14 đơn vị dự thi phương án cải tạo khu 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng

Ngày 2/4, Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng (Sở Xây dựng Đà Nẵng) cho hay, đến thời hạn chốt danh sách đã có 14 đơn vị trong và ngoài nước đăng ký tham dự cuộc thi phương án cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng.

Trong số 14 đơn vị đăng ký tham gia cuộc thi có 02 đơn vị nước ngoài là Studio HTX (Paris, Pháp) và Studiomilou Singapore (Singapore). 12 đơn vị còn lại đều thuộc trong nước; trong đó có 03 đơn vị trên địa bàn TP Đà Nẵng, 04 đơn vị trên địa bàn TP.HCM, 04 đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội và 01 đơn vị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bảo tàng Đà Nẵng hiện xâm phạm khu vực bảo vệ 1 của Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải sẽ được di dời về khu 42 Bạch Đằng (Ảnh: HC)

Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng, đơn vị tư vấn tổ chức cuộc thi cho hay, lịch trình đã được ấn định theo quyết định của UBND TP Đà Nẵng ban hành quy chế, nhiệm vụ thiết kế và kế hoạch thi tuyển phương án kiến trúc công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng thì từ nay đến ngày 5/5, các đơn vị dự thi thực hiện bài thi.

Ban tổ chức sẽ tiếp nhận bài dự thi hạn chót vào ngày 6/5. Từ ngày 8/5 đến 13/5 sẽ tiến hành trưng bày sản phẩm dự thi. Từ ngày 13/5 đến ngày 17/5, các đơn vị dự thi bảo vệ phương án và Hội đồng thi tuyển tiến hành chấm chọn. Từ ngày 20/5 đến ngày 31/5 sẽ tổ chức công bố, trao giải.

Cơ cấu giải thưởng gồm 01 giải Nhất (350 triệu đồng); 01 giải Nhì (150 triệu đồng); 01 giải Ba (50 triệu đồng). Ban tổ chức hỗ trợ 05 đội lọt vào Top 5 của cuộc thi 50 triệu đồng. Đơn vị có phương án xếp hạng cao sẽ được ưu tiên lựa chọn thương thảo, ký kết hợp đồng để triển khai các bước tiếp theo. Nếu đơn vị không đủ điều kiện năng lực thì có thể liên danh với các tổ chức tư vấn đủ điều kiện năng lực để thực hiện.

Trước đó, như Infonet đã đưa tin, ngày 25/02/2019, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định tổ chức thi tuyển rộng rãi trong và ngoài nước để tuyển chọn phương án kiến trúc công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng thành Bảo tàng TP. Công trình do Sở Văn hóa – Thể thao làm chủ đầu tư; BQL Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị là đơn vị điều hành dự án; Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng là đơn vị tổ chức thi tuyển.

 Phương án được phê duyệt là nghiên cứu cải tạo, sử dụng cơ sở vật chất tại các khu đất 42 – 44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú (gọi chung là khu 42 Bạch Đằng) với tổng diện tích 8.686 m2  (phía Bắc giáp đường Quang Trung, phía Nam giáp Thư viện tổng hợp, phía Tây giáp đường Trần Phú và phía Đông giáp đường Bạch Đằng) để di dời Bảo tàng Lịch sử TP Đà Nẵng đến khu vực này.

Định hướng nâng cấp khu 42 Bạch Đằng thành bảo tàng có quy mô lớn, vừa mang giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc, vừa mang tính hiện đại tương xứng với tầm vóc của một đô thị lớn, trung tâm kinh tế của miền Trung, cửa ngõ giao thương quan trọng của đất nước; tháo dỡ toàn bộ tường rào tại khu vực và đề xuất các không gian trưng bày ngoài trời kết nối với quảng trường xung quanh Thành Điện Hải, Thư viện Tổng hợp và cảnh quan bờ Tây sông Hàn, trong đó lưu ý có giải pháp đậu đỗ xe và dừng đón trả cho khách tham quan, cho cán bộ nhân viên bảo tàng.

UBND TP Đà Nẵng giao Sở Văn hóa – Thể thao phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan triển khai tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng thành Bảo tàng TP Đà Nẵng theo đúng quy định. Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng thống nhất cải tạo lại Trung tâm Hành chính TP để bố trí HĐND, Đoàn ĐBQH vào tòa nhà này; đồng thời giao BQL dự án hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư trong năm 2019.

Được biết, các khu đất 42 – 44 Bạch Đằng là trụ sở HĐND, UBND TP Đà Nẵng trước đây, hiện đang là trụ sở HĐND và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng; còn cơ sở 31 Trần Phú hiện là Vườn ươm khởi nghiệp Đà Nẵng. Trong khi đó, Bảo tàng TP Đà Nẵng hiện nay lại nằm ngay trong khuôn viên Thành Điện Hải, xâm phạm khu vực bảo vệ cấp 1 của Di tích quốc gia đặc biệt này.

Theo phòng Khoa giáo Văn xã (Sở KH-ĐT Đà Nẵng), hiện Bảo tàng Đà Nẵng đang trưng bày, lưu giữ và bảo quản trên 27.000 tài liệu hiện vật thuộc các bộ sưu tập: Thiên nhiên, lịch sử và văn hóa Đà Nẵng từ thời tiền sử đến đương đại; Văn hóa khảo cổ học thời tiền – sơ sử; Đồ gốm, đồ chạm khắc gỗ Việt Nam qua các thời đại;

Các bộ sưu tập về Lịch sử đấu tranh cách mạng; Văn hóa các dân tộc ở Đà Nẵng và các tỉnh lân cận; Văn hóa phi vật thể Đà Nẵng (làng nghề truyền thống; lễ hội dân gian; nghệ thuật tuồng; nghệ thuật hô hát bài chòi …); Sưu tập hiện vật văn hóa Biển Đà Nẵng; Chứng tích tội ác chiến tranh của Mỹ ở Đà Nẵng và các vùng phụ cận…

HẢI CHÂU

Tin liên quan