HỘI THẢO TRỰC TUYẾN “CÔNG NGHỆ SỐ KẾT NỐI BẢO TÀNG VỚI CÔNG CHÚNG”

Ngày 27 tháng 10 năm 2021, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt nam đã phối hợp với Phòng thí nghiệm Tương tác Người máy – Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; DPECH – Nhóm hoạt động về bảo tồn và giáo dục di sản trên nền tảng số; Học viện Quốc tế Tài trợ Châu Âu (EGInA) và CRHACK LAB FOLIGNO 4D, Italy; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam; Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên; Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh; Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh và Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Công nghệ số kết nối Bảo tàng với công chúng”.

Hội thảo trực tuyến “Công nghệ số kết nối Bảo tàng với công chúng”

Hội thảo nhằm cập nhật thông tin, chia sẻ những hiệu quả thực tiễn mà công nghệ số mang lại đối với hoạt động bảo tồn và giáo dục di sản văn hóa tại các bảo tàng ở Việt Nam. Đồng thời là nơi để các bảo tàng, nhà nghiên cứu, các học giả… trong nước chia sẻ và trao đổi ý tưởng, kinh nghiệm thực tiễn việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực bảo tồn và di sản văn hóa.

Bảo tàng Đà Nẵng tham gia hội thảo trực tuyến

Hội thảo được tổ chức với 2 ngôn ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh gồm 2 phiên, phiên 1 “Khai thác, ứng dụng công nghệ số trong Bảo tàng” và phiên 2 “Hiệu quả ứng dụng công nghệ số trong Bảo tàng” với sự tham gia trình bày của 9 diễn giả đến từ các bảo tàng trong nước, các công ty công nghệ và 2 đại diện quốc tế gồm: ông Paolo Russo – Chủ tịch CRHACK Lab Foligno 4D, Italy, Thành viên sáng lập DPECH và bà Ms. Mariana Marcucci – Đồng sáng lập Dự án Digital Invasions, cùng với sự tham gia của gần 300 người trên phần mềm trực tuyến Zoom.

Tham gia Hội thảo, Bảo tàng Đà Nẵng đã có bài tham luận “Bước đầu kết nối với công chúng thông qua việc xây dựng video và triển lãm online tại Bảo tàng Đà Nẵng” do ông Trần Văn Chuẩn – Trưởng phòng Giáo dục và Truyền thông trình bày.

Ông Trần Văn Chuẩn – Trưởng phòng Giáo dục và Truyền thông, Bảo tàng Đà Nẵng trình bày tham luận tại Hội thảo

Bài tham luận đề cập đến quá trình Bảo tàng Đà Nẵng đa dạng hóa cách tiếp cận đối với công chúng, xây dựng các hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh Bảo tàng cũng như giá trị di sản văn hóa của thành phố Đà Nẵng thông qua hình thức trực tuyến. Trong đó nhấn mạnh đến hai hoạt động đang được triển khai trong thời gian gần đây là xây dựng các video clip và triển lãm trực tuyến.

Video clip tái hiện các câu chuyện lịch sử một cách sinh động, gần gũi thông qua các sưu tập hiện vật cũng như hệ thống trưng bày hiện tại của Bảo tàng. Việc thực hiện các video còn mở rộng ra giới thiệu các di sản văn hóa trên địa bàn thành phố nên đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm, đánh giá cao của công chúng và các cơ quan thông tấn, báo chí. Các video sau khi hoàn thành được đăng trên website và các trang mạng xã hội của Bảo tàng Đà Nẵng như Facebook, Youtube, Zalo, Instagram. Đến nay, Bảo tàng Đà Nẵng đã ra mắt 11 video, trong đó có nhiều video có lượt xem nổi bật như: “Lễ hội Quán Thế Âm”, “Đà Nẵng – 45 năm ngày giải phóng”, “Chiến tranh và hòa bình”,… Bên cạnh đó, Bảo tàng Đà Nẵng còn thực hiện các video tuyên truyền, cổ động công tác phòng, chống dịch Covid-19 kết hợp truyền thông, quảng bá hình ảnh Bảo tàng Đà Nẵng như: “Ghen cô vy”, “Tiếp lửa nơi tuyến đầu”, “Chúng tôi đã trở lại – Welcome back to Da Nang Museum”.

Bên cạnh việc xây dựng video, để thích nghi và phát triển trong tình hình mới, năm 2021 Bảo tàng Đà Nẵng đã bước đầu triển khai xây dựng “Triển lãm trực tuyến” trên nền tảng website của Bảo tàng. Tuy chỉ mới là sự tiếp cận ban đầu, triển lãm vẫn đáp ứng được một số tính năng và chất lượng hình ảnh để mang đến sự trải nghiệm tốt nhất cho công chúng khi tham quan trực tuyến và nhận được nhiều phản hồi tích cực của người xem. Trong thời gian đến, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển hình thức “Triển lãm trực tuyến” trên không gian mạng, song song với hình thức triển lãm truyền thống để đa dạng hơn trong cách tiếp cận, mang Bảo tàng đến gần hơn với công chúng.

Ngoài bài tham luận, Bảo tàng Đà Nẵng đã giới thiệu đến Hội thảo video “Chiến tranh và Hòa Bình” và nhận được sự phản hồi tích cực từ các bảo tàng trong nước cũng như các học giả quốc tế.

Video “Chiến tranh và Hòa Bình” được giới thiệu tại Hội thảo

Hy vọng từ những bước đi khởi đầu như trên, Bảo tàng Đà Nẵng cùng với các bảo tàng trên cả nước sẽ nhanh chóng chuyển mình, đổi mới trong cách tiếp cận công chúng để mang đến cho khách tham quan những trải nghiệm mới mẻ, những cảm xúc sâu sắc cùng những ấn tượng khó phai, tạo nên sức hút cho hệ thống bảo tàng và đưa hệ thống bảo tàng trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa và lịch sử truyền thống tốt đẹp của đất nước Việt Nam đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Trần Khánh Ly

(Phòng Giáo dục và Truyền thông)

Tin liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | HD Tải và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 HD Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng và An Toàn [Bật mí]: làm website tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin nhất?