CHƯƠNG TRÌNH “NỖI ĐAU DA CAM – HÀNH TRÌNH VƯƠN LÊN” VỚI CHỦ ĐỀ 3: BẢN ĐỒ PHUN RẢI DA CAM

Để che giấu dư luận, Bộ Quốc phòng Mỹ đã dùng biệt danh là Chiến dịch Ranch Hand và phổ biến trong quân đội Mỹ và nhân dân rằng các chất hóa học được dùng là những chất diệt cỏ, chất làm rụng lá thông thường; mục tiêu là để phát quang các nơi trú ẩn, đóng quân của đối phương, làm giảm thương vong cho quân đội Mỹ và đồng minh; các chất này không độc hại đối với sinh vật, không tác động đáng kể đến sức khỏe con người.

Nhưng thực tế cho thấy, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người, để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho con người và môi trường, sinh thái Việt Nam. Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam chứa 366 kg dioxin xuống các cánh rừng, các thôn ấp, các khu đất trồng trọt với tổng diện tích 3,06 triệu ha, gần bằng ¼ tổng diện tích miền Nam Việt Nam. Có thể nói, hầu hết các tỉnh thành từ Quảng Trị tới Cà Mau bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin.

Trong thời gian chiến tranh, Mỹ – Việt Nam Cộng hòa chia miền Nam Việt Nam ra các vùng chiến thuật: I, II, III, IV (từ Bắc xuống Nam). Trong đó vùng chiến thuật III bị phun rải nặng nhất, đây là khu vực xung quanh Sài Gòn – đầu não của chính quyền chế độ cũ lúc bấy giờ.

Các tỉnh và khu vực trọng điểm là: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, chiến khu D, chiến khu Dương Minh Châu, đặc khu rừng Sác (huyện Cần Giờ – Sài Gòn), mật khu Bời Lời (Tây Ninh).

Hãy cùng Bảo tàng Đà Nẵng đón chờ chủ đề tiếp theo của chương trình “NỖI ĐAU DA CAM – HÀNH TRÌNH VƯƠN LÊN” vào ngày mai nhé!

Tin liên quan