Ngày 24-12, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng di tích cấp quốc gia danh thắng Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Như vậy, đây là di tích thứ 2 của Đà Nẵng, sau thành Điện Hải được công nhân di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Tên Ngũ Hành Sơn có từ năm Minh Mạng thứ 18 (1837) khi vua Minh Mạng dựa vào cấu tạo, vị trí tự nhiên của núi và thuyết âm dương ngũ hành đã đặt tên lần lượt cho các ngọn núi là: Kim Sơn – Mộc Sơn – Thủy Sơn – Hỏa Sơn – Thổ Sơn (riêng Hỏa Sơn có 2 ngọn núi gần kề nên được gọi là Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn) và tên gọi chung cho quần thể là Ngũ Hành Sơn.
Một góc di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn nhìn từ trên cao
Tại đây có nhiều hang động đẹp như: động Huyền Không, động Huyền Vi, động Vân Thông, động Tàng Chơn, động Quan Âm. Bên cạnh đó, tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đã có 14 ngôi chùa lớn nhỏ tồn tại. Núi Thủy Sơn có 5 chùa, tháp: Chùa Tam Thai, Chùa Linh Ứng, Chùa Tam Tôn, Chùa Từ Tâm, Tịnh thất Hồng Tháp. Núi Kim Sơn có 2 chùa: Chùa Quan Âm, Chùa Thái Sơn. Núi Hỏa Sơn có 3 chùa: Chùa Linh Sơn, Chùa Phổ Đà Sơn, Chùa Ứng Nhiên Phật Tông Tự. Núi Thổ Sơn có 4 chùa: Chùa Long Hoa, Chùa Huệ Quang, Chùa Hương Sơn, Chùa Giác Hoàng Viên. Trong đó có chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng đã được vua Minh Mạng sắc phong Quốc tự vào năm 1825.
Đặc biệt, hiện nay, danh thắng Ngũ Hành Sơn vẫn còn bảo lưu nhiều di vật, cổ vật, văn bia và hiện vật văn hóa Phật giáo có giá trị như: đài thờ phong cách nghệ thuật Đồng Dương ở trước sân chùa Linh Ứng; đài thờ phong cách nghệ thuật Đồng Dương ở hang Chiêm Thành thuộc động Tàng Chơn; đài thờ phong cách nghệ thuật Đồng Dương ở động Huyền Không, hai trụ cửa đá sa thạch ở trên đường lên chùa Tam Thai (đây có thể là những trụ cửa của một ngôi tháp Chăm đã bị đổ và được chuyển về vị trí hiện nay); bệ đá hình vuông mang phong cách Mỹ Sơn A1 ở sân chùa Linh Ứng; tượng linga-yoni ở động Tàng Chơn; các tượng hộ pháp ở động Tàng Chơn; 03 tượng nữ thần Po Inư Nagar ở động Huyền Không và động Tàng Chơn; gạch Chăm lát nền động Huyền Không; văn bia Phổ Đà Sơn linh trung Phật (Phật trong hang thiêng núi Phổ Đà) ở động Hoa Nghiêm được khắc trực tiếp trên vách đá vào năm Canh Thìn (1640), do Thiền sư Huệ Đạo Minh trụ trì chùa Phổ Đà biên soạn; văn bia chùa Thái Bình (chùa gần ngọn Thủy Sơn và Thổ Sơn) tạo dựng ngày 11 tháng 7 năm Tân Sửu ghi rằng, trước đây có vị đại sư Lưu Chân Dĩnh, người tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đến đây dựng chùa hành đạo…
Danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận Di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia vào năm 1980. Ngày nay, Ngũ Hành Sơn trở thành biểu tượng văn hóa của thành phố Đà Nẵng, là điểm tham quan nổi tiếng đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2017, Ngũ Hành Sơn đón gần 1.500.000 lượt khách, trong đó khách nước ngoài gần 800.000 lượt.
HỘI AN