Bảo tồn di tích văn hóa

Di sản văn hóa là nguồn tài nguyên quý báu, góp phần làm nên thương hiệu, hình ảnh của mỗi quốc gia, dân tộc. Xác định rõ tầm quan trọng của di sản văn hóa trong phát triển văn hóa nói riêng và phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Đà Nẵng nói chung, thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa trên địa bàn đã được thành phố quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thành và hào của Thành Điện Hải sau khi được trùng tu ở giai đoạn 1. Ảnh: Đ.H.L
Thành và hào của Thành Điện Hải sau khi được trùng tu ở giai đoạn 1. Ảnh: Đ.H.L

Trùng tu nhưng không biến dạng

Có thể nói, Đà Nẵng là một trong những địa phương có quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Điều đó được thể hiện bằng việc thành phố đã có nhiều chủ trương và chính sách phù hợp theo từng giai đoạn để tiếp sức cho công tác này.

Đặc biệt, kể từ khi thành phố có Đề án Bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn Đà Nẵng năm 2016-2020, các di tích văn hóa không chỉ được đầu tư trùng tu mà số lượng di tích cấp quốc gia và cấp thành phố cũng được tăng lên. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia và 55 di tích cấp thành phố. Hầu hết các di tích đều được thành phố quan tâm trùng tu, trong đó có một số di tích được trùng tu mới hoàn toàn như đình Xuân Thiều, đình Nại Hiên Đông…

Trong công tác trùng tu, bảo tồn di tích có một yếu tố quan trọng liên quan đến chất lượng, đó là lực lượng thực thi, những người quyết định phương án, giải pháp và đội ngũ thợ trực tiếp thực hiện. Nếu việc trùng tu di tích được thực hiện bởi lực lượng không chuyên nghiệp sẽ làm biến dạng và mất mát nhiều về giá trị lịch sử, văn hóa đích thực.

Để hạn chế điều này, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, trên cơ sở hiện trạng, Bảo tàng Đà Nẵng đã mời những đơn vị tư vấn có kinh nghiệm trong lĩnh vực trùng tu di tích, từng làm ở các công trình di tích văn hóa, lịch sử ở Đại nội Huế. Đây là những đơn vị đã được cấp chứng chỉ hành nghề, có nghiệp vụ trùng tu di tích nên bảo đảm chất lượng.

Đặc biệt đối với những di tích nhà thờ, đình làng thì phải bảo đảm các giá trị văn hóa Việt như: cột kèo, hoa văn… Bên cạnh đó, trong quá trình trùng tu phải dựa vào hình ảnh gốc được lưu giữ, đặc biệt là hồ sơ di tích. Bảo tàng Đà Nẵng cũng đã mạnh dạn đề xuất các giải pháp khoa học, trên tinh thần tôn trọng những gì còn lại, còn những gì đã mất thì tìm giải pháp thay thế.

“Những người trùng tu phải tôn trọng từ những thiết kế chi tiết nhỏ nhất cho đến chi tiết tổng thể gốc có giá trị văn hóa lịch sử. Chẳng hạn gạch làm thành Điện Hải phải là loại gạch nấu thủ công, độ vàng đều, được đặt làm tại nơi có uy tín ở Quảng Ngãi, Phú Yên.

Ngói ở các công trình đình làng phải là loại ngói chất lượng, được nung chín đều để khi lợp không bị dột làm ảnh hưởng đến di tích. Thợ ở Huế là nghệ nhân. Họ có truyền thống gắn bó với nghề, cha truyền con nối nên rất yên tâm về chất lượng. Về vấn đề tâm linh, họ sợ “quở, trách, phạt” nên làm rất chu đáo và tỉ mỉ”, ông Thiện giải thích.

Khi khảo sát lên dự thảo sơ bộ hồ sơ thiết kế, Bảo tàng Đà Nẵng mời các vị trưởng lão, Ban quản lý đình làng, các chư phái tộc họp xem bản vẽ thiết kế để góp ý, bổ sung. Một bộ hồ sơ phải qua nhiều lần lấy ý kiến và mất nhiều năm mới hoàn thiện.

“Người làm công tác bảo tồn di tích luôn luôn lắng nghe, chia sẻ với cộng đồng như nghe dân, các vị trưởng lão, bô lão. Bởi đây là bản sắc văn hóa hàng ngàn năm đã được các cụ tiếp thu từ thế hệ này sang thế hệ khác nên rất có kinh nghiệm trong quản lý, lễ tục, lễ nghi… Ban tế lễ phải sát cánh cùng người dân để lấy ý kiến của các cụ, không được tùy tiện đưa vào hồ sơ di tích”, ông Thiện cho biết thêm.

Cứ vào dịp hè hằng năm, UBND phường Hải Châu 1 tổ chức múa rối nước tại đình làng Hải Châu để phục vụ trẻ em mầm non tham quan, thưởng thức. Ảnh: Đ.H.L
Cứ vào dịp hè hằng năm, UBND phường Hải Châu 1 tổ chức múa rối nước tại đình làng Hải Châu để phục vụ trẻ em mầm non tham quan, thưởng thức. Ảnh: Đ.H.L

Là địa bàn có nhiều di tích nằm trong vùng quy hoạch đô thị sau giải tỏa nên công tác trùng tu di tích ở Cẩm Lệ cũng gặp không ít khó khăn và tốn nhiều công sức. Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó phòng Văn hóa-Thông tin (VHTT) quận Cẩm Lệ cho biết, hiện trên địa bàn quận có 3 di tích cấp quốc gia và 7 di tích cấp thành phố.

Trong thời gian qua, các di tích này được thành phố và quận quan tâm đầu tư rất tốt. Sau khi quy hoạch giải tỏa, các di tích đều được giữ lại hiện trạng và bố trí đất khuôn viên rộng hơn, điển hình như đình Lỗ Giáng, đình Tùng Lâm, nhà thờ tộc Thái…

“Trước đây, đình Lỗ Giáng nằm trên cái nỗng trủng thấp, sau khi quy hoạch lại, đình được đổ đất nâng cao trình lên 2m và phục dựng lại trên nền đất cũ. Trong khi đó, lăng mộ Ông Ích Đường cũng phải giải tỏa hai hộ dân trong khu vực lân cận và xây dựng tường rào, cảnh quan khang trang. Nghĩa trủng Hòa Vang cũng được thành phố đầu tư cải tạo lại sân nền, cảnh quan và các công trình vệ sinh…”, bà Quyên nhấn mạnh.

Để bảo đảm thực hiện tốt công tác trùng tu về lâu dài, hiện Bảo tàng Đà Nẵng đưa một số cán bộ, nhân viên đi học chuyên sâu về công tác trùng tu và bảo quản, trong đó có một người đi học trùng tu di tích ở Ý theo đề án của nước này tài trợ cho Việt Nam đối với những người đã có kiến thức về trùng tu di tích và hiện vật; một người khác học chuyên sâu về bảo quản phục chế. “Lĩnh vực văn hóa bảo tàng là đa ngành, đa nghề.

Hiện đội ngũ làm công tác văn hóa bảo tàng được đào tạo đúng chuyên ngành như: văn hóa, khoa học lịch sử, đại học bảo tàng. Ngoài ra, còn có các cán bộ tốt nghiệp các lĩnh vực kỹ thuật như: kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư, hóa sinh, luật sư… Phương châm của chúng tôi là ít nhưng phải tinh, yêu nghề và tâm huyết”, ông Thiện đánh giá.

Dựa vào cộng đồng để phát triển

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, văn hóa là nguồn lực, động lực cho sự phát triển; muốn phát triển thì phải dựa vào cộng đồng. Sau khi triển khai thực hiện Đề án của thành phố, hiện trạng của các di tích được trùng tu rất tốt. Nhiệm vụ bây giờ là làm sao để phát huy tốt giá trị của các di sản này để không lãng phí.

Do đó, cần biến các thiết chế văn hóa đình làng trở thành không gian văn hóa công cộng, là sân chơi lành mạnh. Nếu người dân không đến với các di tích, đó là lỗi của những người làm văn hóa. Cần có sự chung tay của chính quyền địa phương trong việc vận động bà con cùng các vị bô lão xây dựng các chương trình hoạt động văn hóa tại nơi đây và có kinh phí cho ban đình làng.

Trong thời gian qua, Bảo tàng Đà Nẵng đã đồng hành cùng với các địa phương xây dựng các hoạt động văn hóa; đồng thời hướng dẫn các cụ cao niên ở khu dân cư tổ chức các lễ hội mang tính cộng đồng, như phối hợp với phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) xây dựng đề án tái hiện không gian xưa đình làng Hải Châu 1 để tổ chức khu phố đêm gắn với giá trị văn hóa, nhằm tạo không gian tổ chức các hoạt động văn hóa xưa.

Qua câu chuyện văn hóa và thưởng thức giá trị văn hóa tinh thần, người dân hiểu hơn về giá trị của các di tích để bảo vệ. “Di sản văn hóa vật thể phải được gắn với di sản văn hóa phi vật thể để tạo ra sân chơi; từ đó gắn kết, cùng nhau tồn tại, cùng bảo vệ và phát huy. Đưa văn hóa cộng đồng và các giá trị di sản văn hóa vào đình làng để người dân có ý thức và bảo vệ. Người dân thẩm thấu hết được những giá trị đó thì bản thân họ mới đứng ra bảo vệ di tích”, ông Thiện nhấn mạnh.

Song song đó, Bảo tàng Đà Nẵng còn phối hợp với phòng giáo dục các quận, huyện triển khai chương trình lịch sử địa phương gắn với di tích văn hóa để giáo dục học sinh; qua tham quan di tích, học sinh thấy được truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc để giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc.

Hiện quận Cẩm Lệ đang làm đề án xin chủ trương thành phố làm cảnh quan đình làng Lỗ Giáng để phục vụ du lịch, kết nối tour, tuyến. Hằng năm, quận cũng chỉ đạo các trường học trên địa bàn xây dựng chương trình hoạt động ngoại khóa để đưa học sinh đến tham quan, học tập tại các di tích văn hóa, lịch sử.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng VHTT huyện Hòa Vang cho biết, trong năm 2019, Phòng VHTT Hòa Vang đã đề xuất Sở Văn hóa-Thể thao và Bảo tàng Đà Nẵng trùng tu tổng thể 4 di tích: đình Xuân Lộc, đình Phước Thuận, đình Thái Lai, đình Phú Hòa và lập thủ tục chuẩn bị đầu tư 5 di tích gồm: đình Túy Loan, đình Dương Lâm, đình Cẩm Toại, đình Hưởng Phước và nhà thờ tộc Đinh (Hòa Phước).

Việc trùng tu di tích được thực hiện rất bài bản, khoa học; đặc biệt các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp làm tư vấn và có tham vấn ý kiến cộng đồng nên bảo đảm đúng nguyên bản. Đối với những di tích bị hư hại hoàn toàn thì việc trùng tu khó khăn hơn, phải nhờ đến ký ức của những người cao tuổi để có được bản phác thảo kiến trúc gần giống nguyên bản rồi thiết kế theo.

Hệ thống di tích xuống cấp trên địa bàn huyện được trùng tu giúp người dân Hòa Vang có cơ ngơi khang trang để phụng sự uy linh, thực hành tín ngưỡng dân gian và giáo dục truyền thống cho con em… Việc phục dựng các di tích, đặc biệt là các ngôi đình rất có ý nghĩa trong việc khôi phục phong tục và giữ gìn văn hóa truyền thống trong giai đoạn hiện nay.

Đoàn Hạo Lương

Tin liên quan