Chiều ngày 17/4/2018, tại Bảo tàng Đà Nẵng đã diễn ra Lễ bàn giao hiện vật khai quật khảo cổ học Di chỉ Vườn Đình Khuê Bắc giữa Trung tâm Quản lý Di sản Văn hóa và Bảo tàng Đà Nẵng. Tham dự buổi lễ có ông Huỳnh Văn Hùng – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng, TS. Phạm Văn Triệu – Viện Khảo cổ học, Chủ trì khai quật cùng với Lãnh đạo và Cán bộ – Viên chức hai đơn vị.
Buổi lễ đã diễn ra với phần báo cáo khái quát về kết quả khai quật cũng như giá trị đặc biệt của Di chỉ Vườn Đình Khuê Bắc (Phường Hòa Hải – Quận Ngũ Hành Sơn). Đây là đợt khai quật lần thứ 3 (năm 2017) do Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng phối hợp với Viện Khảo cổ học thực hiện. Theo đó khẳng định, đây là di chỉ cư trú, mộ táng, chế tác công cụ và đồ trang sức thuộc thời kỳ Tiền Sa Huỳnh có niên đại khoảng 3.000 đến 3.500 năm cách ngày nay. Trước đó, trong cuộc khai quật lần thứ nhất vào năm 2001, các nhà nghiên cứu nhận định rằng tính chất của di chỉ là di chỉ cư trú, mộ táng. Điều đặc biệt nữa đây là di chỉ hiếm hoi ở miền Trung (cùng với di chỉ Bàu Trám – Núi Thành – Quảng Nam) có sự ổn định và nguyên vẹn về mặt địa tầng, chứa các dấu tích văn hóa của cư dân Tiền Sa Huỳnh.
Tiếp theo sau đó là đến phần bàn giao hiện vật với sự chứng kiến của Lãnh đạo Sở, Đại diện Viện khảo cổ. Lãnh đạo Trung tâm Quản lý di sản Văn hóa đã bàn giao cho Lãnh đạo Bảo tàng Đà Nẵng nhóm hiện vật bao gồm: công cụ sản xuất (rìu, bàn mài, hòn kê, bàn xoa gốm, hòn đập, chày nghiền, dao đá, phát vật rìu) và các mảnh gốm Tiền Sa Huỳnh. Từ nay, nhóm hiện vật này sẽ được Bảo tàng Đà Nẵng lưu giữ và thực hiện các công tác chuyên môn nghiệp vụ kiểm kê, bảo quản để phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu cũng như trưng bày giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: “Đây là những hiện vật khảo cổ có giá trị đặc biệt đối với vùng đất Đà Nẵng. Nó khẳng định bề dày văn hóa của vùng đất này cũng như là cơ sở quan trọng để nghiên cứu về giai đoạn văn hóa Tiền Sa Huỳnh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung. Bảo tàng Đà Nẵng cần làm tốt công tác lưu giữ và cũng như sớm nghiên cứu để bổ sung vào hệ thống trưng bày, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu và tham quan của công chúng”.
Trần Văn Chuẩn
Phòng Giáo dục – Truyền thông