Ngày 20-7-1954, Hiệp định Genève về chiến tranh Đông Dương được ký kết. Theo đó, Việt Nam sẽ tạm thời bị chia cắt bằng ranh giới là vĩ tuyến 17 để quân đội các bên tập kết. Quân đội Pháp sẽ rút khỏi Việt Nam và trao quyền quyết định vận mệnh dân tộc Việt Nam cho người Việt Nam. Một năm sau đó sẽ tiến hành hiệp thương và một năm sau nữa sẽ tiến hành tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra như vậy. Năm 1954, Ngô Đình Diệm được Mỹ đưa về miền Nam làm Thủ tướng của Quốc trưởng Bảo Đại. Diệm đã thi hành ngay chính sách trả thù những người kháng chiến. Thủ đoạn của Diệm vô cùng đa dạng và hậu quả thì rất nặng nề, trong đó Chính sách “tố Cộng, diệt Cộng” do Mỹ – Diệm thực hiện đã gây cho Cách mạng những tổn thất to lớn. Chỉ tính từ tháng 7-1955 đến tháng 2-1956, chúng đã giết hại, giam cầm 93.362 cán bộ, đảng viên. Từ năm 1955 đến năm 1958, riêng ở Nam Bộ, địch đã giết hại khoảng 68.000 cán bộ, đảng viên, bắt 446.000 người (1). Tháng 12-1958, chúng đầu độc hàng nghìn tù chính trị ở trại giam Phú Lợi, làm chết nhiều chiến sĩ cách mạng. Đến tháng 4-1959, Ngô Ðình Diệm tuyên bố “đặt miền Nam trong tình trạng khẩn cấp”, ngày 6-5-1959, thông qua Luật 10/59 về việc thành lập các “Tòa án Quân sự Đặc biệt” với lý do “xét xử các tội ác chiến tranh chống lại chế độ Việt Nam Cộng hòa”, mục đích nhằm tiến hành thanh trừ những người cộng sản ở miền Nam Việt Nam. Đạo luật 10-59 có thể nói là tiếp nối chính sách “tố Cộng, diệt Cộng” của Ngô Đình Diệm. Theo đạo luật này, Tòa án quân sự đặc biệt dưới chế độ Ngô Đình Diệm chỉ xử 2 mức: Tử hình và khổ sai chung thân. Tuy nhiên chỉ cần có ý nghĩ chống chính quyền Diệm là bị ghép tội chứ không đợi đến ra tòa. Với đạo luật 10/59, Mỹ – Diệm đã tiến hành đàn áp khủng bố nhân dân tham gia cách mạng, giết hại những người yêu nước, đánh phá ác liệt các chi bộ đảng và cơ sở cách mạng.
Các tài liệu tuyên truyền của Luật 10/59 của chế độ Ngô Đình Diệm (Hình ảnh trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng)
Chỉ sau hơn một tháng áp dụng, phía chính quyền Sài Gòn đã đạt được những “thành quả” vô cùng to lớn, họ “vui mừng” tổng kết tin tức tháng 6 năm 1959, rằng: “nhờ ở đường lối khôn khéo của chính quyền cùng sự tích cực hoạt động của quân đội, bảo an và dân vệ và toàn thể các cơ quan an ninh ta, nên một số lớn cán bộ Việt cộng đã lần lượt sa lưới, và mọi hành động quân sự của chúng hầu bị tê liệt” (2). Thực tế, chế độ Ngô Đình Diệm đã tổ chức các chiến dịch “tố Cộng, diệt Cộng”, tiến hành càn quét khắp miền Nam, giết hại hàng loạt những người kháng chiến của Việt Minh. Hàng chục vạn người dân thường cũng bị bắt giữ vì tình nghi có liên quan tới Việt Minh, hàng ngàn làng mạc đã bị đốt phá, gây ra sự căm phẫn cho rất nhiều người dân miền Nam. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới Phong trào Đồng khởi của người dân miền Nam nhằm chống lại chế độ Ngô Đình Diệm. Trước sức đánh phá qua nhiều đợt “tố Cộng, diệt Cộng” cực kỳ ác liệt và những chiến dịch càn quét khốc liệt của quân đội ngụy tay sai, những phong trào chống Mỹ ở miền Nam đã chịu những tổn thất nặng nề chưa từng có.
Một trong những công cụ được sử dụng để thực thi tội ác chính là máy chém. Mục đích hành quyết những người bị kết tội ban đầu bằng máy chém nhằm răn đe, gây khiếp sợ cho những người cộng sản cũng như quần chúng cách mạng. Vì thế, chính quyền Ngô Đình Diệm đặt máy chém ở nhiều nơi, chủ yếu là các chợ như Trung Hòa, Tân Hội An (Củ Chi),… Lúc này, máy chém được tái sử dụng và trở thành một công cụ giết người. Chúng lê máy chém đi khắp các vùng nông thôn và thành thị miền Nam, công khai giết hại những người yêu nước, tàn sát đồng bào hết sức man rợ. Các khẩu hiệu “nổi tiếng” như “Thà giết nhầm còn hơn bỏ sót!”, “đồng tâm diệt cộng”, “tiêu diệt cán bộ nằm vùng”, “tiêu diệt cộng sản tận gốc”, thể hiện quyết tâm chống chủ nghĩa Cộng sản tới cùng của Diệm.
“Máy chém” (hiện vật phục chế) đang được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng
Máy chém được thiết kế bởi 2 cột trụ gỗ cao tầm 3 mét với lưỡi dao được treo phía trên và có dây thừng nối để thả xuống. Phía dưới có một xà ngang khác và giá hẹp để tử tội đặt đầu vào. Hai miếng ván được khoét hình bán nguyệt, ráp lại thành hai hình tròn, chặn phía trên và phía dưới cổ tử tội để lưỡi dao rơi vào giữa. Bên trong trụ là hai rãnh để lưỡi dao theo đó rơi xuống theo một đường thẳng đứng. Phía dưới là hộc sắt để rơi đầu tử tù vào, kế bên là thùng đựng thi thể.
Có thể nói, với đạo luật 10/59 mà chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành đã khiến cho cách mạng miền Nam như nằm trong máu lửa, bị tổn thất nặng nề, lâm vào tình thế hết sức hiểm nghèo. Hàng chục nghìn cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng bị địch bắt, tra tấn, giết hại, tù đầy… xã hội miền Nam trở nên cực kỳ ngột ngạt. Tuy nhiên, trong điều kiện khắc nghiệt ấy, quần chúng nhân dân vẫn trung dũng, kiên cường, một lòng một dạ theo Đảng, ủng hộ cách mạng, vùng lên đấu tranh chống lại âm mưu thâm độc, xảo quyệt và những chính sách độc tài, phát xít của kẻ thù. Đặc biệt, kể từ khi Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười lăm (01/1959) của Đảng ra đời đã vạch rõ nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong bối cảnh chung , hoạt động xây dựng lực lượng vũ trang và phong trào đấu tranh vũ trang của đã được khôi phục và ngày càng phát triển, hỗ trợ hiệu quả phong trào đấu tranh chính trị đưa cách mạng miền Nam cũng như cả nước sang một giai đoạn mới. Cũng từ đây đánh dấu sự thất bại của đạo luật 10/59 cũng như sự lung lay của chế độ Ngô Đình Diệm.
Phan Ngọc Mỹ
(Phòng Giáo dục – Truyền thông)
Tài liệu tham khảo
- Báo Nhân dân, ngày 10-3-2005. http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/ item/14084302-.html.
- Bản tổng kết tin tức tháng 6-1959 của Nha tổng giám đốc bảo an, hồ sơ 5795, phông ĐICH, TTLTII.
- “Nghị quyết 15 với Cách mạng miền Nam năm 1959”, Trần Thị Vui, Trung tâm lưu trữ quốc gia 2. http://luutruvn.com/index.php/2016/01/20/nghi-quyet-15-voi-cach-mang-mien-nam-nam-1959/.