Thành Điện Hải – Di tích quốc gia đặc biệt

Ngày 26-12, theo thông tin từ Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định  số 2082/QĐ-TTg công nhận thành Điện Hải là Di tích quốc gia đặc biệt.

Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia trong chuyến đi khảo sát thành Điện Hải.  						  Ảnh: NGỌC HÀ
Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia trong chuyến đi khảo sát thành Điện Hải. Ảnh: NGỌC HÀ

Đây là kết quả xứng đáng cho sự nỗ lực của chính quyền Đà Nẵng trong việc giữ gìn, phát huy giá trị thành Điện Hải thời gian qua. Đặc biệt, năm 2017, thành phố quyết định di dời, giải tỏa 80 hộ dân sinh sống xung quanh bờ tường phía tây, dừng hẳn công trình xây dựng Trung tâm Lưu trữ ở phía bắc; phê duyệt luận chứng kinh tế, kỹ thuật trùng tu, tôn tạo và phục hồi thành Điện Hải thành hai giai đoạn (giai đoạn 1 từ 2017-2019, giai đoạn 2 từ 2019-2021).

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố phấn khởi nói: “Vậy là mong ước của lãnh đạo thành phố, ngành văn hóa, những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và cả người dân Đà Nẵng đã thành hiện thực. Giá trị đặc biệt của thành Điện Hải trên cả phương diện kiến trúc và lịch sử đã được khẳng định”.

Theo ông Hùng, tiếp theo, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ liên hệ với Cục Di sản Văn hóa; đồng thời xây dựng kịch bản cụ thể trình lãnh đạo thành phố để tổ chức đón Bằng Di tích một cách trọng thể, qua đó tuyên truyền, quảng bá ý nghĩa của di tích thành Điện Hải. Sở cũng tiếp tục tham khảo, lắng nghe ý kiến của lãnh đạo thành phố, các chuyên gia, nhà nghiên cứu để có giải pháp thực hiện hiệu quả dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải”.

Theo các nhà nghiên cứu, thành Điện Hải có giá trị về mặt lịch sử khá đặc biệt, đây là di tích minh chứng sự va đập giữa nền văn minh phương Tây và phương Đông; mốc chuyển tiếp từ thời kỳ lịch sử trung đại sang cận đại của Việt Nam và biểu tượng cho lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh bất khuất của cha ông ta trong những năm đầu chống Pháp.

Học sinh Đà Nẵng tìm hiểu lịch sử tại thành Điện Hải.  			      Ảnh: N.HÀ
Học sinh Đà Nẵng tìm hiểu lịch sử tại thành Điện Hải. Ảnh: N.HÀ

Thành Điện Hải trước là đồn Điện Hải, xây dựng năm 1813 (Gia Long thứ 12) gần cửa biển Đà Nẵng. Năm 1823 (Minh Mạng thứ 4), đồn Điện Hải được dời vào bên trong đất liền, trên một gò đất cao. Đồn được xây bằng gạch. Năm 1835 (Minh Mạng thứ 15), đồn được đổi tên là thành Điện Hải. Năm 1840, Tham tri Bộ công Nguyễn Công Trứ vào xem xét hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng, sau đó đề nghị tăng cường phòng thủ các thành Điện Hải, An Hải. Năm 1847 (Thiệu Trị thứ 7), thành Điện Hải được mở rộng có chu vi 556m, thành cao hơn 5m, chung quanh là hào sâu 3m.

Thành có 2 cửa, một cửa mở về phía nam (cửa chính), một cửa mở về phía đông. Trong thành có hành cung, kỳ đài, các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng và được trang bị 30 ụ súng đại bác cỡ lớn. Thành được xây bằng gạch theo đề án thiết kế kiểu Vauban, hình vuông.

Hiện nay, di tích thành Điện Hải tọa lạc tại phường Thạch Thang, quận Hải Châu. Tường thành phía tây, đông và các góc tương đối còn nguyên vẹn. Cửa thành phía nam đã mất và phía bắc đã hư hại. Gần đây, di tích thành Điện Hải được trùng tu, gia cố, phục hồi lại nguyên trạng.

Thành Điện Hải là một dấu ấn ghi nhớ truyền thống đấu tranh chống Pháp của nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước, quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ lãnh thổ. Đây cũng là đồn lũy quan trọng góp phần đánh bại cuộc tấn công của thực dân Pháp vào Đà Nẵng những năm 1858 – 1860. Một tượng đài uy nghi của Tướng quân Nguyễn Tri Phương đã được dựng tại đây để ghi nhớ một giai đoạn lịch sử hào hùng của thành phố.

Cùng với thành Điện Hải, có 9 di tích khác trên cả nước được xếp hạng đợt này gồm: Di tích lịch sử đền Cửa Ông (Quảng Ninh), Di tích lịch sử Văn miếu Mao Điền (Hải Dương), Di tích lịch sử địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (Quảng Ngãi), Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 (Cao Bằng), Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Đọi Sơn (Hà Nam), Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Xưa – chùa Giám – đền Bia (Hải Dương), Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (chùa Hương), Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Chèm (Hà Nội), Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Hoành Sơn (Nghệ An). Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 95 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

NGỌC HÀ27

Tin liên quan