Sở Văn hóa – Thể thao thành phố đang xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nhà cổ dân gian truyền thống Đà Nẵng. Đề án được kỳ vọng là cơ hội để nhìn nhận lại giá trị nhà cổ, tìm giải pháp, chính sách phù hợp để bảo tồn vốn quý này trên địa bàn thành phố.
Ngôi nhà cổ của ông Tán Tỉnh (thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong). Ảnh: NGỌC HÀ |
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay ở thành phố Đà Nẵng có gần 100 ngôi nhà cổ dân gian truyền thống, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Hòa Vang. Hầu hết các ngôi nhà cổ này trên dưới 100 năm tuổi, được thiết kế theo kiểu ba gian hai chái hoặc bốn gian hai chái, mái ngói lợp kiểu âm dương; kiến trúc lẫn các chạm khắc hoa văn trên rườn, mái nhà… đều thể hiện sự tinh xảo của bàn tay nghệ nhân làng mộc Kim Bồng nức tiếng ngày xưa. Đây là những tài sản quý giá góp phần nhận diện, tạo nên bản sắc văn hóa của thành phố và là một bộ phận quan trọng của di sản kiến trúc đô thị Đà Nẵng.
Tuy nhiên, trải qua hàng trăm năm, với tác động mạnh mẽ của khí hậu, thời tiết, thiên tai, chiến tranh, quá trình đô thị hóa, cùng với sự thiếu quản lý, bảo vệ nên các ngôi này đang xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ bị biến dạng, hủy hoại hoàn toàn. Đơn cử như ngôi nhà của ông Bùi Trọng Trung (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), ngôi nhà cổ kiểu “tam gian tứ vị” của bà Đặng Thị Túy Phong, nhà ông Đặng Tao, nhà ông Tán Tỉnh… (tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) đều có chung tình trạng mái ngói, tường bong tróc, một số cột bị mối mọt… Trước tình trạng xuống cấp, nhiều gia đình thực hiện tu bổ bằng cách “hư đến đâu sửa đến đó”, mái ngói âm dương thay bằng mái tôn, nhiều đòn tay, rui của ngôi nhà bị thay thế bằng gỗ thường, nền nhà lúc trước được lót ván gỗ được thay thế bằng xi-măng…
Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hòa Vang cho hay, Hòa Vang là huyện thuần nông của thành phố nên còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng duyên hải Trung bộ, trong đó có những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Theo thống kê sơ bộ, tại huyện Hòa Vang, các ngôi nhà cổ năm rải rác ở thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn), thôn Dương Lâm (xã Hòa Phong) và thôn Phong Nam (xã Hòa Châu)…
Tuy nhiên, hiện nay phần lớn những ngôi nhà này đã xuống cấp, nguồn kinh phí để tu bổ khá lớn, người dân không có điều kiện; thêm nữa, một số hộ nhân khẩu tăng nên muốn cơi nới để bảo đảm nhân khẩu trong gia đình… nên vấn để bảo tồn rất khó khăn trong nhiều năm qua. “Thực tế hiện nay, phần lớn nhà cổ đều là sở hữu tư nhân nên quyền định đoạt thuộc về người dân. Do đó, chính sách hỗ trợ như thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị của nhà cổ gắn với nhu cầu của người dân càng phải tính toán, cân nhắc kỹ”, ông Đỗ Thanh Tân nói.
Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm được Sở Văn hóa – Thể thao thành phố giao tại Công văn số 72/QĐ-SVHTT ngày 12-2-2020 về việc ban hành danh mục 3 nhiệm vụ trọng tâm giao các phòng ban và các đơn vị trực thuộc sở thực hiện trong năm 2020, từ đầu năm đến nay, Bảo tàng Đà Nẵng triển khai xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy các giá trị nhà cổ dân gian truyền thống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Ngôi nhà cổ của bà Đặng Thị Túy Phong (thôn Túy Loan, xã Hòa Phong). Ảnh: NGỌC HÀ |
Bước đầu, bảo tàng thực hiện công tác điền dã lấy tư liệu về các ngôi nhà cổ tại Đà Nẵng. “Qua công tác điền dã, có thể nhìn nhận rằng hiếm có địa phương nào như Đà Nẵng, người dân gìn giữ được những nếp nhà xưa của cha ông để lại. Trong số họ, có những người đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng kiên quyết không bán đi ngôi nhà của tổ tiên. Điều đó càng thôi thúc những người làm công tác bảo tồn phải nhanh chóng tìm ra giải pháp để lưu giữ ký ức xưa bởi với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, một mai, nếu những nếp nhà xưa cũng không còn nữa thì hình ảnh làng quê đặc trưng của xứ Quảng chỉ còn là ký ức…”, ông Thiện thông tin.
Cũng theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, sau khi điền dã, các bước tiếp theo là đánh giá, phân loại, lựa chọn danh mục nhà cổ đáp ứng tiêu chí, điều kiện tham gia chính sách hỗ trợ của đề án; tổ chức tọa đàm khoa học lấy ý kiến góp ý đề án từ các đơn vị có liên quan… Trên cơ sở đó, tham mưu UBND thành phố các giải pháp, chính sách phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và đời sống thực tế, phù hợp với chính sách hiện nay của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao cũng sẽ lựa chọn, đưa một số nhà cổ có giá trị tiêu biểu, đặc sắc vào danh mục kiểm kê di tích và xây dựng lộ trình xếp hạng.
NGỌC HÀ