Câu chuyện chiến sự tại Đà Nẵng (1858 – 1860) qua chương trình “Nghe hiện vật kể”

 

Đã 160 năm trôi qua kể từ ngày cuộc chiến dưới chân thành Điện Hải bắt đầu. Từ đó cho đến nay, chúng ta có thể khẳng định rằng đây là cuộc chiến đấu vô cùng kiên cường và anh dũng của nhân dân Đà Nẵng và quan quân triều đình nhà Nguyễn trước một ách xâm lược hoàn toàn mới là các nước thực dân đến từ phương Tây. Thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha xâm lược giữa thế kỷ 19 là một trong những trang sử vẻ vang không chỉ riêng của Đà Nẵng mà còn của cả dân tộc Việt Nam.

 

(Ảnh: Quỳnh Nga)

Trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 160 năm Ngày nhân dân Đà Nẵng đại diện cho nhân dân cả nước và cùng nhân dân cả nước mở đầu cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha xâm lược (01/9/1858 – 01/9/2018), chiều ngày 15/8, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình “Nghe hiện vật kể” với chủ đề “Cuộc chiến ở Đà Nẵng (1858 – 1860) qua một số tư liệu, hiện vật lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng” để góp phần giúp cho thế hệ trẻ hiểu hơn và tự hào về một giai đoạn lịch sử vô cùng quan trọng của Đà Nẵng. Tham dự chương trình có hơn 150 bạn đoàn viên thanh niên đến từ các quận Hải Châu, Cẩm Lệ, Sơn Trà. Một điều thú vị nữa là chương trình còn nhận được sự quan tâm đông đảo của nhiều đối tượng công chúng khác, kể cả hướng dẫn viên du lịch cũng đến tham dự để có thể hiểu rõ hơn về giai đoạn lịch sử này, góp phần nâng cao kiến thức và phục vụ cho công việc của mình.

Hai vị khách mời với tư cách diễn giả của chương trình là ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng và nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú – Hội viên Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng đã thay lời của tư liệu, hiện vật để nói về câu chuyện Đà Nẵng kháng Pháp.

Câu chuyện được mở đầu bằng hiện vật là bức Sắc phong “Thự thủ Thành Điện Hải”. Nói về cuộc chiến 1858 – 1860 ở Đà Nẵng thì không thể không nói đến vai trò và giá trị của Thành Điện Hải. Có thể nói đây là minh chứng hùng hồn cho những ngày tháng đầu tiên quân dân ta chiến đấu chống lại liên quân Pháp – Tây Ban Nha. Và ngày hôm nay, các bạn trẻ ngồi tham dự chương trình tại chính không gian của Thành Điện Hải – mảnh đất mà năm xưa nơi đây từng là tiền đồn chống thực dân Pháp ngay từ buổi đầu khi chúng đặt chân lên đất nước ta và là một trong số ít công trình kiến trúc quân sự thời Nguyễn còn lại ở Đà Nẵng hiện nay, nơi ghi dấu những trận đánh oai hùng của quân dân Đà Nẵng. Là tâm điểm trong cuộc đụng đầu lịch sử của dân tộc ta với chủ nghĩa đế quốc phương Tây, Thành Điện Hải vừa là chứng tích hùng hồn, vừa là biểu tượng về lòng yêu nước và đức hy sinh của nhân dân Đà Nẵng trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Thông qua lời chia sẻ của các nhà nghiên cứu về một số thông tin của bức Sắc phong đã phần nào giúp cho các bạn hình dung ra được việc nhà Nguyễn xây thành cũng như vai trò, ý nghĩa của Thành trong cuộc chiến. Đồng thời với đó, các bạn cũng biết được thêm việc nhà Nguyễn xây dựng hệ thống phòng thủ cửa biển Đà Nẵng lúc bấy giờ như thế nào?

Cùng đề cập nhiều đến sự bố phòng của nhà Nguyễn tại Đà Nẵng cũng như thế trận của ta và địch trong giai đoạn này, Tấm bản đồ chiến sự 1858 – 1860 đang được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng qua lời kể của các nhà nghiên cứu đã mang đến cho các bạn đoàn viên nhiều thông tin giá trị. “Trên tấm bản đồ này, chúng ta có thể nhìn thấy rõ lúc bấy giờ ở Đà Nẵng có dày đặc các công trình quân sự như: phòng tuyến, thành, đài, đồn, bảo… tất cả điều này nói lên sự quan tâm của nhà Nguyễn đối với Đà Nẵng lúc bấy giờ. Không phải ngẫu nhiên mà Đà Nẵng lại được triều đình quan tâm đặc biệt như vậy trong việc phòng thủ mà chính là vị thế địa chính trị của Đà Nẵng” – Ông Hồ Trung Tú cho biết. Có thể nói, qua nguồn tư liệu này, các bạn trẻ đã biết được thêm về Đà Nẵng cách đây hơn 1,5 thế kỷ cũng như biết được lý do vì sao người Pháp lại chọn Đà Nẵng để làm mục tiêu đầu tiên trong cuộc viễn chinh xâm lược của mình mà không phải là nơi khác.

Đến với chương trình lần này, các bạn trẻ được chiêm ngưỡng tận mắt những khẩu súng thần công uy nghiêm đang được trưng bày tại sân Thành Điện Hải. Suốt hơn 18 tháng, quân sĩ nhà Nguyễn dưới sự chỉ đạo tài tình của danh tướng Nguyễn Tri Phương đã đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của quân Pháp. Thắng lợi này có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn mà trong đó hệ thống phòng thủ cửa biển với hiệu quả của những khẩu thần công đóng góp một phần không nhỏ. Qua phần chia sẻ thông tin của nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, các bạn đã hiểu hơn giá trị của những khẩu thần công ở đây. Ông Bùi Văn Tiếng cho biết: “Không đẹp, không tinh xảo như súng thần công ở nhiều nơi khác nhưng những khẩu súng thần công ở Thành Điện Hải là những khẩu súng chiến, là những khẩu súng trực tiếp tham gia đánh Pháp. Chính điều này đã làm nên điều đặc biệt cho những khẩu súng thần công nơi đây”.

Qua gần hai giờ đồng hồ với ba tư liệu, hiện vật chủ đạo là Sắc phong “Thự thủ Thành Điện Hải”, Tấm bản đồ chiến sự 1858 – 1860 và Súng thần công ở Thành Điện Hải, các nhà nghiên cứu đã diễn giải một cách sinh động, trực quan, dễ hiểu câu chuyện về cuộc chiến ở Đà Nẵng (1858 – 1860), giúp chocác bạn đã hiểu rõ hơn về cuộc chiến lúc bấy giờ. Qua đó, một lần nữa khẳng định rằng cuộc chiến đấu mà quân dân Đà Nẵng cùng với quân triều đình nhà Nguyễn là một thắng lợi vẻ vang và về cơ bản là ta đã làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của Pháp và buộc liên quân Pháp – Tây Ban Nha phải rút khỏi mảnh đất Đà Nẵng.

Trần Văn Chuẩn

Phòng Giáo dục – Truyền thông

 

Tin liên quan