Người chiến sỹ hy sinh trong ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng

Cách đây 48 năm, vào trưa ngày 29-3-1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa Thị chính Đà Nẵng trong gió lộng sông Hàn, đánh dấu sự kiện thành phố Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng. Để có được niềm vui ấy, nhiều anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Văn Dự.

Nửa đêm ngày 28/3/1975, Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 có chỉ thị lực lượng vũ trang thành phố triển khai vượt sông Cẩm Lệ, bí mật ém sẵn lực lượng để sáng ngày 29/3/1975 tiến hành công kích, nổi dậy, đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố.

Hình ảnh quân giải phóng tiến vào Đà Nẵng

Lúc 8h30 ngày 29/3/1975, Đại đội biệt động cánh đông, quận nhất có chiến sĩ Nguyễn Văn Dự được lệnh chốt giữ Ngã tư Quân đoàn (nay là Ngã tư Núi Thành – Duy Tân) và đầu cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Trần Thị Lý), với nhiệm vụ đánh chặn địch không cho rút chạy sang phía đông (qua cầu Trịnh Minh Thế). Đúng theo dự đoán của ta, trong thế thất bại và hỗn loạn, một cánh quân thuộc lực lượng thủy quân lục chiến của Ngụy tháo chạy về phía cầu, tìm mọi cách thoát sang bãi biển Mỹ Khê, chờ tàu đến cứu viện. Tại đầu cầu Trịnh Minh Thế, quân Ngụy bị ta nổ súng đánh chặn quyết liệt, một số tên bị tiêu diệt, số còn lại khiếp đảm bỏ vũ khí, quân trang lẫn trốn trong dân. Đại đội biệt động của chiến sĩ Nguyễn Văn Dự quyết tâm đánh giữ ngã tư đầu cầu, làm tan rã cánh quân thủy quân lục chiến Ngụy, đồng thời tạo điều kiện cho các lực lượng khác của ta đánh chiếm các mục tiêu Quân đoàn I, Tòa thị chính, Quân trấn, Đài phát thanh, nhà đèn, Ty Gia Long…

Trong trận đánh này, đồng chí Nguyễn Văn Dự đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để thành phố Đà Nẵng được giải phóng. Đồng chí được ghi nhận là chiến sĩ cuối cùng hy sinh trước giờ Đà Nẵng giải phóng.

Địa điểm nơi liệt sĩ Nguyễn Văn Dự hy sinh đã được dựng bia tưởng niệm

Địa điểm nơi liệt sĩ Nguyễn Văn Dự hy sinh (hiện nay là bờ Tây sông Hàn, khu vực đầu cầu Trần Thị Lý và Nguyễn Văn Trỗi) đã được dựng bia và đưa vào Danh mục kiểm kê di tích theo Quyết định số 8108/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2016 của UBND thành phố Đà Nẵng.

Theo sự phát triển đô thị của thành phố Đà Nẵng, diện mạo khu vực xung quanh đầu cầu Trần Thị Lý và Nguyễn Văn Trỗi đã có nhiều thay đổi tuy nhiên, địa điểm này vẫn mãi là một trong những nơi ghi dấu sự kiện giải phóng thành phố và trở thành một chứng tích lịch sử cho bao thăng trầm, đổi thay của quê hương.

Lê Văn Phúc – Phòng Quản lý di sản

Tin liên quan