Ngày 27/11/2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ký Quyết định số 4568/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích cấp thành phố đối với Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) và Quyết định số 4569/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích cấp thành phố đối với Cụm di tích lịch sử Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu). Đây sẽ là cơ sở pháp lý cho các hoạt động quản lý, bảo vệ di tích theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa.
Theo đó, Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ được xếp hạng là di tích khảo cổ. Khu tháp Chăm Phong Lệ có niên đại xây dựng vào khoảng thế kỉ X và được người Champa duy trì thờ tự cho đến ít nhất vào thế kỉ XII. Đây là một trong những khu di tích tháp Chăm quan trọng có giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Qua 3 lần tiến hành khai quật khảo cổ vào các năm 2011, 2012 và 2018 đã phát hiện được gần 400 hiện vật có giá trị với nhiều chất liệu như đồ đá, gốm sứ, thạch anh, vàng…
Di chỉ Khảo cổ Chăm Phong Lệ nhìn từ trên cao
Hiện vật vừa được phát lộ tại Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ (năm 2018)
Cụm di tích lịch sử Nam Ô (bao gồm 7 di tích: Đình Nam Ô; Lăng Ông; Dinh Âm linh; Nghĩa trủng Nam Ô; Miếu bà Liễu Hạnh; Miếu bà Bô Bô; Giếng Lăng) được công nhận là di tích lịch sử. Các di tích trong Cụm di tích lịch sử Nam Ô mang nhiều dấu ấn và giá trị văn hóa, lịch sử rõ nét, là sự tiếp biến giữa hai nền văn hóa Chăm – Việt với những tập tục sinh hoạt, các lớp trầm tích văn hóa đan xen. Mỗi di tích minh chứng cho những thời kì lịch sử khác nhau của mảnh đất Nam Ô nói riêng và Đà Nẵng nói chung.
Làng Nam Ô nhìn từ trên cao
Lăng Ông Nam Ô – Một trong 7 di tích trong cụm di tích lịch sử Nam Ô
Lê Văn Phúc
(Phòng Quản lý Di sản văn hóa)