HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM NGÀY DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM 23/11/2019

Xác định tầm quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, ngay sau khi thành lập Chính phủ ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” khẳng định việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc “là công việc rất quan trọng và cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”. Theo đó, Đông Phương Bác cổ Học viện có nhiệm vụ bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, thay thế cho Pháp quốc Viễn Đông Bác cổ Học viện bị bãi bỏ. Đồng thời, giữ nguyên các quy định về bảo tồn cổ tích đã có trước đây là cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, lăng mộ chưa được bảo tồn…”. Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Đến năm 2005, trước yêu cầu của tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản văn hóa Việt Nam”. Mục đích là nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Với ý nghĩa của ngày 23/11 – Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng và Bảo tàng Đà Nẵng có các hoạt động:

– Kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam và gặp mặt các nghệ sĩ, nghệ nhân được trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước năm 2019

Chương trình được tổ chức vào lúc 14h30 (ngày 21/11/2019 ) tại nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, khen thưởng cho 19 cá nhân, tập thể có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại thành phố Đà Nẵng.

– Chương trình Nghệ nhân trao truyền: “Mặn nòi vị biển Nam Ô”.

Nghề làm nước mắm Nam Ô ở Đà Nẵng là một trong số ít làng nghề nước mắm truyền thống còn tồn tại trên cả nước vừa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chương trình tổ chức nhằm tôn vinh, bảo tồn và quảng bá về một nghề truyền thống ở vùng biển Nam Ô (Đà Nẵng) – Nghề làm nước mắm. Đồng thời, chương trình cũng nhằm gửi gắm ước mơ, trao truyền tri thức của người nghệ nhân và để công chúng – nhất là thế hệ trẻ được dịp tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm thực tế những giá trị văn hóa đặc sắc của nghề làm nước mắm Nam Ô.

Chương trình được diễn ra từ 8h00 đến 11h00, ngày 22 tháng 11 năm 2019 (Thứ sáu) tại Bảo tàng Đà Nẵng – 24 Trần Phú, Tp Đà Nẵng, với sự tham gia của Nghệ nhân làng nghề nước mắm Nam Ô: ông Trần  Ngọc Vinh – Chủ tịch Hội làng nghề nước mắm Nam Ô, người đã gần 40 năm làm nghề chế biến nước mắm và là thế hệ thứ 4 trong gia đình gắn bó với công việc này.

Phan Ngọc Mỹ

Tin liên quan