Điện Hải cổ thành – Chuyện chưa kể: Hai nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của Việt Nam

Hoàng Sơn

Xét về tính chất và cách thức quy tập, các nhà sử học cho rằng nghĩa trủng Phước Ninh và Khuê Trung gắn liền với thành Điện Hải trong buổi đầu kháng Pháp. Đây cũng chính là 2 nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên ở VN.
Nghĩa trủng Phước Ninh nơi có tấm bia ghi nhận công đức từng được đề nghị là bảo vật quốc gia  /// Ảnh: Hoàng Sơn

Nghĩa trủng Phước Ninh nơi có tấm bia ghi nhận công đức từng được đề nghị là bảo vật quốc gia

ẢNH: HOÀNG SƠN
Sau 18 tháng ròng rã giằng co cho đến khi liên quân Pháp rút khỏi Đà Nẵng (tháng 2.1860), lực lượng triều đình nhà Nguyễn cũng bị thiệt hại nặng nề. Hàng ngàn nghĩa sĩ đã ngã xuống, nhất là trong 2 trận đầu Pháp tấn công vào tháng 9 và 11.1858.
Chứng tích cuộc chiến
Trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, nghĩa sĩ tử trận chỉ được mai táng vội vã và sơ sài. Nhiều năm sau chiến tranh Mậu Ngọ 1858, vua Tự Đức đã chỉ đạo quy tập hài cốt tử sĩ vào 2 nghĩa trủng Phước Ninh và Khuê Trung.
Vào năm Tự Đức 19 (1866), nghĩa trủng Hòa Vang (tên cũ của nghĩa trủng Khuê Trung) được lập lần đầu tiên ở làng Nghi An (nay thuộc P.Hòa Phát, Q.Cẩm Lệ) với 1.300 ngôi mộ. Năm 1962, quân đội Mỹ mở rộng sân bay, nghĩa trủng lại dời đến vị trí hiện tại (P.Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ) và được công nhận di tích quốc gia năm 1999.
Còn nghĩa trủng Phước Ninh qua nhiều lần quy hoạch hiện chỉ sót lại nhà bia tưởng niệm bằng sa thạch cao 1,2 m, rộng 0,8 m, năm 1988 di tích này được công nhận di tích quốc gia. Trong khi đó, hơn 1.500 nấm mộ tại đây đã được cải táng vào nghĩa trang Sơn Gà ở xã Hòa Khương (H.Hòa Vang). Nhắc lại, nghĩa trủng Phước Ninh do ông Nguyễn Quý Linh (húy Đạo Trai, làm chức Sung chánh Thương biện hải phòng) khởi xướng lập nên vào năm Tự Đức 29 (1876).
Tấm bia cổ ở nghĩa trủng Phước Ninh lưu giữ nhiều thông tin quý giá. Vì vậy, hồi năm 2014 sau khi tổ chức thẩm định giá trị hiện vật, Trung tâm quản lý di sản Đà Nẵng kiến nghị nên công nhận tấm bia này là bảo vật quốc gia (nhưng đến nay chưa được công nhận). Qua thời gian, bia đã mờ nét nhưng vẫn có thể đọc được những dòng chữ đậm tính nhân văn. Bia ghi: “Các vị Phó quản cơ Nguyễn Lân, Hiệp quản Nguyễn Đề được phái đến để cùng với quân binh phát dọn gai gốc, cỏ rác tìm nơi bờ bụi thu nhặt hài cốt tản mác đó đây, rồi dùng giấy, vải mà gói lại đặt vào quách để đưa về chung một khu vực, chôn cất thành nhiều lớp…”.
Tấm bia còn thể hiện nội dung chính ông Đạo Trai “tâu xin giao cho dân lo việc cung phụng gìn giữ, sửa sang quét dọn. Lại xin mua hơn 2 mẫu ruộng đất để chi dùng trong việc giỗ chạp hằng năm”.
Nghĩa trủng độc nhất vô nhị
Nói về nghĩa trủng Phước Ninh, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng cho biết nơi đây vẫn còn cây đa, tấm bia và đến ngày rằm người dân địa phương vẫn thường xuyên hương khói.
“Liệt sĩ là những người hy sinh vì đất nước trong khi làm nhiệm vụ. Những người dưới trướng Nguyễn Tri Phương, Lê Đình Lý tham gia chống Pháp mà hy sinh thì cũng là liệt sĩ. Nên gọi nghĩa trủng này là nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của cả nước cũng đúng, bởi trong lịch sử hàng ngàn năm của đất nước, những người hy sinh vì nghĩa chưa được quy tập vào nghĩa trang. Chưa thấy nơi nào trên cả nước có nghĩa trủng kiểu này”, ông Hùng phân tích. Thật xúc động khi theo dõi trong kế hoạch kỷ niệm 160 năm Đà Nẵng kháng Pháp, thấy có sự kiện khởi công trùng tu dự án tôn tạo nghĩa trủng Khuê Trung với kinh phí 5 tỉ đồng.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, là người kiểm tra hồ sơ công nhận di tích quốc gia đặc biệt đối với thành Điện Hải, đã chia sẻ: “Việc có nên đưa 2 nghĩa trủng vào di tích quốc gia đặc biệt thuộc hệ thống thành Điện Hải hay không cũng đã được bàn đến. Tuy nhiên, trong hồ sơ cần phải bổ sung thông tin đầy đủ chứng minh gắn liền với thành Điện Hải. Bản thân tôi rất muốn nghĩa trủng không rời rạc, nằm ngoài thành Điện Hải, mà cần có sự liên kết theo hệ thống”.
Trong bài viết Cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải – 155 năm sau nhìn lại đăng trong cuốn Đà Nẵng chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha 1858 – 1860 (NXB Giáo dục VN 2014), ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, cũng nhận định: Cái độc đáo chỉ riêng Đà Nẵng mới có là ngay sau khi kết thúc chiến tranh không lâu, lần đầu tiên ở nước ta có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia – nghĩa trủng Phước Ninh và Khuê Trung.
Hồi năm 2013, nhân kỷ niệm 155 năm cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải, theo đề nghị của Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, lãnh đạo TP đã đến dâng hương ở 2 nghĩa trủng này.

Tin liên quan