DI CHỈ KHẢO CỔ CHĂM PHONG LỆ

Những năm cuối thế kỷ XIX, Phong Lệ đã được ông Camille Paris lựa chọn để lập đồn điền trồng cà phê, chè, thơm. Trong quá trình khai phá, người ta đã khám phá ra tàn tích của một ngôi tháp đổ nát. Trong tài liệuCatalogue du Musee Cam de Tourane, Henri Parmentier còn cho biết, ông Camille Paris – người chủ đồn điền Phong Lệ đã thu thập ở đây nhiều hiện vật điêu khắc Chăm và sau đó chuyển về công viên Tourane (sau này là Bảo tàng Điêu khắc Chăm).

Năm 1909, Parmentier đã thống kê được 21 hiện vật mang về từ Phong Lệ; năm 1918 thì có 9 hiện vật[1].

Những nhận định ban đầu về Phong Lệ và các hiện vật ở đây đã được H. Parmentier công bố năm 1909 trong công trình Inventaire descriptif des monuments cams de l’Annam[2]. Sau giai đoạn này, địa điểm khảo cổ Phong Lệ bị lãng quên, hoang phế, cây cối mọc rậm rạp và ít người qua lại.

Sau năm 1975, Hợp tác xã nông nghiệp của địa phương đã san ủi một phần di tích để làm trại chăn nuôi và người dân cũng dần dần về đây cư trú mà không biết đến sự tồn tại củamột di chỉ khảo cổ quan trọng trong lòng đất.

Tháng 4-2011, gia đình ông Ông Văn Tồn và bà Lê Thị Út, trú tại xóm Cấm (tổ 3, phường Hòa Thọ Đông) khi đào móng làm nhà tại lô đất số 173 và 101 đã phát hiện ra một pho tượng cổ đầu người mình chim (tượng thần điểu Kinnari trong thần thoại Ấn giáo) và nhiều gạch Chăm. Ngay sau đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã thực hiện khai quật khẩn cấp. Tiếp đó, năm 2012 và năm 2018, di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ tiếp tục được khai quật khảo cổ.

Trên cơ sở kết quả khai quật các năm 2011, 2012 và 2018, các nhà nghiên cứu đã có những nhận định như sau:

– Về tính chất di tích

+ Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ như là một tổ hợp kiến trúc phân bố trên một gò đất cao, được bao quanh bởi một dòng chảy cổ thuộc dòng sông Cẩm Lệ. Phong Lệ có khả năng được quy hoạch với các cấp nền khác nhau, một đền tháp chính ở cấp nền trung tâm cao nhất, vây quanh là hệ thống tường bao ngăn cách khu vực trung tâm với vùng ngoại vi, lối vào qua kiến trúc Cổng, có thể có một số công trình phụ trợ như nhà dài trước Cổng, tháp Hỏa hoặc đền tháp phụ ở trong tường bao gần đền tháp chính…

+ Về kỹ thuật xây dựng: phần nền móng đã được chú trọng gia cố bằng những lớp đầm sử dụng đất sét trộn với gạch và lớp đá cuội kết hợp với cát vàng. Phần móng kiến trúc có thể được tạo dựng bằng phương pháp mài chập, sử dụng nhựa thực vật như là chất kết dính mà dấu vết để lại là những dấu ám đen. Phần trụ áp tường tìm thấy rất nhiều viên gạch còn dính nguyên vào nhau có trang trí hoa văn cho thấy đây là những vị trí được xử lí kỹ lưỡng.

+ Về điêu khắc trang trí: các đề tài trang trí trên đá phong phú bao gồm rất nhiều tượng động vật như sư tử, voi; trang trí diềm mái như rắn thần, tai lửa, đầu tượng chim thần; chóp đền tháp… Đặc biệt là họa tiết trang trí trên gạch với motif kiểu cành lá uốn cong, vểnh lên ở đầu mút, lá có rãnh sâu liên tưởng tới phong cách A1, đặc biệt là giai đoạn đầu – phong cách Khương Mỹ trong lịch sử đền tháp Chăm.

– Về chủ nhân, niên đại và các mối liên hệ lịch sử

+ Chủ nhân

Kết quả khai quật Phong Lệ đã làm rõ một phần bình đồ kiến trúc tổng thể đền tháp với những đặc trưng kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và tín ngưỡng của người Chăm như tượng sư tử, rắn thần, bệ trụ có điêu khắc voi… giống như hàng chục đền tháp đã phát hiện trên dải đất miền Trung Việt Nam. Quần thể kiến trúc Phong Lệ có thể là một công trình quy mô lớn trong hệ thống đền tháp Chăm hiện biết ở miền Trung Việt Nam.

+ Niên đại

Dựa trên tổ hợp loại hình vật liệu xây dựng với loại trang trí dây lá đặc trưng và các trang trí kiến trúc bằng đá cát Chăm, gốm men thời Tống… đoàn khai quật đề xuất niên đại khởi dựng của Phong Lệ vào khoảng đầu thế kỉ X và được người Chăm duy trì thờ tự cho đến ít nhất vào thế kỷ XII.

Với những giá trị to lớn của di chỉ khảo cổ này, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã kí Quyết định số 4568/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2020 công nhận Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là di tích khảo cổ cấp Thành phố.

[1]Hiện nay tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đang bảo quản và trưng bày 09 hiện vật được chuyển từ Phong Lệ về vào những năm đầu thế kỷ 20

[2]Dẫn theo Báo cáo khai quật di tích khảo cổ Phong Lệ năm 2011-2012

Khu khảo cổ Chăm Phong Lệ nhìn từ trên cao

Hố thiêng trong Khu Khảo cổ Phong Lệ

Hiện trạng hố khai quật tại vườn nhà ông Lê Kim Phụng (ảnh chụp năm 2020)

Hiện vật tiêu biểu (tượng voi)

Hiện vật tiêu biểu (Trang trí vòm cửa tháp (Typam)- Phong Lệ)

Võ Thị Dung

(Phòng Quản lý Di sản văn hóa)

Tin liên quan