TUẦN LỄ BẢO TÀNG 2021 – CHỦ ĐỀ 1 #ONCEUPONATIMEMW

Hướng ứng #TuầnlễBảotàng2021 #Museumweek, với chủ đề đầu tiên #OnceUponAtimeMW #Ngày_xửa_ngày_xưa, Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu về tục ăn trầu, bộ sưu tập dụng cụ ăn trầu – nét đẹp văn hóa Việt

Theo truyền thuyết và thư tịch cổ, tục ăn trầu ở Việt Nam đã có từ thời các vua Hùng dựng nước. Trải qua hàng ngàn năm, tục ăn trầu đã trở thành một phong tục độc đáo, có sức sống bền bỉ trong đời sống của người Việt, tồn tại cho đến ngày nay. Và sức sống bền bỉ đó đã đi vào ca dao tục ngữ Việt Nam một cách thật gần gũi, chân thật biểu trưng cho lối ứng xử, giao tiếp hay làm phương tiện biểu lộ tình cảm con người với nhau.

Đó là sự hiếu thuận của người con:

         “Ai về tôi gởi buồng cau

 Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy”

Là tình thủy chung sắt son nghĩa vợ chồng:

         “Đôi ta như trầu với cau

Vừa vôi, môi đỏ tìm đâu cho bằng”

Hay đơn giản chỉ là lời mở đầu của mỗi câu chuyện

Tiện đây ăn miếng trầu

          Hỏi thăm quê quán ở đâu chăng là ?

          Có trầu mà chẳng có cau

          Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm”

Cứ như vậy, trầu cau đi sâu vào từng ngõ ngách trong đời sống của người dân Việt. Miếng trầu thơm cay, nồng đỏ là sự kết hợp của trầu, cau, vôi trắng… hòa quyện. Và bộ dụng cụ ăn trầu là những thứ không thể thiếu như: dao bổ cau, bình đựng vôi, cối giã trầu giúp người ăn thưởng thức dễ dàng hơn.

Nhằm giới thiệu về nét đẹp của tục ăn trầu trong văn hóa Việt, tại bảo tàng Đà Nẵng có trưng bày bộ sưu tập dụng cụ ăn trầu gồm các bình vôi bằng gốm có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, cơi đựng trầu, ống nhổ, ống ngoáy, chìa ngoáy bằng đồng hay các bình vôi bằng gốm… để giúp du khách có thể hình dung về tục ăn trầu của người Việt.

Trải qua thời gian, hiện nay, tục ăn trầu ít phổ biến hơn xưa nhưng trầu cau vẫn là một nét văn hóa không thể thiếu trong văn hóa người Việt và những vật dụng dùng trong tục ăn trầu giờ đây đã trở thành di sản của một phong tục tập quán tốt đẹp được lưu giữ.

Tin liên quan