DI TÍCH NHÀ THỜ TỘC THÁI

Nhà thờ tộc Thái thuộc làng Nghi An, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, cách Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng khoảng 8km về phía tây. Đây là nơi thờ phụng các vị tổ tiên của dòng tộc Thái làng Nghi An, đặc biệt trong đó có 02 nhà yêu nước nổi tiếng đầu thế kỷ 20 – Thái Phiên và Thái Thị Bôi.

Thái Phiên sinh năm Nhâm Ngọ (1882) tại làng Nghi An, tổng Phước Tường, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, nay là phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Ông từng tham gia hoạt động cách mạng và các cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Năm 1904, ông tham gia phong trào Ðông Du, đến năm 1908, Thái Phiên tham gia phong trào Duy Tân cùng Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Từ năm 1913, ông là một trong những người lãnh đạo Việt Nam Quang Phục Hội miền Nam Trung Kỳ. Tháng 5/1916, cuộc khởi nghĩa Duy Tân thất bại, ông cùng với các chí sỹ Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu bị hành quyết ở pháp trường An Hòa vào ngày 17 tháng 5 năm 1916.

Với tộc Thái – Nghi An, bên cạnh tấm gương hy sinh của Thái Phiên, trong lớp thế hệ đi sau có Thái Thị Bôi được coi như người tiếp nối xuất sắc lý tưởng mà Thái Phiên đã chọn. Thái Thị Bôi sinh năm Tân Hợi (1911) tại làng Nghi An, là người gọi Thái Phiên bằng chú ruột. Bà là người đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cứu nước của dân tộc. Cũng như chú mình, bà xứng đáng được nhà nước và nhân dân ghi nhớ ở các tên đường, tên trường…Không những thế bà còn được tạc tượng đặt tại nhà thờ tộc Thái – Nghi An.

Ngôi nhà thờ tộc Thái trước đây được xây dựng tại phía nam làng Nghi An nhưng do lâu ngày, nhà thờ bị xuống cấp cùng với quá trình mở rộng đô thị của thành phố. Năm 2003, được sự hỗ trợ kinh phí của chính quyền thành phố Đà Nẵng, nhà thờ được chuyển đến vị trí hiện tại. Từ đó đến nay, nhà thờ trải qua một đợt trùng tu tôn tạo nhỏ các hạng mục như sân nền, tường rào và cải tạo cảnh quan vào năm 2016.

Nhà thờ tọa lạc trên một khu đất rộng, yên tĩnh, mặt quay về hướng đông, sau lưng là dãy núi Phước Tường. Từ ngoài bước vào khuôn viên nhà thờ, phải qua cổng tam quan, tạo hình giả lâu. Trên nóc các tầng mái cổng có trang trí các đồ án “lưỡng long triều nguyệt” và phượng hoàng, bên dưới giả lâu của mái được tạo hình các ô học vẽ phong cảnh quê hương. Đi qua cổng tam quan, ở hai bên tả hữu của sân nhà thờ được đặt hai bức tượng bán thân của Thái Phiên và Thái Thị Bôi. Tượng được đặt trên đài cao xây gạch giật cấp và có nhà che. Nhà che có kiểu kiến trúc tương tự cổng tam quan với tạo hình giả lâu hai tầng mái, tầng mái thứ nhất trang trính hình rồng, tầng mái thứ 2 trang trí hình phượng hoàng, trên nóc mái trang trí hình quả bầu.

Nhà thờ có bình đồ hình chữ “nhất”, được xây dựng bằng vật liệu mới (gạch, vữa xi măng, cốt thép) chắc chắn. Mái nhà thờ được trang trí bằng các đồ án “lưỡng long triều nguyệt”, phụng hoàng và giao long. Bên dưới kẻ hiên được trang trí bằng các họa tiết kỉ hà hình dạng hồi văn, hai cột chính ở hiên được khảm hình rồng cuốn. Bên trong nhà thờ được kết cấu với các chi tiết như kèo, quá giang, trụ đội đã tạo cho nhà thờ sự nhẹ nhàng, thanh thoát. Bộ phận chịu lực chủ yếu là hệ thống trụ chạy quanh tường và hai trụ đỡ quá giang ở giữa nhà thờ. Chính vị trí của hai trụ này đã chia nhà thờ thành ba khoảng không gian (ba gian) theo chiều ngang. Và ở khoảng sát tường phía sau của mỗi gian được bày các bàn thờ. Mỗi gian thờ đều có hương án ở phía trước nối với một khám thờ đặt phía sau. Tất cả đều được xây gạch, vẽ trang trí các linh vật và hoa lá. Trên bàn của gian thờ giữa là di ảnh và bài vị của chí sĩ Thái Phiên.

Hiện nay, nhà thờ còn hai bức hoành phi bằng gỗ tạo năm 1962, viết chữ Hán sơn son thiếp vàng.

Nhà thờ tộc Thái – Nghi An không giống như những ngôi từ đường của các tộc họ khác, bởi lẽ, ở đây không đơn thuần là nơi thờ tự các thế hệ người đi trước của một dòng họ mà còn là nơi tôn thờ hai nhân vật lịch sử của dân tộc. Vì vậy, di tích này không chỉ là một thiết chế văn hóa cộng đồng theo huyết thống, có ý nghĩa và mặt tín ngưỡng – tâm linh, mà còn là một di tích lịch sử – lưu niệm danh nhân, địa chỉ đỏ trong việc giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước, bất khuất của dân tộc cho đông đảo các thế hệ học sinh trước hết là trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Hàng năm, vào các dịp lễ tiết truyền thống của dân tộc, con cháu trong tộc đều đến nhà thờ để dâng hương, cúng tế. Đặc biệt, vào ngày 17 tháng 5 hàng năm, kỷ niệm ngày mất của Thái Phiên, đông đảo các đoàn đại biểu của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương đều đến dâng hương tại nhà thờ.

Nhà thờ tộc Thái đã được UBND thành phố Đà Nẵng công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố tại Quyết định số 6099/QĐ-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2009.

Phan Thị Xuân Mai

(Phòng Quản lý Di sản văn hóa)

Tài liệu tham khảo

  1. Bảo tàng Đà Nẵng (2009), Hồ sơ di tích Nhà thờ tộc Thái, Tài liệu lưu hành nội bộ.
  2. Nguyễn Trương Đàn, Chí sĩ yêu nước Thái Phiên qua các tư liệu mới, NXB Đà Nẵng, 2017.
  3. Đảng bộ Huyện Hoà Vang, Lịch sử đấu tranh cách mạng Huyện Hoà Vang, NXB Đà Nẵng, 1985.
  4. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng (1985), Thái Thị Bôi – Người con gái quang vinh.
  5. Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng, Lâm Quang Thự – Người con đất Quảng, NXB Đà Nẵng, 2005.
  6. Bản gia phả bằng chữ Hán đang được lưu giữ tại Nhà thờ tộc Thái.

Tin liên quan