Những nhịp cầu phát triển Đà Nẵng – Kỳ 3: Cầu Thuận Phước và kỷ lục ở cửa sông Hàn

TTO – Một thập kỷ từ khi hình thành đến nay, cây cầu cuối cùng trên hành trình ra biển của sông Hàn vẫn lừng lững giữ kỷ lục là cây cầu treo dây võng hiện đại và dài nhất Việt Nam.

Những nhịp cầu phát triển Đà Nẵng - Kỳ 3: Cầu Thuận Phước và kỷ lục ở cửa sông Hàn - Ảnh 1.

Cầu Thuận Pahước về đêm – Ảnh: NGÔ QUANG

Với chính sách hướng biển lúc bấy giờ, cầu Thuận Phước được xem là một mắt xích quan trọng cho tuyến đường vành đai ven biển thành phố phục vụ du lịch.

Nếu đi theo con đường thiên lý Bắc – Nam qua ải Hải Vân, công trình đầu tiên vào tầm mắt du khách chắc chắn là cây cầu Thuận Phước nơi cuối sông đầu biển.

“Kéo dài bờ sông, kéo dài bờ biển”

Đứng ở bất cứ vị trí nào trong khu vực vịnh Đà Nẵng cũng nhận thấy rõ hai trụ tháp cao và mố neo chiếc cầu dây võng Thuận Phước.

Cây cầu có chiều dài gần 2km này được khởi công xây dựng chỉ chưa đầy ba năm sau ngày khánh thành cầu Sông Hàn. Để rồi từ nơi sông đổ ra biển hình thành một cây cầu nối liền mạch tuyến đường biển ven vịnh với tuyến đường ven biển phía đông vào Hội An.

Với chính sách hướng biển lúc bấy giờ, cầu Thuận Phước được xem là một mắt xích quan trọng cho tuyến đường vành đai ven biển thành phố phục vụ du lịch.

Thời điểm xây cầu Thuận Phước, ông Đặng Việt Dũng, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đang làm giám đốc Sở GTVT chỉ huy công trường có khối lượng và tổng vốn đầu tư lớn chưa từng thấy ở thành phố này.

Ông Dũng khẳng định ngay từ ban đầu, dự án không đặt nặng vấn đề nâng tải trọng thiết kế phục vụ xe vận tải hàng hóa vì thời điểm ấy đã có quy hoạch một số cây cầu khác làm nhiệm vụ này rồi.

“Chủ trương của thành phố lúc ấy Thuận Phước là “cầu du lịch”. Một khi đã hình thành thì “kéo dài bờ sông, kéo dài bờ biển” để khai thác tiềm năng du lịch trên bán đảo Sơn Trà và phát triển bờ biển phía đông một cách triệt để” – ông Dũng cho biết.

Nói về quyết định xây một cây cầu lớn ở ngay “họng gió” cửa sông, ông Trần Dân, chủ tịch Hội KHKT cầu đường Đà Nẵng, cho rằng lãnh đạo TP Đà Nẵng khi ấy đã chịu sự ảnh hưởng không nhỏ bởi khung cảnh phát triển hùng vĩ nhìn thấy ở… Hong Kong.

“Nếu xét về phương diện thiết kế, làm một cây cầu bắc qua cửa sông là phương án vô cùng phức tạp vì vấn đề kỹ thuật lẫn điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Thành ra trên thế giới chọn giải pháp làm hầm nhiều hơn. Nhưng làm cầu thì cảnh quan lại tuyệt đẹp như hiện nay, từ cây cầu có thể nhìn được tổng quan thành phố” – ông Dân nói.

Đến bây giờ, Đà Nẵng đã trở thành một trung tâm du lịch lớn của cả khu vực. Rất nhiều du khách đã chọn cây cầu có độ tĩnh không cao nhất Đà Nẵng để quan sát toàn cảnh về thành phố và cửa biển sông Hàn, ông Dân càng thêm khâm phục tầm nhìn mang đậm dấu ấn cảnh quan của ông Nguyễn Bá Thanh.

Nhưng một khi đã chọn phương án dây võng “đường cao gió mạnh”, những thách thức về khí động học tác động lên mặt cầu phải được tính toán kỹ lưỡng nhằm hạn chế tối đa tác động của gió ngang.

Để cho ra được những dầm hộp thép nhịp chính, đơn vị thiết kế phải sang tận Trung Quốc làm thí nghiệm ổn định động lực học trên mô hình tỉ lệ 1/10 nhằm tìm ra hệ số tính ổn định gió.

Những nhịp cầu phát triển Đà Nẵng - Kỳ 3: Cầu Thuận Phước và kỷ lục ở cửa sông Hàn - Ảnh 3.

Người dân đứng trên cầu Thuận Phước xem cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới
– Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Thử thách thi công làm nên kỷ lục

Với kết cấu cầu dây võng, ngoài hai trụ chính tiếp lực thì toàn bộ trọng lượng được tải trên hai dây cáp dẫn về mố neo. Thi công mố neo (giếng chìm) càng sâu thì hệ số an toàn càng cao.

“Cứ hình dung như đào giếng, anh khoét đất bỏ bi xuống. Tưởng đất mềm nhưng khi làm lại rất cứng nên bi không xuống sâu được thì cầu không thể an toàn. Lúc đấy đã phải cầu cứu “máy cắt” chính là những máy phun nước áp lực cực mạnh, đưa qua là đứt mới đảm bảo thi công đúng như thiết kế” – ông Bùi Hồng Trung, phó giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, nhớ lại.

Để hình dung thử thách thi công cầu Thuận Phước có thể lấy thông số chiều dài cầu treo dây võng hơn 650m so với chiều dài chừng 100-200m của những chiếc cầu dây võng đã có trong nước thời điểm ấy (chủ yếu cho cầu bắc qua những dòng suối vùng núi cao).

Với tổng trọng lượng dây treo nặng hơn 1.500 tấn được đưa lên hai trụ tháp cao gần 100m, ông Huỳnh Trung Nhân (Công ty CP tư vấn xây dựng 533, đơn vị tư vấn thiết kế) cho biết trước khi thi công hạng mục này, một “đường công vụ” trên không dạng thang dây đã được hình thành để công nhân đi lại.

Cứ thế trên con đường giữa không trung này, từng sợ cáp nhỏ dài hơn 800m lần lượt được công nhân kéo lên neo tạm vào mố neo. Sau khi cân chỉnh lực từng sợi bằng nhau mới bó lại thành những bó cáp lớn.

Cứ thế lần lượt hai sợi cáp trụ chính trọng lượng hơn 1.000 tấn được nối liền.

Thành ra ngoài kiến trúc mới lạ và hiện đại, nếu mang đi xác lập kỷ lục Việt Nam thì cầu Thuận Phước không những đạt kỷ lục về thông số mà còn đạt kỹ thuật thi công mới lúc bấy giờ. Chẳng hạn như được xác lập đường kính cọc khoan nhồi, kích thước giếng chìm, cáp treo…

Ông Bùi Hồng Trung cho rằng chỉ riêng cọc khoan nhồi cầu Thuận Phước có đường kính 2,5m đã là một kỷ lục bởi thời điểm ấy máy móc thi công trong nước không có, phải đi mượn thiết bị từ các nước về.

Kích thước lớn chưa từng có tiền lệ nên Đà Nẵng phải làm việc lại với Bộ Xây dựng xây dựng một khung định mức mới để tính công, đơn giá. Khối lượng công việc khổng lồ mà đụng đâu cũng thấy mới.

Đến những kỹ sư nước ngoài đến đây làm việc cũng khẳng định đây là công trình để đời của họ với những phức tạp trong quá trình thi công.

“Quá nhiều điều mới mẻ trong việc xây cầu nên lúc đó lãnh đạo thành phố biệt phái luôn một cán bộ văn phòng ủy ban qua đây ngồi để kịp thời lo thủ tục hồ sơ, pháp lý, giải quyết các vấn đề kỹ thuật và làm đầu mối phối hợp các đơn vị tư vấn thiết kế, thẩm tra thiết kế, thi công rồi ban quản lý dự án để khỏi tốn thời gian” – ông Trung nhớ lại.

Những nhịp cầu phát triển Đà Nẵng - Kỳ 3: Cầu Thuận Phước và kỷ lục ở cửa sông Hàn - Ảnh 4.

Thi công đường dây cáp cầu Thuận Phước – Ảnh: Sở GTVT cung cấp

Cánh chim vươn ra biển lớn

Cầu Thuận Phước dài 1.850m là cây cầu treo dây võng dài nhất nước nối hai bờ vịnh Đà Nẵng. Cầu có trụ tháp cao 92m, cách nhau 405m, tĩnh không thông thuyền 27m.

Cầu rộng 18m với bốn làn xe cho ôtô và xe máy, hai lối dành cho người đi bộ và xe thô sơ, được thiết kế ánh sáng với hình tượng cánh chim vươn ra biển lớn.

Cầu khởi công tháng 1-2003 và khánh thành tháng 7-2009.

Kỳ tới: Bí mật của Rồng

TRƯỜNG TRUNG

Tin liên quan