Giải mã trận đồ súng thần công nhà Nguyễn

Cùng với việc làm sáng tỏ thông tin quanh khẩu thần công 350 năm tuổi, giới nghiên cứu cũng đã giải mã cách triều Nguyễn bố phòng thế trận súng thần công trong buồi đầu kháng liên quân Pháp – Tây Ban Nha (năm 1858) sau hơn 160 năm mất dấu.
Những khẩu thần công này đã nhả đạn vào tàu Pháp mang lại trận thắng về mặt chiến lược vĩ đại nhất (giai đoạn 1858 - 1860)

 

Những khẩu thần công này đã nhả đạn vào tàu Pháp mang lại trận thắng về mặt chiến lược vĩ đại nhất (giai đoạn 1858 – 1860)
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết sau khi hoàn tất thông tin về bộ súng thần công hiện được lưu giữ tại bảo tàng, trong giai đoạn 2 của dự án trùng tu di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải (đang được triển khai) sẽ trưng bày trên cơ sở sắp xếp lại bộ sưu tập súng thần công này.

“Tướng quân” sống sót thần kỳ

Đáng chú ý, khẩu thần công được tìm thấy cách đây gần một năm tại bãi biển Xuân Thiều (cách thành Điện Hải khoảng 10 km về phía bắc) sẽ được chọn làm điểm nhấn, trưng bày trong bối cảnh đảm bảo tính nguyên gốc trong lịch sử.
Đề nghị công nhận bảo vật quốc gia
Từ năm 2016, UBND TP.Đà Nẵng đã làm hồ sơ trình Hội đồng Di sản quốc gia đề nghị công nhận bộ súng thần công đang lưu giữ là bảo vật quốc gia. Bởi đây là những khẩu thần công tham chiến trực tiếp và gắn liền với chiến thắng của thành Điện Hải trong những ngày đầu kháng Pháp. Sau đó, hội đồng đã đề nghị TP bổ sung, sưu tầm, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ.
Từ năm 2017 đến nay, Đà Nẵng đã phát hiện thêm 3 khẩu, nâng tổng số thần công trong bộ sưu tập lên 13 khẩu, trong đó có khẩu Tướng quân mới được tìm thấy. Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ, TP sẽ lần nữa đệ trình đề nghị công nhận 13 khẩu thần công là bảo vật quốc gia, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết.
 Theo khảo cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến (Trường ĐH Khoa học Huế), súng thần công này dài hơn 1,75 m, đường kính đầu nòng 15 cm, đường kính đuôi nòng 25 cm, trọng lượng khoảng 200 kg. Căn cứ kiểu dáng, cấu tạo các bộ phận, kỹ thuật đúc hoa văn nổi, biểu tượng trang trí trên thân súng, quai súng, cách bố trí lỗ thoát khí…, ông Tiến nhận định đây là súng đồng cổ của Hà Lan. Loại súng này có mặt ở VN một phần theo con đường trục vớt của chúa Nguyễn từ những tàu Hà Lan bị đắm, hoặc theo con đường biếu tặng, mua bán của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài những năm 1649 – 1674. Sau đó, súng lọt vào tay triều Nguyễn sau thắng lợi cuối thế kỷ 18. Điều đó cho thấy súng thần công này có tuổi đời trên dưới 350 năm.
Theo ông Tiến, tuy số lượng súng đồng được trang bị tại Đà Nẵng vào thời Nguyễn khá phong phú, nhưng ở các vị trí bị đánh chiếm giai đoạn 1858 – 1860, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã tịch thu tất cả súng bằng đồng đem xuống tàu đưa về Pháp. Đó là lý do chính yếu khiến về sau khó có thể tìm thấy súng thần công bằng đồng. Đây chính là khẩu thần công bằng đồng đầu tiên được phát hiện ở Đà Nẵng. Nhiều khả năng đây là súng đồng Tướng quân ở thành Điện Hải, bởi 4 súng đồng Đại luân xa Thảo nghịch tướng quân và 1 súng đồng Vũ công phá địch Đại tướng quân (cùng được biên chế tại thành Điện Hải) có cỡ nòng lớn hơn.
Cũng theo ông Tiến, xét về tình thế cuộc chiến tranh xâm lược của liên quân Pháp – Tây Ban Nha ngày 1 và 2.9.1858 thì khẩu Tướng quân được quân đội triều Nguyễn đem theo từ thành Điện Hải trong cuộc rút lui khuya ngày 1 và sáng ngày 2 trước khi thất thủ, rồi gặp sự cố giữa đường.
“Sự “sống sót thần kỳ” của khẩu súng có thể được xem là hiện thân của tinh thần vượt khó, bất khuất của người VN trước quân xâm lược. Bản thân khẩu súng là một phần di sản vô giá, độc đáo trong kho tàng di vật chống Tây xâm của dân tộc ở mặt trận Đà Nẵng giữa thế kỷ 19 còn tồn tại đến hôm nay”, ông Tiến nhấn mạnh.
Giải mã trận đồ súng thần công nhà Nguyễn - ảnh 1Khẩu thần công Tướng quân – khẩu súng chiến độc nhất vô nhị của VN được tìm thấy. Ảnh: Hoàng Sơn

Tái hiện trận đồ súng thần công

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện tỏ ra vui mừng khi giai đoạn 2 trùng tu thành Điện Hải chuẩn bị triển khai thì Tướng quân xuất hiện như một cái duyên. “Khẩu thần công này khác biệt với các khẩu bằng đồng khác được trưng bày tại các tỉnh thành ở chỗ nó là khẩu súng chiến với “vết thương” chằng chịt trên thân. Với vai trò là súng lệnh, “tướng đâu thì súng đó”, khi nhà Nguyễn thấy được tầm quan trọng của hệ thống phòng thủ Đà Nẵng đã điều tướng Nguyễn Tri Phương cùng súng lệnh vào thành Điện Hải”, ông Thiện nói.
Theo hồ sơ trùng tu di tích giai đoạn 2, các hạng mục phải tuân thủ theo tính nguyên gốc. Trong đó, có việc sắp xếp lại các khẩu súng thần công ở hai bên thành Điện Hải, thiết kế lại nhà để súng, kỳ đài… Việc sắp xếp súng sẽ được bố trí mô phỏng theo thời chiến dưới triều nhà Nguyễn. Cũng theo ông Thiện, các thành phòng thủ triều Nguyễn đều có nhà để súng. Súng thần công phải đặt bên trong nhà để tránh nắng mưa ảnh hưởng đến nòng. Khi có chiến tranh xảy ra, súng được cơ động đến các góc lồi của kết cấu thành vauban cũng như dọc thành…

“Trong lịch sử có bản vẽ ghi nhận việc nhà Nguyễn bố trí ở góc bắc thành, hướng về cửa biển Đà Nẵng 7 khẩu, góc lồi phía đông nam có 7 khẩu. Một số khẩu được Nguyễn Tri Phương cho kéo ra bố trí dọc tuyến sông Hàn đến Hóa Khê (nay là khu vực cung Tuyên Sơn). Một số khẩu khi hết chiến sự sẽ được triệu về nhà để súng. Trong giai đoạn 2, chúng tôi cũng xây dựng nhà để súng như tại Đại nội Huế hiện nay. Phục dựng lại và bố trí súng thần công đúng với hệ thống phòng thủ trong thời chiến”, ông Thiện nói.

Tin liên quan