- ‘Bí mật’ các di sản của Quảng Nam – Đà Nẵng – Kỳ 1: May mắn của Hội An
- ‘Bí mật’ các di sản của Quảng Nam – Đà Nẵng – Kỳ 2: Di sản Mỹ Sơn suýt ‘chết chìm’
- ‘Bí mật’ các di sản của Quảng Nam – Đà Nẵng – Kỳ 3: ‘Bí mật’ của Thành Điện Hải
TTO – Đã có một giai đoạn Hải Vân quan, di tích nằm trên đỉnh đèo Hải Vân tiếp giáp Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, rơi vào cảnh ‘cha chung không ai khóc’. Nhưng nay, di tích độc đáo trên đã sống lại sau cái bắt tay hợp tác của hai địa phương lân cận.
Phế tích sống lại
Ở tuổi 55, ông Nguyễn Văn Phước, chủ tiệm quà lưu niệm trên đỉnh đèo Hải Vân, đã gắn bó cuộc sống của mình với Hải Vân. Không chỉ ông Phước, mà từ thời cha của ông cũng đã “an cư” trên đèo Hải Vân để tìm kế sinh nhai.
“Khi hầm đường bộ Hải Vân còn chưa thông, những chuyến xe đi lại nhộn nhịp qua đèo. Bấy giờ, Hải Vân quan cũng ít ai để ý, hoang phế, tồi tàn” – ông Phước nhớ lại.
Đó là giai đoạn mà di tích Hải Vân quan đã thành phế tích. Cụm kiến trúc cổ trên đỉnh đèo Hải Vân là “cửa ngõ” phía nam của khu vực kinh đô triều Nguyễn ở Huế. Các kiến trúc này người xưa xây dựng dựa trên địa hình tự nhiên.
Tuy nhiên sau khi phân định địa giới hành chính các tỉnh thành, người ta lại dựa vào đường phân thủy (đường đỉnh núi) để phân chia. Do đó kiến trúc Hải Vân quan nằm trên đường phân giới, dẫn đến sự tranh chấp âm ỉ.
Nhiều đoàn du khách nước ngoài vẫn thích thú lựa chọn con đường ngoằn ngoèo của Hải Vân và dừng chân tham quan Hải Vân quan. Nhưng họ phải quay ra liền bởi nhiều lô cốt, di tích ở đây bị phóng uế bừa bãi, hôi thối…
Tuy nhiên 2-3 năm trở lại đây, Hải Vân quan đang dần sống lại. Giữa đèo Hải Vân có Ban quản lý khu di tích và du lịch Hải Vân quan gồm 14 thành viên do một phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, Đà Nẵng làm trưởng ban.
Những ai có thú vui lái xe chinh phục đèo Hải Vân đều dễ nhận thấy sự thay đổi xung quanh Hải Vân quan.
Các quán xá đã ngăn nắp, gọn gàng và hiếm khi có cảnh chèo kéo, giành giật khách. Cụm di tích được dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ. Lực lượng chức năng của Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng thường xuyên có mặt giữ gìn an ninh trật tự và hướng dẫn du khách.
“Mỗi ngày ở đây có hàng ngàn du khách, nhất là khách nước ngoài, họ đến để khám phá văn hóa và cũng bởi phong cảnh đẹp mà ít nơi nào có được. Đứng trên đỉnh đèo, ngó về phía Bắc là bãi cát trắng, biển xanh của Lăng Cô. Phóng tầm mắt về phía Nam là TP Đà Nẵng” – ông Phước vui vẻ nói.
Anh Nguyễn Hoàng Thái, một du khách Hà Nội, cho biết cái thú của anh là vào Đà Nẵng, thuê xe máy chạy dọc đường biển Nguyễn Tất Thành lên đèo Hải Vân. “4-5 năm trước trên này ô nhiễm lắm. Giờ thì quy củ, gọn gàng, sạch sẽ hẳn. Du khách cũng nườm nượp hơn” – anh nói.
Hiện mỗi năm Hải Vân quan đón gần 300.000 lượt khách. Và trong tương lai khi trùng tu, tôn tạo xong thì nơi đây kỳ vọng sẽ trở thành một điểm đến lý tưởng cho du khách.
Ông HUỲNH ĐÌNH QUỐC THIỆN
Hồ sơ có nhiều… con dấu nhất
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết suốt mấy chục năm trời, để hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng bắt tay nhau làm sống dậy Hải Vân quan là một câu chuyện thú vị.
Năm 2015, Bộ Văn hóa nhận được hồ sơ của Thừa Thiên Huế trình, đề nghị công nhận Hải Vân quan là di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuy nhiên, bộ đề nghị Thừa Thiên Huế làm việc với Đà Nẵng bởi Hải Vân quan nằm ở ranh giới của hai địa phương. Nhờ vậy, “Hải Vân quan được gợi mở tháo nút thắt từ đây” – ông Thiện cho biết.
Năm 2016, giám đốc Sở Văn hóa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đã bắt tay nhau cùng khôi phục Hải Vân quan.
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, giám đốc Sở Văn hóa Đà Nẵng, Hải Vân quan là một di tích lịch sử mà một thời gian dài do chiến tranh và con người nên đã thành phế tích. Lâu nay, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng không phân định rõ ràng. Nếu Huế làm di tích thì Đà Nẵng không đồng ý và ngược lại.
“Chúng tôi đã cùng đề xuất rằng di sản văn hóa là của chung. Còn việc phân định ranh giới sau này để Quốc hội và Chính phủ quyết” – ông Hùng tâm sự.
Tại cuộc làm việc ngày 4-11-2016 diễn ra ở TP Huế, hai bên đã đi đến thống nhất cùng phối hợp phát huy giá trị của Hải Vân quan. Và đến ngày 17-11, đoàn của Sở VH-TT Thừa Thiên Huế đã vào Đà Nẵng cùng Sở VH-TT Đà Nẵng ký biên bản ghi nhớ về phối hợp phát huy giá trị của Hải Vân quan.
Hai bên thống nhất cùng lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận Hải Vân quan là di tích cấp quốc gia, tạo thuận lợi cho hai địa phương trong việc trùng tu, phát huy giá trị, thu hút khách du lịch.
“Có lẽ hồ sơ trình di tích Hải Vân quan có nhiều con dấu nhất, với 16 con dấu do hai địa phương cùng đóng” – ông Thiện cho biết.
Chiều 24-5-2017 trên đỉnh Hải Vân đã trở thành một sự kiện đáng nhớ khi lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế bắt tay và trao nhau biên bản hợp tác bảo tồn và phát huy giá trị Hải Vân quan.
Cái bắt tay không chỉ ghi nhớ sự hợp tác bảo tồn di tích này, mà còn mở ra một cuộc hợp tác phát triển của hai vùng đất. Lần đầu tiên có một hình ảnh đẹp là lễ đón bằng di tích lịch sử quốc gia trên đèo Hải Vân cùng được trao cho Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.
Đó như là dấu mốc hồi sinh cho Hải Vân quan.
Giữa năm 2019, lãnh đạo của hai địa phương đã gặp nhau và ký một biên bản ghi nhớ góp hơn 20 tỉ đồng mỗi bên để thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo Hải Vân quan.
Theo ông Hùng, nếu hai bên cùng làm thủ tục đầu tư thì rất rườm rà, mất thời gian nên Đà Nẵng ủy quyền để Thừa Thiên Huế thực hiện. Vì Huế là nơi có nhiều kinh nghiệm, Ban quản lý di tích cố đô Huế cũng đã làm nhiều công trình nên ủy quyền cho Huế là hợp lý.
“Nếu không có gì thay đổi thì tháng 12 năm nay sẽ khởi công và tháng 12 năm sau sẽ hoàn thành, sẽ có di tích sống lại từ phế tích” – ông Hùng vui vẻ cho biết.
Chuyển mình nhờ hợp tác
Ông Lê Văn Nghĩa, phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, trưởng Ban quản lý khu di tích và du lịch Hải Vân quan, chia sẻ thêm từ khi Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế hợp tác bảo tồn, phát huy giá trị Hải Vân quan thì nơi đây đã chuyển mình thực sự.
Những hộ dân buôn bán tại đây đã thành lập tổ tự quản, mỗi tuần bốn buổi tổng vệ sinh khu vực này. Tại đây, lực lượng bảo vệ túc trực 24/24, với biên phòng, công an… có mặt thường xuyên.
ĐOÀN CƯỜNG