Ngày 2-9-1858, lúc 4 giờ sáng, tiểu đoàn của Trung đoàn 2 Thủy quân lục chiến và đội pháo binh rời khỏi doanh trại dã chiến, đến 6 giờ 30 thì tiếp cận với doanh trại của cánh quân dẫn đầu.
Một góc thành Điện Hải sau khi bị liên quân Pháp – Tây Ban Nha đánh chiếm lúc 10 giờ sáng ngày 2-9-1858 thể hiện rõ tường thành phía đông và nhà chứa súng bị hư hại nhiều do trúng đạn pháo, những cỗ thần công còn đặt bên trong nhà súng, những cỗ thần công dùng để chiến đấu bị hất tung nhiều nơi, cột cờ cạnh tường thành phía nam đã cắm quốc kỳ Pháp và cảnh liên quân Pháp – Tây Ban Nha đang thực hiện di chuyển những cỗ súng thần công chiếm đoạt được ra khỏi thành. Tranh của Lebreton đăng trên họa báo Journal Universel, Paris, 1858. (Nguồn: Alamy stock photo) |
Phân đội công binh do Đại úy Labbe chỉ huy đã chiếm đóng thành An Hải vào lúc rạng đông, sau đó họ được thay bằng Đại đội 16 của Đại úy Guillot thuộc Trung đoàn 4 Thủy quân lục chiến (Lâu nay sử triều Nguyễn và các công trình nghiên cứu đã công bố đều nói thành An Hải thất thủ vào ngày đầu tiên của cuộc chiến; song qua tường thuật của Đại tá Ponchalon, có thể khẳng định đúng là quân đội triều Nguyễn đã rút khỏi thành An Hải ngay ngày 1-9-1858, sau khi kho thuốc súng bị nổ tung vì trúng đạn từ pháo hạm Mitraille bắn trúng vào lúc 10 giờ 30 sáng, nhưng liên quân Pháp – Tây Ban Nha cuối đêm hôm đó mới chỉ dừng lại đóng trại cách thành An Hải 4 cây số, và đến rạng sáng ngày 2-9-1858 mới chiếm đóng thành này – NQTT).
Vào 8 giờ sáng, các pháo hạm Dragonne, Fusée, Mitraille khai hỏa về phía thành Điện Hải. Nửa giờ sau, một quả đạn trái phá từ pháo hạm Dragonne làm thổi bùng kho thuốc súng trong thành Điện Hải, đến 9 giờ ngọn lửa mới chịu chùng xuống.
Lúc 10 giờ, phân đội công binh được hỗ trợ bởi một đội lính hải quân vượt qua sông Hàn trên những chiếc ca-nô và chiếm được thành Điện Hải mà không gặp sự kháng cự nào, bởi dường như quân An Nam đã rút lui từ đêm hôm trước, sau vụ nổ ở thành An Hải.
Eo đất của bán đảo Sơn Trà là lưỡi cát dài như ruột chiếc bánh mì và chật hẹp. Phần đất liên quân đang đóng doanh trại khá thấp, bị thiêu đốt bởi ánh nắng mặt trời, gần như không có cây cối gì sinh trưởng.
Khoảng 6 giờ 30 chiều, một làn gió nhẹ làm dịu bớt cái nóng bức, mặt trời đang dần dần tắt nắng. Bước lên trên một đụn cát gần doanh trại, tôi (tức Đại tá Ponchalon- NQTT) lặng ngắm bức tranh toàn cảnh hùng vĩ đang trải ra trước mắt mình.
Ở phía bắc nhô lên hai dãy núi dựng đứng đồ sộ, trùm bóng lên cả lối vào trong vịnh (nguyên văn là “vũng tàu”: rade). Ở tiền cảnh, đảo Cô được tách thành một mảng sáng nhạt đẹp như tranh vẽ. Phía đông, dãy núi Sơn Trà nặng nề giăng ra những cánh rừng tím thẫm, kéo dài đến giáp ranh của eo đất nối bán đảo với đất liền.
Phía tây thì tương phản lạ kỳ, mặt trời nhuốm đỏ chiếu những tia nắng cuối ngày qua những vòng triền đồi và nhẹ nhàng tỏa xuống vịnh Đà Nẵng, vẽ lên ở đó những nếp cuộn duyên dáng, những vũng tán cây từ những cụm dừa. Phía nam, Ngũ Hành Sơn (nguyên văn: Montagnes de marbre) với những đỉnh núi phớt hồng nổi lên như bộ ngực của biển cả, phản chiếu lung linh vô vàn sắc màu.
Vào 9 giờ sáng ngày 3-9-1858, thuyền trưởng của tôi nhận lệnh đi cùng đại đội của mình đến thành An Hải. Sau một giờ hành quân trên cát dưới cơn nắng nóng như thiêu đốt, chúng tôi buộc phải dừng lại, vì một người lính tên Kroemer vừa mới ngã xuống chết do bị say nắng.
Lúc 11 giờ, đơn vị lại lên đường. Chúng tôi đến thành An Hải vào 1 giờ 30 chiều với những đôi chân kéo lê trên đất và xác thân lừ đừ bởi cơn khát nước. Vào 2 giờ chiều, Phó Đô đốc Rigault de Genouilly đến thành An Hải.
“Tại sao các anh lại đến trễ? Đúng ra các anh phải lên đường trước khi mặt trời mọc”. Đúng là Thượng đế muốn dành cho các chỉ huy của chúng tôi những lợi thế huấn thị khôn ngoan này!
Phó Đô đốc ban bố các mệnh lệnh của ông: Thành Điện Hải sẽ phải được di tản trong thời gian ngắn; Đại đội 35 ở thành An Hải sẽ phải bảo vệ doanh trại và các xuồng vũ trang di chuyển ngược lên sông Hàn. Đến 6 giờ chiều, Đại úy Guillot trở về doanh trại với Đại đội 16 của mình.
Người An Nam đã rời bỏ những ngôi làng duyên dáng ở Đà Nẵng nằm trải dọc theo hai bên bờ sông Hàn, còn gọi là sông Đà Nẵng, ở khoảng cách rất gần hai thành An Hải và Điện Hải. Những ngôi nhà nên thơ như tranh vẽ (nguyên văn là “những túp lều đẹp như tranh”: les cases pittoresques) được bao quanh bởi những khu vườn và những lùm cây xanh rì. Đồng bằng xung quanh được bao phủ bởi những ruộng lúa và đồng ruộng mọc lên tươi tốt.
NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN