổi với PV Infonet, Nghệ sĩ Nhân dân Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng cho hay, BTLSĐN được khởi công xây dựng từ năm 2005 và đưa vào hoạt động đón khách tham quan từ năm 2011. Cơ sở vật chất của Bảo tàng hiện trạng gồm không gian trưng bày (3 tầng) có diện tích hơn 3.000m2, giới thiệu hơn 2.500 tư liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa của TP Đà Nẵng và vùng phụ cận.

BTLSĐN cũng đang trưng bày, lưu giữ và bảo quản trên 27.000 tài liệu hiện vật thuộc các bộ sưu tập. Hiện BTLSĐN đang thu hút đông đảo lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan; tính đến ngày 4/8/2019, lượng khách tham quan BTLSĐN đạt 211.781 lượt.

Tuy nhiên, BTLSĐN hiện trạng đang nằm trong vùng lõi của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải là một di tích lịch sử quan trọng của TP Đà Nẵng và là kiến trúc quân sự thời Nguyễn còn lại khá nguyên vẹn ở Đà Nẵng hiện nay (từng là tiền đồn chống quân xâm lược ngay từ buổi đầu thực dân Pháp đặt chân lên mảnh đất này-PV).

“Để giải phóng, trùng tu vùng lõi của di tích Thành Điện Hải thì yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần phải di dời toàn bộ cơ sở vật chất và các hiện vật trưng bày hiện trạng ra khỏi khu vực di tích!” – NSND Huỳnh Văn Hùng nhấn mạnh. Đồng thời, ông Hùng cho biết, tuy có nhiều điều kiện để tổ chức sưu tầm hiện vật bổ sung trưng bày mới nhưng cơ sở vật chất hiện trạng của BTLSĐN không đảm bảo nhu cầu phát triển đồng bộ, mở rộng quy mô cũng như nhu cầu nâng cao chất lượng, hình thức trưng bay, giới thiệu hiện vật.

NSND Huỳnh Văn Hùng nhấn mạnh: “Điều kiện hiện trạng của cơ sở 42 Bạch Đằng rất thuận lợi về vị trí, kiến trúc, cảnh quan có giá trị lịch sử kiến trúc đô thị, thuận tiện giao thông; đồng thời nằm trong quy hoạch xây dựng trục không gian văn hóa, lịch sử của TP Đà Nẵng mà di tích Thành Điện Hải được xác định là trung tâm.

Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm BTLSĐN nhằm di dời cơ sở vật chất và hiện vật trưng bày tại Bảo tàng hiện trạng đang nằm trong vùng lõi của di tích Thành Điện Hải về đây, đồng thời mở rộng quy mô trưng bày là cần thiết và phù hợp với mục tiêu xây dựng Bảo tàng thành trung tâm văn hóa, giáo dục, vui chơi giải trí trong quy hoạch tổng thể khu quảng trường văn hóa, lịch sử ven sông Hàn với di tích Thành Điện Hải là trung tâm”.

46,6 tỉ đồng cải tạo nhà 32 Bạch Đằng làm Văn phòng Đoàn ĐBQH-HDND-UBND TP Đà Nẵng

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng có Tờ trình số 7831/TTr-UBND đề nghị HĐND TP tại kỳ họp cuối năm 2019 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cải tạo, sửa chữa nhà số 32 Bạch Đằng (quận Hải Châu) để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất bố trí nơi làm việc mới cho Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND-UBND TP Đà Nẵng sau khi di dời khỏi trụ sở cũ tại số 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng.

Theo đó, cải tạo khối nhà 2 tầng phía đường Bạch Đằng, diện tích xây dựng 342m2; tháo dỡ 3 dãy nhà 2 tầng phía Bắc và phía Nam, xây dựng mới trình 4 tầng diện tích xây dựng 577m2; xây mới nhà bảo vệ, nhà để xe, sân nền, cảnh quan, cải tạo tường rào, cổng ngõ; đầu tư trang thiết bị văn phòng… Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh gần 46,7 tỉ đồng từ vốn ngân sách TP Đà Nẵng. Thời gian thực hiện dự án năm 2019 – 2021.

HẢI CHÂU

 

 

Tin liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | HD Tải và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 HD Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng và An Toàn [Bật mí]: làm website tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin nhất?