Kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng 18-5-2021:”TƯƠNG LAI CỦA BẢO TÀNG: KHÔI PHỤC VÀ TÁI ĐỊNH HÌNH”

Bước vào năm 2021, thế giới phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức mới trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, Bảo tàng là lĩnh vực vẫn chịu nhiều tác động to lớn, các hoạt động thường xuyên cũng như những dự định, kế hoạch phát triển của các Bảo tàng đều bị ảnh hưởng. Năm nay, Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) mang đến thông điệp: “Tương lai của bảo tàng: Khôi phục và tái định hình” nhằm tạo động lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo các hoạt động bảo tàng trên toàn thế giới. Trên hết, ICOM khuyến khích các bảo tàng chủ động, tiên phong trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 bằng việc thúc đẩy sử dụng các ứng dụng công nghệ, tư liệu số và sáng tạo các hình thức trải nghiệm, giới thiệu di sản văn hóa trên không gian số.

Đứng trước những thử thách mang tính toàn cầu của đại dịch Covid-19, yêu cầu về đổi mới, thích ứng với thời đại trở thành xu hướng tất yếu. Bảo tàng Đà Nẵng cũng không nằm ngoài quỹ đạo chung đó. Để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch nhưng đồng thời cũng duy trì sự tương tác với công chúng, thúc đẩy công chúng quan tâm, tìm hiểu và đến với Bảo tàng thì không có giải pháp nào tốt hơn là thông qua kết nối số. Thách thức ấy đã buộc Bảo tàng không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát huy tính chủ động, đem đến những trải nghiệm có giá trị cho công chúng. Một trong nỗ lực mà Bảo tàng Đà Nẵng đã thực hiện được trong thời gian qua là hoạt động truyền thông số. Truyền thông số trở thành lựa chọn ưu tiên hàng đầu trong xu hướng số hóa và vạn vật kết nối internet (Internet of things) hiện nay. Chính vì vậy, Bảo tàng Đà Nẵng đã tiếp cận và bắt đầu thực hiện một số giải pháp truyền thông số với những bước đi cơ bản nhất.

Bảo tàng Đà Nẵng từng bước ứng dụng công nghệ số trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ

(Ảnh chụp: Bản đồ di sản Đà Nẵng bằng ứng dụng 3D)

Tuy rằng việc ứng dụng truyền thông số trong hoạt động của Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay chỉ là sơ khởi với những bước đi chập chững ban đầu nhưng điều đáng mừng là đã mang lại hiệu quả bước đầu rất tích cực. Cụ thể là ứng dụng mạng xã hội trong công tác truyền thông của Bảo tàng. Hiện tại, Bảo tàng Đà Nẵng đã và đang thực hiện truyền thông qua mạng xã hội với 06 tài khoản trên Facebook, Youtube, Instagram, Tiktok, Zalo, Twitter. Ngồi ở nhà, công chúng cũng có thể “tham quan” một cách dễ dàng thông qua website và 06 trang mạng xã hội của Bảo tàng Đà Nẵng.

Truyền thông cho Triển lãm “Tiền Việt Nam qua các thời kỳ” trên trang facebook của Bảo tàng (Bao Tang Da Nang – Da Nang Museum)

Cùng với đó, Bảo tàng đã tích cực xây dựng và thực hiện nhiều nội dung sáng tạo như: thực hiện các video clip tái hiện các câu chuyện lịch sử – văn hóa một cách sinh động, gần gũi thông qua các sưu tập hiện vật cũng như hệ thống trưng bày của Bảo tàng; xây dựng Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng để giúp cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản từng bước được hoàn thiện; xây dựng ứng dụng bản đồ số 2D và 3D để phục vụ khai thác, quảng bá các điểm di tích trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hướng tới phục vụ công tác quản lý, giám sát và tham quan ảo.

Công tác thực hiện video clip tại Bảo tàng Đà Nẵng

Đặc biệt, để nâng cao tính trải nghiệm cho công chúng, Bảo tàng Đà Nẵng còn hướng đến việc làm mới các nội dung trưng bày, các chương trình giáo dục; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, vui chơi, hưởng thụ văn hóa – xã hội trong và ngoài Bảo tàng. Trong thời gian đến, Bảo tàng sẽ tiến hành thực hiện triển lãm trực tuyến (online exhibition) để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa một cách đa dạng, thuận tiện cho công chúng.

Thực tế cho thấy, chính những khó khăn của cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng là một phần động lực cho sự đổi mới và phát triển của mọi khía cạnh xã hội, trong đó có lĩnh vực di sản văn hóa và bảo tàng. Bảo tàng vẫn luôn là thiết chế văn hóa vì cộng đồng, phục vụ lợi ích nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng. Bằng những hướng đi mới như trên, Bảo tàng Đà Nẵng đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cường kết nối với các thiết chế văn hóa khác để cùng sáng tạo và tái khẳng định giá trị thiết yếu của bảo tàng trong hiện tại và tương lai, thúc đẩy vai trò của bảo tàng là nơi khơi gợi những tiềm năng sáng tạo của văn hóa, góp phần chung vào công cuộc phục hồi, đổi mới và phát triển trong thời kỳ hậu Covid.

 

Trần Trung Nghĩa

(Phòng Giáo dục – Truyền thông)

Tin liên quan