GỐM NAM BỘ QUA MỘT SỐ HIỆN VẬT TRƯNG BÀY TẠI BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG

Gốm Nam Bộ được hình thành và phát triển từ những năm đầu thế kỷ XX, gồm: Gốm Cây Mai (Sài Gòn, Gia Định), gốm Biên Hòa (Đồng Nai), gốm Lái Thiêu (Bình Dương). Gốm Nam Bộ đẹp giản dị, đậm chất dân gian, là tâm tư nguyện vọng, là trí tuệ, công sức của cha ông ta trong lao động, trong sáng tạo nghệ thuật…

Với mong muốn du khách khi đến với Bảo tàng không những được chiêm ngưỡng, thưởng lãm những hiện vật gốc đặc sắc mang dấu ấn vùng miền mà còn  hướng tới việc cộng đồng cùng tham gia giữ gìn bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, Bảo tàng Đà Nẵng hiện làm mới không gian trưng bày “Các bộ sưu tập cổ vật” qua việc giới thiệu một phần bộ sưu tập gốm Nam Bộ để đưa những giá trị lịch sử, mỹ thuật vô giá của hiện vật, nhất là giá trị phi vật thể hàm chứa trong mỗi hiện vật đến với công chúng. Các hiện vật gốm được trưng bày đều có dấu ấn của thời gian và đặc biệt là luôn được tham gia vào các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người dân Nam bộ.

Sự đa dạng và vẻ đẹp của sưu tập gốm Nam Bộ tại Bảo tàng Đà Nẵng được thể hiện qua những vật dụng sinh hoạt hàng ngày như: dĩa, thố, bình hoa, hay đồ trang trí sân vườn… Nếu như các hiện vật gốm Biên Hòa thiên về trang trí hoa văn dày đặc hoặc theo các tích của người Trung Hoa thì gốm Lái Thiêu lại được giới thiệu qua vẻ đẹp bình dị, thanh thoát từ màu men tới nét vẽ.

Gốm Nam Bộ luôn làm cho ta ngỡ ngàng, thích thú bởi sự đa dạng về loại hình, công dụng, kiểu dáng, màu men và phong phú về đề tài thể hiện… Gốm sứ Nam Bộ có sự giao lưu, tiếp nhận rất nhanh về kỹ thuật sản xuất, mẫu mã mới, đó là những tinh hoa kỹ thuật của người Hoa, kết hợp với người Việt và học hỏi thêm kỹ thuật của phương Tây. Nguyên liệu để làm gốm chủ yếu là đất sét, đất pha cát nhiều (đất nhẹ lửa) lại được nung ở nhiệt độ thấp, do đó các sản phẩm gốm Nam Bộ làm ra thường dày, nặng, chắc chắn. Thêm vào đó là kỹ thuật tráng men trơn rất đặc biệt của các nghệ nhân Nam bộ cùng với các họa tiết tỉ mẩn, sắc sảo cũng phần nào thể hiện được tính cách của người Nam bộ luôn cởi mở, nhiệt tình, sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ.

Hy vọng không gian trưng bày sẽ mang lại sự cảm nhận sâu sắc và ý nghĩa đối với khách tham quan, đồng thời góp phần tôn vinh bàn tay tài hoa, nghề thủ công truyền thống, những giá trị, tinh hoa văn hoá dân tộc, nét độc đáo, đặc trưng văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới.

 

                                                                                       Trương Thế Liên
                                                                                         (Phòng STTBBQ)

Tin liên quan