CHƯƠNG TRÌNH “DẤU ẤN VĂN HÓA PHÁP TẠI ĐÀ NẴNG”

Năm 2023 là năm đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp khi hai nước cùng nhau kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (12/4/1973 – 12/4/2023) và tròn 10 năm quan hệ đối tác chiến lược (2013 – 2023), nhân dịp kỷ niệm sự kiện quan trọng này, sáng ngày 09/4/2023, Bảo tàng Đà Nẵng long trọng tổ chức Chương trình “Dấu ấn văn hóa Pháp tại Đà Nẵng” tại Bảo tàng Đà Nẵng, số 24 Trần Phú, Đà Nẵng.

Về tham dự chương trình có ông Đoàn Xuân Hiếu – Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng; ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng; bà Dương Lê Phương – Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng; bà Nguyễn Thị Kim Tuyến – Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng; ông Samuel Delameziere – Giám đốc ủy quyền Viện Pháp Việt Nam tại Đà Nẵng; ông Nguyễn Lê Đức Huy – Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Pháp thành phố Đà Nẵng, Chủ nhiệm CLB tiếng Pháp tại Đà Nẵng; đại diện Sở Ngoại vụ, Hội  Hướng dẫn viên thành phố, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, các trường có dạy tiếng Pháp trên địa bàn thành phố và đông đảo học sinh, sinh viên, công chúng địa phương.    

Chương trình “Dấu ấn văn hóa Pháp tại Đà Nẵng” được thực hiện với mục đích giới thiệu đến du khách và công chúng những nét đẹp của văn hóa Pháp còn bảo lưu ở thành phố Đà Nẵng, cũng như mối quan hệ giao lưu, tiếp xúc và tiếp biến văn hóa của Việt Nam và Pháp trong lịch sử. Từ đó, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược giữa hai nước.

Phát biểu tại chương trình, ông Samuel Delameziere – Giám đốc ủy quyền Viện Pháp Việt Nam tại Đà Nẵng đánh giá cao ý nghĩa của chương trình, ông nhấn mạnh:đây thật sự là biểu tượng của tình bạn để tôi có mặt cùng các bạn hôm nay, tại Bảo tàng Đà Nẵng, nơi đại diện cho ký ức của cộng đồng. Bởi vì chúng ta cùng kỷ niệm văn hóa sẻ chia và đánh giá rất cao dấu mốc này qua các hoạt động nổi bật và hoàn hảo nhất. Tôi cũng chắc chắn rằng các cuộc thảo luận tiếp theo về “Những dấu ấn kiến ​​trúc Pháp ở Đà Nẵng” sẽ phong phú hơn bởi những dấu ấn của quá khứ, nay thuộc về Đà Nẵng và cộng đồng, những người đang tiếp tục xây dựng môi trường cho ngày mai. Bởi vì nếu chúng ta nói về 50 năm quan hệ ngoại giao giữa 2 đất nước, đó là nói đến tương lai mà 50 sẽ chuyển thành 100 năm và hơn thế nữa”.  

Ông Samuel Delameziere – Giám đốc ủy quyền Viện Pháp Việt Nam tại Đà Nẵng phát biểu tại chương trình

“Dấu ấn văn hóa Pháp tại Đà Nẵng”

Tại chương trình, công chúng được khám phá lịch sử hình thành và phát triển của đô thị Tourane (Đà Nẵng hiện nay) thông qua Talkshow “Dấu ấn kiến trúc Pháp tại Đà Nẵng” với sự tham gia của 2 khách mời TS.KTS Lê Minh Sơn, Trưởng bộ môn Kiến trúc, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và TS. KTS Đinh Nam Đức – giảng viên Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng cũng như hoạt động triển lãm một số hình ảnh công trình kiến trúc Pháp còn lưu giữ ở thành phố.

Talkshow “Dấu ấn kiến trúc Pháp tại Đà Nẵng”

Triển lãm một số hình ảnh công trình kiến trúc Pháp còn lưu giữ ở thành phố

Ngoài ra, công chúng còn được hòa mình vào không gian văn hóa với các hoạt động hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, tìm hiểu văn hóa Việt Nam và Pháp như: Tìm hiểu, thưởng thức và tự tay trang trí các món bánh và đồ ngọt đặc trưng của nước Pháp đến từ Cửa hàng bánh Sucré Atelier; Khám phá văn hóa và tiếng Pháp tại góc Pháp ngữ của Viện Pháp tại Đà Nẵng; Trải nghiệm, nhận thức được những nét tương đồng và khác biệt giữa trò chơi dân gian của Việt Nam với Pháp.

Tìm hiểu và thưởng thức các món bánh và đồ ngọt đặc trưng của nước Pháp đến từ Cửa hàng bánh Sucré Alcatel

Trải nghiệm “Vẽ và trang trí bánh quy đường”

Khám phá văn hóa và tiếng Pháp tại góc Pháp ngữ của Viện Pháp tại Đà Nẵng Pháp tại Đà Nẵng

Trải nghiệm trò chơi nhảy lò cò con ốc (Escargot) của nước Pháp

Chương trình “Dấu ấn văn hóa Pháp tại Đà Nẵng” do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia đông đảo của công chúng, mang đến cho công chúng những trải nghiệm thú vị và đầy ý nghĩa khi được tìm hiểu về những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đất nước Pháp. Bảo tàng hy vọng sẽ tiếp tục trở thành chiếc cầu nối giữa cộng đồng các chủ thể văn hóa với công chúng tham quan Bảo tàng.

 

Trần Khánh Ly

(Phòng Giáo dục – Truyền thông)

Tin liên quan