Thứ Bảy, 20/06/2020, 13:39 [GMT+7]
30 điểm đình làng, hơn 300 sắc phong được số hóa, là khởi đầu cho công tác lưu giữ, bảo tồn di tích bằng ứng dụng công nghệ, tiến đến hiển thị di sản văn hóa trong không gian ảo.
Đoàn công tác sao chụp sắc phong trao đổi với các vị cao niên tại nhà thờ Đặng Văn tộc (Túy Loan). Ảnh: NGỌC HÀ |
Bất chấp cái nắng như đổ lửa những ngày tháng 6, đoàn công tác gồm các cán bộ Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng và Bảo tàng Đà Nẵng đã đi qua 30 điểm đình làng trên địa bàn thành phố để tiến hành sao chụp tư liệu sắc phong.
Tại mỗi điểm đình làng, trước khi tiến hành số hóa tư liệu, các bô lão trong làng mặc phục lễ, thành kính thắp hương làm lễ khai sắc.
Lưu giữ những tư liệu quý
Có mặt tại đình làng Hòa Mỹ (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) từ khá sớm, Phó trưởng Ban quản lý đình làng Hòa Mỹ Phạm Văn Chánh không giấu được sự chộn rộn trong lòng. Ngay từ khi các cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng tiến hành đi “tiền trạm”, điền dã khảo sát và đặt vấn đề với ban quản lý về công tác số hóa tư liệu sắc phong, mọi người đã trông đợi đến cái ngày được chứng kiến việc bảo tồn sắc phong theo “cách mới” và đây cũng là dịp hiếm hoi để ông và những bô lão trong làng được tiếp xúc trực tiếp với các sắc phong quý giá.
Công tác số hóa được tiến hành bằng cách chụp tư liệu gốc bằng máy ảnh, thước đo… (Ảnh chụp tại đình làng Hòa Khương, huyện Hòa Vang). |
Bởi theo ông Phạm Văn Chánh, thường thì các sắc phong của đình làng được giữ gìn trong hộp từ đời này sang đời khác, khi có việc cần thì phải làm lễ mới được thỉnh xuống, lập biên bản ghi rõ ngày, giờ thỉnh; rồi sau đó cẩn trọng cất đi chứ không thể để mất. “Chúng tôi cũng chỉ biết đây là những tài liệu quý và gìn giữ bằng cách cất thật kỹ. Sau khi được các chuyên gia trong đoàn công tác dịch giải, chúng tôi hiểu thêm được ý nghĩa của những sắc phong mà các triều vua đã ban cho làng, càng lấy làm tự hào về giá trị lịch sử của làng.
Được biết, những tài liệu này sẽ được lưu giữ bằng phương pháp khoa học, chúng tôi vui mừng lắm, đó là cách cứu nguy những tư liệu quý được gìn giữ bao đời nay và giúp con cháu đời sau hiểu được gốc gác của làng”, ông Phạm Văn Chánh chia sẻ.
Đó cũng là tâm trạng của cụ Phan Văn Xuân, Trưởng Ban hội đồng chư phái tộc đình làng Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). Nhìn các chuyên gia sử dụng các thiết bị máy scan, bàn thước chụp, bàn ủi tài liệu…, ông có niềm tin, những tài liệu quý của cha ông truyền lại, được người dân làng lưu giữ cẩn thận nhiều năm qua đã tìm được cách bảo quản phù hợp. Cụ Phan Văn Xuân xúc động nói: “Chúng tôi lưu giữ sắc phong rất cẩn thận, nhưng mỗi ngày lại thấp thỏm lo vì sợ thời gian lâu dài sẽ bị hư hỏng. Bây giờ được sao chụp lại và được hướng dẫn biện pháp bảo quản sắc phong được tốt hơn thì chúng tôi vui mừng lắm”.
Ông Nguyễn Giang Quân, Phụ trách Phòng Số hóa Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, chương trình bảo tồn tài liệu cổ, đặc biệt là tài liệu Hán – Nôm của đơn vị bắt đầu từ năm 2009 tại tỉnh Thừa Thiên Huế, thông qua việc phối hợp với Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế. Sau đó tiếp tục triển khai ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Hưng Yên. Lần này, đơn vị tiếp tục chọn phối hợp, triển khai ở Đà Nẵng bởi đây cũng là vùng có nhiều danh lam, di tích thắng cảnh; có lịch sử lâu đời; vốn tài liệu Hán – Nôm còn lưu giữ khá nhiều; trên cơ sở tài liệu sưu tầm tại Đà Nẵng sẽ giúp cho đơn vị có sự tập hợp, so sánh, lấp đầy (hoàn thiện) hơn về tài liệu Hán – Nôm khu vực miền Trung và các vùng lân cận.
Cũng theo ông Quân, qua một tuần thực địa, đoàn công tác phát hiện nhiều tài liệu cổ đang nằm rải rác trong các đình làng, nhà thờ họ, thậm chí tại nhà dân ở các địa phương. Những tài liệu này rất phong phú về thể loại như: sắc phong thần, sắc chỉ, bằng cấp, lệnh chỉ, gia phả, văn chúc thọ, mộc bản, câu đối… Đây là nguồn di sản Hán – Nôm quý giá gắn với câu chuyện lịch sử hình thành và phát triển làng xã Đà Nẵng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Trong đó, có những sắc phong giá trị như: sắc Huỳnh Văn Tịnh – Gia Long thứ 2 (1803) tại làng Minh Châu, nay là Quan Châu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang; sắc Thiên Y A Na – Minh Mệnh thứ 7 (1826) tại làng Nam An, nay là Nam Thọ, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà; sắc Thự Thành thủ úy Thành Điện Hải – Minh Mệnh thứ 7 (1826)…
“Tại Đà Nẵng, người dân bảo quản các sắc phong khá kỹ càng, được các vị cao niên trong làng thờ cúng thiêng liêng và cất giữ ở trên cao. Tuy nhiên, việc bảo quản chưa đúng cách, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt của miền Trung nên tài liệu không còn nguyên vẹn, bị vỡ nát, hư hỏng khá nhiều. Đồng thời, các vị cao niên chỉ biết một ít về ngôn ngữ Hán – Nôm nên không đánh giá hết giá trị của những tài liệu này, người rành rõi về nghiên cứu Hán – Nôm cũng ngày một hiếm dần… Nếu không có những chuyến khảo sát như thế này thì không thể đánh giá được hiện trạng cũng như không thể hỗ trợ địa phương trong việc giữ gìn, bảo quản tư liệu quý”, ông Nguyễn Giang Quân nói.
Giải pháp mới để bảo tồn di sản
Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng Phạm Hồng Thái cho rằng, khi Đà Nẵng chưa có điều kiện về chuyên môn, kỹ thuật để tiến hành số hóa tư liệu quý, thì việc phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh để sưu tầm số hóa các tài liệu Hán – Nôm là việc làm rất thiết thực. Nhiều năm qua, các thư viện lớn ở các tỉnh, thành miền Trung đã thực hiện “liệu pháp” này bảo tồn tài liệu. Theo đánh giá sơ bộ, từ ngày 2-6 đến hết ngày 8-6, đoàn công tác đã đi qua 29 điểm đình làng và 4 họ tộc tại 7 quận, huyện; số hóa hơn 300 sắc phong. Đáng chú ý, có 7 sắc phong bị rách, mất chữ, 60 sắc bị hư hỏng nhiều như sắc phong tại đình làng Phú Hạ, thôn Phú Hạ (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) có 4 hộp đựng sắc phong, khi khui ra số lượng sắc phong đã bị hư hại, vỡ nát khá nhiều, chỉ đọc được 2 sắc; 22 sắc đình làng Lỗ Giáng (quận Cẩm Lệ) bị rách nát…
“Đoàn công tác chụp lại tất cả tài liệu và trả lại bản gốc cho đình làng; xử lý file số hóa; phiên âm, dịch nghĩa (tóm tắt); đồng thời, hướng dẫn người dân sử dụng giấy dó để bọc sắc phong, không ép nhựa; đặt ở môi trường có nhiệt độ cao; định kỳ kiểm tra các sắc phong vào ngày giỗ kỵ của họ, tộc… Sau này, các bên sẽ tiếp tục tổ chức phục chế (in lại) một số sắc tiêu biểu; tổ chức triển lãm hoặc hội thảo; in ấn, xuất bản tài liệu liên quan tài liệu sưu tầm được… Như vậy, tư liệu được chia sẻ không chỉ trong thư viện, bảo tàng mà còn trong dân; tương lai là những nhà nghiên cứu, khảo cổ, học sinh, sinh sinh viên muốn tìm hiểu”, ông Phạm Hồng Thái chia sẻ thêm.
Hình ảnh sắc phong bị hư hỏng nặng tại đình làng Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). Ảnh: NGỌC HÀ |
Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành “Định hướng và danh mục sản phẩm chủ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2017-2020” xác định 4 nhóm sản phẩm ưu tiên triển khai. Trong đó, lĩnh vực di sản văn hóa ưu tiên ứng dụng khoa học, công nghệ để xây dựng quy trình xử lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; xây dựng hệ thống trưng bày, thuyết minh tương tác trong bảo tàng; ứng dụng công nghệ vào quy trình xử lý, bảo quản hiện vật trong bảo tàng và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành di sản văn hóa.
Trên cơ sở này, nhiều địa phương, bảo tàng cũng đã sớm triển khai ứng dụng công nghệ vào công tác di sản như: Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiến hành số hóa và xây dựng bảo tàng ảo 3D với một số hiện vật để công chúng có được trải nghiệm, tương tác với hiện vật; Bảo tàng Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) đã nghiên cứu và thực hiện thành công việc số hóa các sắc phong được vua ban qua các thời kỳ; Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã hoàn thành việc số hóa hơn 1.000 hiện vật cổ; Lăng Tự Đức trong Quần thể Di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) đã trở thành di sản đầu tiên của Việt Nam được đưa vào bộ sưu tập của Google Arts and Culture giới thiệu trên toàn thế giới…
Trước xu thế trên, thời gian qua, Bảo tàng Đà Nẵng cũng đã ứng dụng khoa học, công nghệ trong trưng bày, thuyết minh… Năm 2020, chương trình bảo vệ tài liệu cổ, đặc biệt là về tài liệu sắc phong do Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh khởi xướng, phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng thực hiện tại Đà Nẵng cũng không nằm ngoài xu thế bảo tồn di sản thông qua ứng dụng công nghệ.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, hiện nay hầu hết các nhà thờ, di tích lưu giữ nhiều sắc phong trải qua các giai đoạn lịch sử như thời Gia Long, thời Minh Mạng, thời Tự Đức, thời Bảo Đại… Thời gian cộng thêm công tác bảo quản chưa có tính chuyên nghiệp nên một phần hệ thống sắc phong đã bị hư hỏng. Do đó, việc phối hợp lần này rất có ý nghĩa trong việc bảo tồn, gìn giữ các sắc phong trên địa bàn thành phố.
Sau sắc phong, đến năm 2021, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ phối hợp với các đơn vị triển khai số hóa, sao chụp, phục chế toàn bộ địa bạ, hương ước trên toàn thành phố Đà Nẵng, trực tiếp là trên 56 xã, phường, nơi các làng, thôn còn lưu giữ được những địa bạ hương ước.
“Đối với công tác bảo tồn di sản, chúng tôi sẽ ưu tiên ứng dụng khoa học, công nghệ để xây dựng quy trình xử lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; trong đó, số hóa không gian di tích được chú trọng để giới thiệu rộng rãi đến công chúng thời gian tới”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện nói.
NGỌC HÀ