Các bảo tàng địa phương không chỉ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống bảo tàng Việt Nam mà còn chiếm một vị trí không thể thay thế trong đời sống văn hóa, xã hội của chính cộng đồng địa phương nơi bảo tàng đứng chân. Đây chính là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của cả cộng đồng, là nơi lịch sử, văn hóa được tái hiện một cách sinh động và chân thực. Và các bảo tàng địa phương đồng thời cũng chính là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, giữa các thế hệ đi trước và các thế hệ đi sau. Nếu như trước đây, các bảo tàng địa phương chú trọng nhiều đến các hoạt động sưu tầm, bảo quản và trưng bày, thì trong xu thế hiện nay, khi nhu cầu của công chúng đối với bảo tàng ngày càng đa dạng, các bảo tàng phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của mình, nhất là các hoạt động gắn kết với công chúng để trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Với vai trò là một bảo tàng địa phương, nơi lưu giữ, trưng bày và giới thiệu các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng, Bảo tàng Đà Nẵng luôn hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động của mình. Bên cạnh các hoạt động như nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày, công tác truyền thông – quảng bá đã được Bảo tàng đặc biệt chú trọng. Trong thời gian gần đây, một hoạt động truyền thông hướng tới công chúng đã và đang mang lại hiệu quả tích cực – đó là chương trình “Giới thiệu Bảo tàng Đà Nẵng tại khu dân cư”.
Chương trình “Giới thiệu Bảo tàng Đà Nẵng tại khu dân cư” được bắt đầu thực hiện từ năm 2017 tại 02 khu dân cư của phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Trong chương trình này, cán bộ Bảo tàng liên hệ chính quyền địa phương và tham gia các buổi sinh hoạt của khu dân cư để giới thiệu về Bảo tàng. Tại đây, những thông tin quan trọng về nội dung trưng bày, các hoạt động mới nhất liên quan đến Bảo tàng và di sản văn hóa của thành phố được các cán bộ Bảo tàng chia sẻ trực tiếp đến người dân một cách sinh động và chi tiết. Năm 2018, Bảo tàng Đà Nẵng tiếp tục thực hiện công tác giới thiệu Bảo tàng tại 03 khu dân cư của phường Phước Ninh và phường Hòa Cường Nam với mong muốn ngày càng nhiều người dân địa phương biết đến điểm tham quan Bảo tàng Đà Nẵng, từ đó tăng cường mối liên hệ, gắn kết giữa Bảo tàng với cộng đồng.
Khu dân cư phường Hải Châu I, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng năm 2017
Khu dân cư phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng năm 2018
Phát huy kết quả đạt được trong hai năm trước, tháng 7 và tháng 8/2019, Bảo tàng Đà Nẵng tiếp tục đến với 03 khu dân cư tại các địa phương: phường Hòa Thuận Đông, phường An Hải Tây và phường Chính Gián. Trong các cuộc gặp gỡ này, bên cạnh việc chia sẻ thông tin với bà con nhân dân các khu phố, Bảo tàng Đà Nẵng còn có dịp trao đổi với đội ngũ cán bộ phụ trách công tác Đảng, đoàn thể của địa phương như Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận khu dân phố và Tổ trưởng tổ dân phố…
Qua những đợt tiếp xúc đó, Bảo tàng Đà Nẵng nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ phía công chúng. Ông Dương Đình Minh – Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phường An Hải Tây cho rằng đây là một hoạt động rất có ý nghĩa cần được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho người dân.
Khu dân cư phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng năm 2019
Khu dân cư An Thuận, An Vĩnh, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng năm 2019
Khu dân cư phường Chính gián, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng năm 2019
Qua 03 năm thực hiện, chương trình này đã mang lại những hiệu quả tích cực trong việc gắn kết Bảo tàng với cộng đồng địa phương. Từ những khảo sát và thống kê của Bảo tàng cho thấy người dân địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến hoạt động của Bảo tàng, nhất là các hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục. Bên cạnh đó, vào dịp cuối tuần, số lượng khách tham quan là các gia đình người Quảng Nam, Đà Nẵng đến với Bảo tàng ngày càng tăng. Đây là những tín hiệu đáng mừng, là động lực để Bảo tàng Đà Nẵng tiếp tục xây dựng và thực hiện các hoạt động dành cho công chúng địa phương, bởi theo phương châm mà công tác truyền thông, quảng bá của Bảo tàng hướng đến là phấn đấu mỗi người dân Đà Nẵng trở thành một cầu nối đưa Bảo tàng đến với du khách, với cộng đồng. Đây cũng chính là một nhân tố quan trọng cho chiến lược phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển bền vững của Bảo tàng Đà Nẵng nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung./.
Phan Thị Khánh Vy
(Phòng Giáo dục – Truyền thông)