XÂY DỰNG KHÔNG GIAN HỌC TẬP SUỐT ĐỜI DÀNH CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG CÔNG CHÚNG THÔNG QUA CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC, THỰC TIỄN TẠI BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG

(THAM LUẬN TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG CÁC THƯ VIỆN, BẢO TÀNG, NHÀ VĂN HÓA, CÂU LẠC BỘ)

Trong bối cảnh vai trò của hoạt động giáo dục bảo tàng đang ngày càng được đánh giá cao, Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” (2014) được triển khai thực hiện trở thành đòn bẩy giúp các bảo tàng, trong đó có Bảo tàng Đà Nẵng, xác định rõ ràng hơn tầm quan trọng của công tác giáo dục và thực hiện quyết liệt hơn các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả của khâu công tác nghiệp vụ này. Mục tiêu xây dựng bảo tàng thành không gian học tập suốt đời cho các đối tượng công chúng đã được đặt ra và từng bước thực hiện. Qua chặng đường hơn 5 năm thực hiện mục tiêu này tại Bảo tàng Đà Nẵng, hoạt động giáo dục đã có những chuyển biến rõ rệt cả về số lượng và chất lượng, lan tỏa thông điệp tích cực về học tập và trải nghiệm tại bảo tàng.

Quá trình xây dựng không gian học tập suốt đời tại bảo tàng liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau như công tác trưng bày, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, vv,. Bài viết xem xét quá trình này thông qua các hoạt động giáo dục với trường hợp thực tế tại Bảo tàng Đà Nẵng.

1. Quá trình thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” thông qua các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng Đà Nẵng

Theo UNESCO, “học tập suốt đời” là quá trình học tập diễn ra trong suốt cả cuộc đời, dựa trên năm trụ cột: học để biết, học để làm việc, học để cùng nhau chung sống; học để làm người và học để sáng tạo. Có ba hình thức giáo dục được xác định, bao gồm: giáo dục chính quy, giáo dục phi chính quy và giáo dục không chính thức. Theo đó, các tổ chức văn hóa, các thiết chế dịch vụ, tổ chức đoàn thể xã hội đều có thể phát huy vai trò giáo dục của mình bằng các hoạt động phong phú, đa dạng. Đặc biệt, các bảo tàng với vị thế và chức năng xã hội của mình hoàn toàn có thể trở thành một không gian học tập lý tưởng cho mọi đối tượng công chúng.

Quá trình thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” tại Bảo tàng Đà Nẵng gắn liền với quá trình tổ chức và nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục bảo tàng. Theo đó, từ năm 2011 đến nay, hoạt động giáo dục của Bảo tàng có thể chia thành ba giai đoạn với tính chất và mức độ khác nhau.

Từ năm 2011 – 2014 là giai đoạn tập trung xây dựng các chương trình giáo dục bảo tàng. Năm 2011, Bảo tàng Đà Nẵng chuyển về địa điểm mới (từ 78 Lê Duẩn chuyển về 24 Trần Phú), đối mặt với không ít thử thách khi lượng khách tham quan chưa tương xứng với tiềm năng, các hoạt động công chúng còn hạn chế, người dân địa phương chưa biết nhiều đến Bảo tàng. Trước tình thế đó, bên cạnh công tác trưng bày, hoạt động giáo dục được xác định là chìa khóa để bảo tàng thu hút công chúng đến tham quan và tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa bảo tàng với cộng đồng. Trong giai đoạn này, các chương trình giáo dục còn khá đơn giản, chỉ tập trung vào hoạt động hướng dẫn khách tham quan, phục vụ nhu cầu học tập ngoại khóa của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố. Đối tượng công chúng chính của các hoạt động giáo dục bảo tàng trong thời gian này chủ yếu là học sinh, sinh viên. Trong đó, chương trình “Hành trình đến với Bảo tàng Đà Nẵng và di tích Thành Điện Hải” (năm 2013 và 2014) được xem là hoạt động giáo dục tạo được hiệu ứng tích cực nhất của Bảo tàng trong giai đoạn này. Chương trình này đã thu hút sự tham gia của hơn 11.198 học sinh của các trường THPT, THCS và Tiểu học trên địa bàn thành phố. Cũng trong giai đoạn này, từ kinh nghiệm tổ chức mô hình sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu Lịch sử” của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Đà Nẵng đã triển khai áp dụng hoạt động này định kỳ hàng năm với các chủ đề khác nhau trên cơ sở nội dung trưng bày của Bảo tàng. Với việc mở rộng mô hình sinh hoạt CLB “Em yêu Lịch sử”, hoạt động giáo dục của Bảo tàng từng bước đi vào chiều sâu, kết hợp thêm những nội dung mới, phù hợp với đối tượng công chúng tham gia. Ngoài ra, Bảo tàng đã bắt đầu có sự chú trọng đến việc mở rộng phạm vi đối tượng công chúng, hướng tới những đối tượng học sinh ở các địa phương xa trung tâm thành phố, tổ chức các đợt cán bộ đến các điểm trường vùng xa của huyện Hòa Vang để giới thiệu về nội dung trưng bày của bảo tàng.

Giai đoạn tiếp theo, năm 2015 đến 2017, là giai đoạn Bảo tàng Đà Nẵng tăng cường mở rộng các chương trình giáo dục, hướng tới mục tiêu thu hút đông đảo công chúng đến với bảo tàng và đáp ứng nhu cầu thưởng thức, trải nghiệm văn hóa của khách tham quan; đồng thời gắn kết hoạt động giáo dục với hoạt động truyền thông, quảng bá. Từ năm 2015, Bảo tàng bắt đầu thực hiện chương trình “Giờ học ngoại khóa tại Bảo tàng” với việc xây dựng nội dung 10 chuyên đề gắn kết giữa chương trình giáo dục lịch sử địa phương của các bậc học với nội dung trưng bày của Bảo tàng. Các đơn vị, trường học sẽ lựa chọn chủ đề phù hợp và đăng ký các buổi học với phòng Giáo dục – Truyền thông. Ngay trong năm đầu tiên, bảo tàng đã tổ chức được 54 buổi học cho hơn 2.300 học sinh các cấp, hỗ trợ tích cực cho các trường học trong công tác giảng dạy lịch sử địa phương và nâng cao chất lượng các hoạt động ngoại khóa dành cho học sinh. Cũng thông qua hoạt động này, mối quan hệ giữa bảo tàng với các cơ sở giáo dục tại địa phương càng được củng cố và tăng cường. Nhờ liên tục đổi mới nội dung, hình thức tổ chức nên hoạt động này đã tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực từ học sinh và giáo viên, trở thành môt trong những hoạt động giáo dục mang thương hiệu đặc trưng của Bảo tàng Đà Nẵng. Trong giai đoạn này, Bảo tàng tiếp tục nghiên cứu và đưa ra những hoạt động giáo dục mới, có tính trải nghiệm và tương tác cao, hấp dẫn người học như chương trình “Em tập làm thuyết minh viên nhí”, “Vui Tết Trung thu” dành cho trẻ em ở các nhóm tuổi khác nhau; chương trình “Nghe hiện vật kể” dành cho đối tượng học sinh, sinh viên. Mô hình sinh hoạt CLB “Em yêu Lịch sử” tiếp tục được mở rộng, tần suất tổ chức tăng lên 4 đợt sinh hoạt mỗi năm với các chủ đề liên tục thay đổi. Năm 2017, Bảo tàng cho ra mắt CLB Tình nguyện viên Bảo tàng Đà Nẵng, và các thành viên của CLB này đã hỗ trợ tích cực cho các hoạt động công chúng của Bảo tàng, đồng thời họ cũng được tham gia trực tiếp vào quá trình tổ chức sự kiện giáo dục, các hoạt động truyền thông và rèn luyện các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, hướng dẫn khách tham quan, … Một hoạt động khác cũng mang lại hiệu ứng tích cực là chương trình giới thiệu Văn hóa của đồng bào dân tộc Katu (2016). Hoạt động này không chỉ giúp quảng bá, giới thiệu các giá trị di sản văn hóa của người Katu mà còn giúp bảo tàng mở rộng đối tượng công chúng, không chỉ bó hẹp ở học sinh, sinh viên. Ở giai đoạn này, với các hoạt động đa dạng và phong phú hơn, cùng với hiệu quả của công tác truyền thông, Bảo tàng đã thu hút lượng khách tham quan, trải nghiệm tăng nhanh qua các năm (Xem biểu đồ 1).

Từ năm 2018 đến nay (2020), hoạt động giáo dục của Bảo tàng có sư chuyển biến mạnh mẽ hơn về số lượng và chất lượng. Đây là giai đoạn bảo tàng đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, xây dựng bảo tàng thành một không gian học tập quan trọng của cộng đồng với các hoạt động đi vào chiều sâu, có sự đầu tư nghiên cứu để có thể tiếp cận đa dạng đối tượng công chúng. Trong giai đọan này, các hoạt động đã được khẳng định hiệu quả và chất lượng như “Giờ học ngoại khóa”, CLB “Em yêu Lịch sử”, “Trải nghiệm hè tại Bảo tàng” tiếp tục được duy trì. Trong đó, chương trình “Giờ học ngoại khóa” đã được đầu tư nghiên cứu để bổ sung, thay đổi các chuyên đề, tích hợp các hoạt động trải nghiệm để tăng tính hấp dẫn và tương tác cho người học, chú trọng lồng ghép thực hành các kỹ năng mềm trong các buổi học. Chương trình “Em yêu Lịch sử” được mở rộng phạm vi với việc cán bộ bảo tàng tổ chức chương trình tại các trường học xa trung tâm thành phố; tạo điều kiện để học sinh những khu vực khó khăn có thể tiếp cận các giá trị văn hóa từ sưu tập hiện vật của Bảo tàng. Bên cạnh đó, Bảo tàng tiếp tục nghiên cứu và triển khai tổ chức nhiều hoạt động mới để thu hút các đối tượng công chúng khác nhau, nhất là đối với người dân địa phương, cụ thể như chương trình “Nghệ nhân trao truyền” (mời các nghệ nhân đến giới thiệu về nghề thủ công truyền thống của địa phương và hướng dẫn công chúng trải nghiệm thực tế); chương trình trải nghiệm “Phiên chợ ngày Tết” nhân dịp tết nguyên đán (các năm 2018, 2019, 2020); chương trình “Ngược dòng ký ức”. Đặc biệt, chương trình “Cùng con đến Bảo tàng” (2019) đã mở ra một hướng tiếp cận mới với đối tượng khách gia đình, thu hút họ đến bảo tàng tham gia các hoạt động trải nghiệm, tạo cơ hội để các thành viên gia đình chia sẻ khoảng thời gian ý nghĩa cùng nhau. Chị Thu Nga, một thành viên tham gia chương trình “Cùng con đến Bảo tàng” đã chia sẻ rằng “Đó là một kỷ niệm tuyệt vời với gia đình tôi khi cha mẹ và con cái cùng nhau trải nghiệm các hoạt động tại bảo tàng. Trước đây tôi chưa từng nghĩ rằng đến Bảo tàng lại thú vị như thế!”.  Từ thành công của hoạt động này, Bảo tàng tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những chương trình giáo dục mới, hướng tới đối tượng khách gia đình, người cao tuổi, vv… với mục tiêu lan tỏa hơn nữa các giá trị của Bảo tàng đến với cộng đồng.

Cũng trong giai đoạn này, Bảo tàng có sự đầu tư nghiên cứu đối tượng khách tham quan qua khảo sát, các điều tra xã hội học để nắm bắt nhu cầu khách tại bảo tàng và nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan tại bảo tàng. Các chương trình, kế hoạch hoạt động giáo dục hàng năm được nghiên cứu, đầu tư đổi mới; chiến lược giáo dục của Bảo tàng cũng được xây dựng với phương châm tăng cường yếu tố trải nghiệm dành cho công chúng trong các hoạt động giáo dục và đa dạng các đối tượng công chúng của bảo tàng.

Biểu đồ 1: Số lượng khách tham quan tại Bảo tàng Đà Nẵng 2011-2019

Biểu đồ 2: Một số hoạt động giáo dục, trải nghiệm tại Bảo tàng Đà Nẵng

Muốn xây dựng bảo tàng thành không gian học tập suốt đời, trước hết phải mở ra con đường để công chúng tiếp cận và nhận thấy được những giá trị của bảo tàng trong việc nâng cao tri thức, hiểu biết và trải nghiệm của họ. Qua các giai đoạn khác nhau, sự thay đổi về số lượng và chất lượng của các hoạt động giáo dục tại bảo tàng đã mang lại những thay đổi tích cực trong việc xây dựng hình ảnh và vị thế của Bảo tàng trong đời sống xã hội của cộng đồng địa phương. Từ chỗ không nhiều người biết đến Bảo tàng Đà Nẵng (tại thời điểm chuyển về địa điểm mới, năm 2011), đến nay Bảo tàng đã trở thành một điểm đến quen thuộc của người dân địa phương và du khách trong, ngoài nước; nhất là các dịp cuối tuần, những ngày diễn ra các hoạt động công chúng tại Bảo tàng. Trong ba giai đoạn xây dựng và mở rộng hoạt động giáo dục tại Bảo tàng Đà Nẵng gắn với thực hiện Đề án về đẩy mạnh hoạt động học tập suốt đời tại Bảo tàng, mỗi giai đoạn có một vai trò và ý nghĩa riêng. Trong những năm đầu tiên, việc ưu tiên đẩy mạnh về số lượng công chúng tham gia vào các hoạt động này là việc làm cần thiết để bảo tàng có thể “tự giới thiệu bản thân” đến với công chúng, ít nhất là công chúng địa phương biết Bảo tàng Đà Nẵng ở đâu và có những gì! Càng về sau, khi lượng công chúng biết đến Bảo tàng tăng lên, việc đầu tư vào nâng cao chất lượng, đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục là yêu cầu tất yếu. Rõ ràng, bảo tàng có những lợi thế nhất định khi thiết lập không gian học tập cho công chúng, nhưng trong bối cảnh xã hội hiện đại, sự “cạnh tranh” với các hình thức học tập, vui chơi, giải trí khác cũng đặt ra cho bảo tàng không ít thử thách. Điều này buộc bảo tàng phải luôn làm mới mình để trở thành một không gian học tập, trải nghiệm hấp dẫn công chúng. Vì vậy, mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục là một trong những định hướng phát triển quan trọng của Bảo tàng Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, việc mở rộng đối tượng của các chương trình giáo dục từ chỗ chỉ tập trung vào học sinh, sinh viên sang các đối tượng khác như khách gia đình, người cao tuổi, phụ nữ, vv… cũng là một trong những tiêu chí mà Bảo tàng Đà Nẵng đang đặt ra cho hoạt động giáo dục.

2. Một số nhận định, đánh giá rút ra từ quá trình thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” tại Bảo tàng Đà Nẵng

Thực tế cho thấy, việc đưa bảo tàng trở thành không gian học tập suốt đời dành cho nhiều đối tượng công chúng khác nhau là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự đầu tư cả về công tác nghiên cứu lẫn các bước tổ chức thực hiện. Từ việc thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” tại Bảo tàng Đà Nẵng, chúng tôi rút ra một số đánh giá, nhận xét như sau:

Thứ nhất, việc triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” nằm trong chiến lược xây dựng xã hội học tập trên phạm vi quốc gia đã mang lại những thuận lợi lớn cho các bảo tàng, nhất là bảo tàng địa phương trong việc phối hợp thực hiện với các đơn vị liên quan như cơ sở giáo dục, cơ sở văn hóa, các tổ chức đoàn thể xã hội khác. Trên thực tế, phần lớn các hoạt động giáo dục được tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng đều có sự phối hợp, liên kết với các đơn vị khác, nhất là trong công tác truyền thông, giới thiệu sự kiện cũng như một số khâu công tác tổ chức hoạt động. Trong đó phải kể đến sự kết hợp chặt chẽ và chủ động giữa Bảo tàng với ngành Giáo dục tại địa phương trong quá trình thực hiện Đề án này.

Thứ hai, để đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, bên cạnh việc đầu tư vào hệ thống trưng bày, cơ sở vật chất phục vụ các sự kiện công chúng thì các bảo tàng cần chú trọng hơn nữa đầu tư vào công tác nghiên cứu để liên tục đổi mới nội dung, hình thức hoạt động và đầu tư vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực giáo dục bảo tàng. Ngành Bảo tàng cũng cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa trong vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác giáo dục thông qua các lớp tập huấn chuyên sâu.

Thứ ba, yếu tố trải nghiệm, tương tác quyết định mức độ thành công của các chương trình giáo dục tại bảo tàng. Giáo dục trong bảo tàng là quá trình giáo dục tự chọn, lấy trải nghiệm cá nhân của công chúng làm trọng tâm. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu về hoạt động giáo dục bảo tàng, yếu tố trải nghiệm chính là yếu tố quan trọng gắn kết công chúng với bảo tàng, tạo nên tính hấp dẫn và mới mẻ cho các hoạt động của bảo tàng trong cái nhìn của khách tham quan (Macdonald, 2006; Falk, 2016). Do vậy, để trở thành một không gian học tập hấp dẫn, các hoạt động tại bảo tàng phải luôn đề cao tính trải nghiệm, từ trong hệ thống trưng bày cho tới các hoạt động phụ trợ, các tiện ích và không gian xung quanh bảo tàng. Bởi vì tất cả các yếu tố này đều tác động trực tiếp đến cảm nhận của công chúng khi đến bảo tàng. Làm thế nào để công chúng thấy thoải mái, thích thú, hào hứng và được tôn trọng khi đến bảo tàng chính là câu hỏi mà cán bộ bảo tàng phải nghĩ đến khi thiết kế các hoạt động giáo dục. Qua đánh giá hiệu quả của công tác giáo dục ở Bảo tàng Đà Nẵng, chúng tôi nhận thấy, các hoạt động có yếu tố trải nghiệm cao luôn được công chúng hưởng ứng tốt hơn, mang lại hiệu quả tích cực hơn.

Thứ tư, thực hiện mục tiêu xây dựng bảo tàng thành không gian học tập suốt đời cũng chính là thực hiện vai trò của Bảo tàng trong sự phát triển cộng đồng. Do vậy, các bảo tàng cần chú trọng việc mở rộng đối tượng công chúng của mình. Một trong những “lối mòn” trong hoạt động giáo dục tại các bảo tàng chính là việc mặc định đối tượng hướng tới là học sinh, sinh viên. Trong khi đó, học tập suốt đời đề cập đến mọi đối tượng công chúng trong xã hội, đặc biệt là những nhóm cộng đồng yếu thế (Gibbs, Sani, & Thompson, 2006). Do đó, bên cạnh học sinh, sinh viên, trong định hướng chiến lược giáo dục tại bảo tàng phải đưa ra đối tượng công chúng mới như cộng đồng dân tộc thiểu số, người cao tuổi, phụ nữ…

Thứ năm, cần phải coi trọng hơn nữa vai trò của hoạt động giáo dục trong bảo tàng, đồng thời xem đó cũng là một kênh truyền thông hiệu quả và bền vững. Đối với Bảo tàng Đà Nẵng, những thành quả của hoạt động giáo dục đã góp phần to lớn trong việc xây dựng thương hiệu của bảo tàng cũng như quảng bá hình ảnh của Bảo tàng đến với công chúng. Hiệu ứng tích cực của các hoạt động giáo dục đã giúp công chúng địa phương biết nhiều hơn đến bảo tàng, từ đó, người dân địa phương trở thành một kênh quảng bá bảo tàng đến với khách du lịch.

3. Lời kết

Clifford (1997) khi nhận định về vị thế xã hội của các bảo tàng đã nhấn mạnh: “bảo tàng là một vùng tiếp xúc”, nơi đóng vai trò trung gian cho việc giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là những vấn đề liên quan đến cộng đồng địa phương, và giáo dục là một lĩnh vực quan trọng mà các bảo tàng không thể đứng ngoài cuộc. Có thể nói, giá trị của bảo tàng đối với việc lan tỏa thông điệp học tập suốt đời ngày càng được khẳng định. Xây dựng bảo tàng trở thành không gian học tập suốt đời không chỉ là trách nhiệm xã hội, đó còn là nền tảng quan trọng để các bảo tàng, trong đó có Bảo tàng Đà Nẵng, xây dựng thương hiệu của riêng mình và thu hút công chúng đến với bảo tàng. Để góp phần vào việc xây dựng một xã hội học tập bình đẳng và đa chiều, các bảo tàng cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho việc nghiên cứu và ứng dụng các hoạt động trải nghiệm trên cơ sở lấy công chúng là trung tâm của các hoạt động giáo dục.

Một số hình ảnh nổi bật về các hoạt động giáo dục, trải nghiệm của Bảo tàng Đà Nẵng:

Chương trình “Cùng con đến Bảo tàng”

   

Chương trình “Ngược dòng ký ức”

Chương trình “Giờ học ngoại khóa tại Bảo tàng”

Chương trình “Em yêu lịch sử” tại địa bàn các trường học xa trung tâm thành phố

Chương trình “Nghe hiện vật kể” chủ đề “Hành trang lên đường”

Chương trình “Nghệ nhân trao truyền” chủ đề “Mặn mòi vị biển Nam Ô”

Chương trình “Phiên chợ ngày Tết 2020”

Dương Thị Hà

(Phòng Giáo dục – Truyền thông)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Clifford, J. (1997). Museums as contact zones. In J. Clifford (Ed.), Routes: Travel and translation in the late twentieth century (pp. 188-219). Cambridge, Mass.: Harvard University Press.
  2. Gibbs, K., Sani, M., & Thompson, J. (Eds). (2006). Lifelong Learning in Museums – A European Handbook. EDISAI srl – Ferrara.
  3. Falk, J. (2016). Identity and the Museum Visitor Experience. Routledge. New York.
  4. Illeris, H. (2006). “Museums and galleries as performative sites for lifelong learning: constructions, deconstructions and reconstructions of audience positions in museum and gallery education” [Museum and Society], Vol 4, n. 1, p. 15-26. University of Leicester.
  5. Macdonald, S. (2006). A Companion to Museum Studies. Oxford: Blackwell.
  6. Nguyễn Hải Ninh. (2017). Giáo dục học tập trong bảo tàng – Kinh nghiệm từ bảo tàng học quốc tế. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3099/61834/giao-duc-hoc-tap-trong-bao-tang-kinh-nghiem-tu-bao-tang-hoc-quoc-te-phan-1.html

 

Tin liên quan