HỘI THẢO KHOA HỌC BÁO CÁO KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI “HỆ THỐNG THUYẾT MINH ĐA NGỮ QUA THIẾT BỊ DI ĐỘNG TẠI BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG”

 

Ngày nay, với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, việc triển khai và ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của Bảo tàng càng được quan tâm đến nhiều hơn. Một trong số đó chính là sử dụng ứng dụng công nghệ thuyết minh tự động để giúp du khách tiếp cận sâu hơn và chủ động hơn trong việc tiếp cận và lựa chọn thông tin khi tham quan tại bảo tàng.
Hệ thống thuyết minh tự động thông qua quét mã QR Code không còn xa lạ với nhiều bảo tàng trên thế giới, tuy nhiên tại Việt Nam có rất ít bảo tàng đưa hệ thống này vào hoạt động. Nắm bắt xu thế cũng như để phục vụ công tác bảo tàng được tốt hơn và đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, Ban Chủ nhiệm đề tài đến từ Đại học Đà Nẵng phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng đã thực hiện Đề tài khoa học và công nghệ cấp thành phố “Nghiên cứu xây dựng hệ thống thuyết minh đa ngữ qua thiết bị di động tại Bảo tàng Đà Nẵng”. Đề tài được thực hiện từ tháng 10 năm 2016 đến tháng 9 năm 2018 với mục tiêu là ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ hoạt động thuyết minh các nội dung, tư liệu, hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng. Sau khi “Hệ thống thuyết minh đa ngữ qua thiết bị di động tại Bảo tàng Đà Nẵng” hoàn thành sẽ giúp cho du khách có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin về nội dung trưng bày của Bảo tàng thông qua việc sử dụng thiết bị điện thoại di động thông minh để quét mã QR Code được gắn cho hiện vật. Để thực hiện điều này, du khách có nhu cầu tìm hiểu chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh kết nối wifi (miễn phí tại Bảo tàng), tải ứng dụng này trên App Store, Google Play hoặc Windown Phone về máy và tiến hành quét mã QR Code thì có thể nghe giới thiệu về nội dung của 600 tư liệu, hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng qua 03 ngôn ngữ Việt – Anh – Pháp.


Với việc áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin này, hy vọng rằng Bảo tàng Đà Nẵng sẽ ngày càng đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu tham quan của công chúng khi đến Bảo tàng. Việc sử dụng hệ thống thuyết minh tự động vào bảo tàng sẽ mang lại rất nhiều tiện ích cho du khách. Bởi lẽ, thông tin trên bảng chú thích hiện vật chỉ là những thông tin cơ bản, ngắn gọn, đối với một người muốn nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn thì chắc chắc thông tin đó là chưa đủ. Mặt khác, đội ngũ thuyết minh viên Bảo tàng Đà Nẵng còn mỏng nên không thể đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu của công chúng. Hơn nữa khi sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, khách tham quan sẽ chủ động hơn, có quyền lựa chọn thông tin mà mình muốn tiếp cận.
Đến nay, qua gần 02 năm thực hiện, đề tài này cũng đã đến giai đoạn hoàn thiện và đưa vào thử nghiệm. Chiều ngày 13/7/2018, cơ quan chủ trì và Ban Chủ nhiệm đề tài đã tổ chức buổi Hội thảo khoa học tại Bảo tàng Đà Nẵng để báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài và nhận những góp ý từ phía các chuyên gia để hệ thống này được hoàn thiện hơn. Kết thúc buổi Hội thảo, các chuyên gia và thành viên dự họp đã đóng góp thêm nhiều ý kiến sát thực để Ban chủ nhiệm đề tài bổ sung, hoàn chỉnh hơn cho ứng dụng cũng như nhận được nhiều đề xuất, ý tưởng cho việc nhân rộng kết quả của đề tài ra nhiều lĩnh vực khác.

Trần Văn Chuẩn

Tin liên quan