NHIỆM VỤ THIẾT KẾ CUỘC THI TUYỂN PHƯƠNG ÁN CẢI TẠO, NÂNG CẤP CƠ SỞ 42 BẠCH ĐẰNG ĐỂ LÀM BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG

1. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế áp dụng:

+ Tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
– Quy chuẩn QCXDVN 01:2008/BXD về quy hoạch xây dựng.
– Quy chuẩn QCXDVN 10:2014/BXD về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng.
– Quy chuẩn QCVN 08:2009/BXD về công trình ngầm đô thị.
– Quy chuẩn QCVN 06:2010/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình
– Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4319:2012 về nhà và công trình công cộng
+ Nguyên tắc cơ bản thiết kế
– Tiêu chuẩn thiết kế nước ngoài (nếu có) (tiêu chuẩn áp dụng cần đảm bảo sự đồng bộ, tuân thủ quy định áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn sây dựng trong hoạt động xây dựng theo thông tư số 10/2010/TT-BXD ngày 15/10/2010 của Bộ xây dựng)

2. Yêu cầu thiết kế
2.1. Vị trí, đặc điểm khu đất, hiện trạng công trình tham khảo để xây dựng phương án.
a) Vị trí, đặc điểm khu đất:
– Địa điểm: Số 42 – 44 đường Bạch Đằng và số 31 đường Trần Phú thuộc quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

– Ranh giới phạm vi nghiên cứu (có bản vẽ kèm theo): Không gian và cơ sở vật chất từ địa chỉ số 42-44 đường Bạch Đằng và số 31 đường Trần Phú. Mở rộng kết nối về không gian và cơ sở vật chất của Thư viện tổng hợp, quảng trường khu vực Thành Điện Hải và cảnh quan bờ Tây sông Hàn.

– Đặc điểm khu đất số 42-44 Bạch Đằng và số 31 Trần Phú:
+ Diện tích khu đất: 8.686 m2
+ Phía Bắc: Giáp đường Quang Trung
+ Phía Nam: Giáp Thư viện tổng hợp
+ Phía Tây: Giáp đường Trần Phú
+ Phía Đông: Giáp đường Bạch Đằng
b) Hiện trạng công trình:
– Hiện trạng Bảo tàng Đà Nẵng chuẩn bị di dời tại vị trí thành Điện Hải gồm khối nhà 3 tầng có tổng diện tích sàn xây dựng 3.584m2, trong đó: tầng 1: 1.224m2; tầng 2: 1.224m2; tầng 3: 1.136m2.
– Hiện trạng Trụ sở 42 Bạch Đằng: Gồm tòa nhà 03 tầng được xây dựng hơn 100 năm với tổng diện tích sàn xây dựng 2.421 m2 (có bản vẽ kèm theo).
– Hội trường Hội đồng nhân dân: Gồm tòa nhà 01 tầng có diện tích xây dựng 1.086m2 (có bản vẽ kèm theo).
– Khối nhà 2 tầng mới xây với tổng diện tích sàn xây dựng 916m2 (có bản vẽ kèm theo).
– Hiện trạng tòa nhà số 44 Bạch Đằng: Gồm tòa nhà 03 tầng được xây dựng hơn 100 năm với tổng diện tích sàn 1.250 m2 (có bản vẽ kèm theo).
– Sân vườn nội bộ, tường rào cổng ngõ.
– Hiện trạng Tòa nhà số 31 Trần Phú: Gồm tòa nhà 04 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng 2.360m2 (có bản vẽ kèm theo).
– Hiện trạng Thư viện tổng hợp (có bản vẽ kèm theo).
2.2. Yêu cầu thiết kế:
– Nghiên cứu phương án cải tạo, nâng cấp khu vực 42-44 Bạch Đằng thành Bảo tàng Đà Nẵng đảm bảo bảo tàng có quy mô lớn, vừa mang giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc vừa mang tính hiện đại tương xứng với tầm vóc của một đô thị lớn, một trung tâm kinh tế của miền Trung.
– Ranh giới nghiên cứu tổng thể phương án cải tạo, nâng cấp Bảo tàng trên phạm vi trụ sở số 42-44 Bạch Đằng và số 31 Trần Phú, có tính đến phương án phân kỳ giai đoạn đầu tư cho phù hợp.
3. Các yêu cầu cụ thể của phương án:
3.1. Giải pháp quy hoạch:
Nghiên cứu tổng thể phương án tại khu vực số 42-44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú  đảm bảo khớp nối với quy hoạch chung của khu vực và đặc biệt khớp nối với ý tưởng quy hoạch Quảng trường xung quanh khu vực thành Điện Hải, thư viện Đà Nẵng  và quy hoạch cảnh quan bờ Tây sông Hàn (có bản vẽ kèm theo).
Trong đó lưu ý có giải pháp đậu đỗ xe và dừng đón trả cho khách tham quan bảo tàng, cho cán bộ nhân viên bảo tàng.
3.2. Giải pháp kiến trúc:
Nghiên cứu tổng thể phương án tại khu vực số 42-44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú tạo thành quần thể kiến trúc – cảnh quan công trình, đảm bảo công năng sử dụng hài hòa, đảm bảo sự liên kết giữa các công trình hiện trạng và công trình bổ sung mới, trong đó cần đặc biệt lưu ý việc giữ lại bảo tồn 02 công trình (tòa nhà số 42 và số 44 Bạch Đằng) đã được xây dựng hơn 100 năm là công trình có chứng tích qua nhiều thời kỳ lịch sử của thành phố.
Hình thức kiến trúc công trình dự kiến xây mới đảm bảo sự hài hòa với các công trình hiện trạng cần bảo tồn, với các công trình xung quanh, đảm bảo sự thống nhất về hình thức và công năng, đảm bảo tính hiện đại phù hợp với xu hướng phát triển của một thành phố năng động.
Giải pháp thiết kế công năng cần đảm bảo nhu cầu sử dụng hiện tại (từ cơ sở vật chất và con người của bảo tàng cũ chuyển sang) và dự báo nhu cầu phát triển trong tương lai.
a) Giải pháp bố trí công năng:
* Hệ thống các phòng làm việc: bao gồm các phòng
+ Phòng cho Lãnh đạo gồm : 01 phòng Giám đốc; 02 phòng Phó Giám đốc
+ Phòng Giáo dục – Truyền thông (07 người)
+ Phòng Sưu tầm – Trưng bày và Bảo quản (10 người)
+ Phòng Quản lý Di sản văn hóa (06 người)
+ Phòng Tổ chức – Hành chính  (15 người chia làm 5 phòng nhỏ) gồm : Tổ chức – Hành chính; Kế toán – Tài vụ; Kỹ thuật – Công nghệ; Phòng tạp vụ; Phòng bảo vệ.
* Hệ thống kho bảo quản hiện vật: gồm 05 phòng, kho
– Kho số 1: Hiện vật chất liệu kim loại.
– Kho số 2: Hiện vật chất liệu mộc, nhựa.
– Kho số 3: Hiện vật chất liệu Giấy, đồ dệt, gốm sứ.
– Kho số 4: Hiện vật chất liệu sành, đất nung, khảo cổ học.
– Phòng xử lý bảo quản và phục chế hiện vật.
* Các phòng chức năng bảo tàng: bao gồm các phòng
+ Phòng Khám phá: Phục vụ cho việc tổ chức các chương trình giáo dục cho trẻ em, học sinh tại Bảo tàng. Giúp trẻ em, học sinh có thể thực hiện các hoạt động trải nghiệm, khám phá tại Bảo tàng. Đây cũng là một môi trường tốt để cán bộ Bảo tàng nghiên cứu, tìm hiểu tâm lý cũng như nhu cầu của đối tượng khách là trẻ em, từ đó giúp Bảo tàng có được những chiến lược phát triển hoạt động giáo dục một cách hợp lý và hiệu quả.
+ Phòng Chiếu phim: Phục vụ cho việc chiếu phim tư liệu phục vụ cho học sinh, sinh viên và khách tham quan Bảo tàng.
+ Phòng Hội thảo: Sức chứa khoảng 100 người, dùng để phục vụ cho việc tổ chức các buổi Hội thảo, Tọa đàm về công tác chuyên môn của Bảo tàng
+ Phòng Họp: Dùng phục vụ cho các cuộc họp giao ban của Bảo tàng; các cuộc họp với các tổ chức, đơn vị và cá nhân đến làm việc với Bảo tàng
+ Phòng Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng (trạm vệ tinh): Phục vụ cho công tác dựng phim tư liệu về di sản; phục vụ việc tra cứu dữ liệu về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho công chúng có nhu cầu.
+ Kho lưu trữ hồ sơ, tài liệu Bảo tàng: Phục vụ cho công tác lưu trữ hồ sơ công việc và tài liệu văn phòng của Bảo tàng từ khi thành lập đến nay.
+ Thư viện Bảo tàng: Lưu trữ sách, tài liệu chuyên môn phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học tại Bảo tàng.
+ Phòng đón tiếp các đoàn và ký gửi hành lý dành cho khách tham quan
+ Khu vực khai thác các dịch vụ: Nhà hàng; cafe giải khát, mua sắm hàng lưu niệm…
b) Giải pháp phân kỳ đầu tư:
Nghiên cứu tổng thể phương án tại khu vực số 42-44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú cần lưu ý phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn đầu tư cho phù hợp, trong mỗi giai đoạn đầu tư yêu cầu phải đảm bảo công năng hoạt động của bảo tàng.
– Giai đoạn 1 (Phạm vi ranh giới tại địa chỉ số 42 Bạch Đằng):
+ Giữ nguyên tòa nhà 03 tầng được xây dựng hơn 100 năm để cải tạo không gian công năng bên trong, cải tạo hệ thống kỹ thuật công trình.
+ Giữ nguyên khối hội trường 01 tầng mới xây dựng để họp Hội đồng nhân dân thường kỳ có thể kết hợp với các chức năng khác của Bảo tàng.
+ Cải tạo khối nhà ngang 02 tầng làm chức năng khu hành chính hoặc phụ trợ của bảo tàng.
+ Cải tạo sân nội bộ: Tổ chức lại giao thông kết hợp cây xanh, cảnh quan, có thể bố trí thêm tầng hầm để xe và kết hợp làm kho hiện trạng hoặc trưng bày trong tương lai.
+ Tháo dỡ toàn bộ tường rào xung quanh các cơ sở này để tạo không gian thông thoáng, gần gũi, phục vụ công cộng và kết nối với cảnh quan của khu vực thành Điện Hải, cảnh quan bờ sông Hàn.
– Giai đoạn 2 (Mở rộng phạm vi ranh giới ra thêm số 44 Bạch Đằng và số 31 Trần Phú:
+ Cải tạo tòa nhà số 31 Trần Phú để bố trí các chức năng phụ trợ của Bảo tàng.
+ Có giải pháp đối với khối nhà ngang 2 tầng ở  số 42 và 44 Bạch Đằng (giữ lại hoặc tháo dỡ để lấy chỗ xây dựng công trình mới).
+ Tổ chức giao thông kết nối các công trình số 42 và 44 Bạch Đằng, số 31 Trần Phú, Thư viện Tổng hợp, Thành Điện Hải và bờ Tây sông Hàn thành trục văn hóa lịch sử.
3.3. Các nội dung trưng bày của phương án (theo đề cương trưng bày tổng quát):
3.3.1. Cơ sở thực tiễn của việc di dời xây dựng trưng bày lại Bảo tàng Đà Nẵng ở địa điểm mới 42-44 Bạch Đằng:
– Hiện Bảo tàng Đà Nẵng đang trưng bày, lưu giữ và bảo quản trên 27.000 tài liệu hiện vật thuộc các bộ sưu tập:
+ Thiên nhiên, lịch sử và văn hoá Đà Nẵng từ thời tiền sử đến đương đại.
+ Văn hoá khảo cổ học thời tiền – sơ sử.
+ Đồ gốm, đồ chạm khắc gỗ Việt Nam qua các thời đại.
+ Lịch sử đấu tranh cách mạng.
+ Văn hoá các dân tộc ở Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.
+ Văn hóa phi vật thể Đà Nẵng (làng nghề truyền thống; lễ hội dân gian; nghệ thuật tuồng; nghệ thuật hô hát bài chòi …).
+ Sưu tập hiện vật văn hóa Biển Đà Nẵng
+ Chứng tích tội ác chiến tranh của Mỹ ở Đà Nẵng và các vùng phụ cận…
–  Bảo tàng Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để tổ chức tiến hành sưu tầm hiện vật bổ sung cho trưng bày mới.
– Kế thừa nội dung trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng tại Thành Điện Hải
– Vị trí, kiến trúc, cảnh quan của Bảo tàng Đà Nẵng ở địa điểm 42&44 Bạch Đằng có giá trị lịch sử kiến trúc đô thị.
3.3.2. Mục đích, yêu cầu xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng ở địa điểm mới:
– Bảo tàng Đà Nẵng là nơi lưu giữ, trưng bày và giới thiệu rộng rãi cho công chúng trong nước và quốc tế các di sản văn hoá vật chất và tinh thần về truyền thống lịch sử – văn hoá của quê hương, của các cộng đồng cư dân Đà Nẵng và văn hóa khu vực Miền Trung  và Tây Nguyên.
– Thể hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ của Bảo tàng, theo quan điểm bảo tàng học hiện đại, nhằm phục vụ đông đảo nhân dân địa phương, đồng bào trong nước và du khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu, học tập, nghiên cứu về lịch sử vùng đất và con người Đà Nẵng.
– Xây dựng nội dung trưng bày Bảo tàng Đà Nẵng ở địa điểm mới phải cập nhật với những nhận thức mới về bảo tàng kể cả nội dung khoa học và trình độ công nghệ. Đảm bảo tầm nhìn phát triển 2030 – 2050.
– Nội dung và hình thức trưng bày của bảo tàng đảm bảo tính khoa học, hiện đại, hấp dẫn, tương xứng với tầm vóc của một bảo tàng được xây dựng ở đầu thế kỷ XXI, cách mạng công nghiệp 4.0, tại một đô thị lớn, một trung tâm kinh tế của miền Trung, một cửa ngõ giao thương quan trọng của đất nước.
– Bảo tàng Đà Nẵng phải thực sự là một trung tâm văn hóa, giáo dục, vui chơi giải trí, nằm trong quy hoạch tổng thể khu quảng trường văn hóa, lịch sử ven sông Hàn trong đó Thành Điện Hải là trung tâm.  Đồng thời là một trung tâm du lịch hấp dẫn của Thành phố và khu vực miền Trung.
3.3.3. Nội dung trưng bày Bảo tàng Đà Nẵng ở địa điểm mới:
– Trên cơ sở các sưu tập hiện vật bảo tàng, giới thiệu tổng quát lịch sử hình thành và phát triển của Đà Nẵng từ khởi thuỷ đến hiện tại: Thiên nhiên, con người, văn hóa,  địa lý hành chính, dấu tích của cư dân cổ trên vùng đất Đà Nẵng thời tiền – sơ sử; kinh tế – văn hoá – chính trị – xã hội, lao động và sinh hoạt đời thường của cộng đồng cư dân Đà Nẵng trong tiến trình lịch sử từ thế kỷ XV trở lại đây. Thông qua nội dung trưng bày của Bảo tàng, làm nổi bật những biểu hiện cụ thể, sinh động về truyền thống lịch sử, văn hoá lâu đời của Đà Nẵng, đặc biệt là những nội dung lịch sử, văn hóa làm nên đặc trưng, bản sắc văn hóa của Đà Nẵng và khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
– Tiến trình phát triển lịch sử Đà Nẵng, con người Đà Nẵng, văn hoá Đà Nẵng cần đặt trong mối tương quan với  khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.
– Chú ý những điểm nổi bật trong lịch sử phát triển xã hội ở Đà Nẵng như: Đi đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược vào giữa thế kỷ XIX; cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ và anh dũng của quân và dân Đà Nẵng; tổ chức Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng; Đà Nẵng là nơi đổ bộ đầu tiên của quân viễn chinh Mỹ, một căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất miền Nam Việt Nam của đế quốc Mỹ, quá trình tiến hành chiến tranh xâm lược của Mỹ và những chứng tích chiến tranh của Mỹ ở Đà Nẵng và các vùng phụ cận; những thành tựu kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương trong 30 năm đổi mới, đặc biệt từ khi Thành phố Đà Nẵng là một đơn vị hành chính độc lập trực thuộc Trung ương.     Nhấn mạnh trưng bày lịch sử phát triển đô thị Đà Nẵng từ lịch sử đến nay.
– Tập trung giới thiệu những đặc điểm địa lý và lịch sử, văn hóa của Đà Nẵng như: Là một cảng biển và đô thị cảng biển lớn nằm ở trung độ đất nước, có vị trí trọng yếu về kinh tế, quân sự; cương vực địa lý hành chính ít ổn định, có nhiều biến động trong lịch sử, là một đơn vị hành chính độc lập muộn, tuy là đất gốc thuộc Vương quốc cổ Chămpa nhưng cư dân bản địa cư trú lâu đời ít, đa phần đến ngụ cư trong khoảng 100 năm trở lại đây…
– Thể hiện cụ thể, sinh động đời sống kinh tế và sinh hoạt đời thường của các tầng lớp cư dân Đà Nẵng trong các thời kỳ lịch sử; văn hoá của cộng đồng các cư dân và các dân tộc cộng cư và cận cư của Đà Nẵng.
– Tôn vinh những nhân vật lịch sử, các nhà hoạt động chính trị, quân sự, văn hoá, nghệ thuật, khoa học nổi tiếng, có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của địa phương trong các thời kỳ lịch sử; các nhân vật nổi tiếng người Đà Nẵng có đóng góp/ảnh hưởng quan trọng đối với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.
– Mở rộng trưng bày giới thiệu văn hóa các dân tộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
– Mở rộng trưng bày văn hóa biển Việt Nam lấy văn hóa biển miền Trung làm trọng tâm.
3.3.4. Yêu cầu các giải pháp trưng bày ở địa điểm mới:
– Trưng bày phải mang tính hiện đại, nhưng vẫn kế thừa và nâng cao các nội dung, yếu tố trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng tại Thành Điện Hải.
– Trưng bày mới phải lấy sưu tập hiện vật và các nhóm hiện vật làm trung tâm, thể hiện nội dung tư tưởng rõ ràng, mạch lạc.
– Sử dụng các công nghệ mới trong trưng bày (công nghệ số, 3D, đa phương tiện…)  đảm bảo hình thức trưng bày, hiện đại, nhưng sinh động và hấp dẫn, sử dụng hợp lý sự hỗ trợ tích cực của các thiết bị nghe nhìn hiện đại, các tác phẩm mỹ thuật và các phương tiện kỹ thuật tiên tiến khác.
– Tái tạo một số cảnh tượng lịch sử, sinh hoạt đời sống thực để thể hiện các điểm nhấn của nội dung và tạo sự hấp dẫn của Bảo tàng Đà Nẵng.
– Tạo được các nét riêng trong phong cách trưng bày.
3.3.5. Nội dung trưng bày: gồm 04 khu vực
– Trưng bày thường xuyên (trong nhà Bảo tàng)
– Trưng bày chuyên đề (trong nhà Bảo tàng)
– Trưng bày chuyên đề ngắn hạn (trong nhà)
– Trưng bày ngoài trời
Căn cứ vào thực tế diện tích, không gian cảnh quan và các công trình kiến trúc tại trụ sở 42&44 Bạch Đằng, hiện trạng nội dung, hệ thống trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng tại địa điểm Thành Điện Hải, các sưu tập hiện vật hiện có hoặc sẽ sưu tầm bổ sung được của Bảo tàng trong giai đoạn hiện nay, nội dung trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng khi được chuyển đến địa điểm mới sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng phát triển của bảo tàng hiện đại  và phù hợp với công năng của các tầng tòa nhà. Cụ thể như sau:
a) Trưng bày thường xuyên: Gồm 4 phần với diện tích trưng bày
* Phần 1 – DẪN NHẬP      
Mở đầu cho hệ thống trưng bày thường xuyên của nhà Bảo tàng Đà Nẵng là gian khánh tiết, chủ đề trưng bày bao gồm: Giới thiệu tổng quan về nội dung trưng bày, giới thiệu tổng quan về Đà Nẵng trong bối cảnh miền Trung và cả nước từ quá khứ đến hiện tại, bản đồ Đà Nẵng, sơ đồ tham quan bảo tàng, quầy thông tin.
* Phần 2 – LỊCH SỬ THIÊN NHIÊN VÀ CON NGƯỜI ĐÀ NẴNG
– Thiên nhiên: Giới thiệu những cảnh quan văn hóa tiêu biểu của Đà Nẵng. Địa hình đồng bằng trung du, vùng núi, sông biển, hải đảo. Khí hậu – thủy văn. Địa chất – khoáng sản. Hệ sinh thái rừng biển. Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh.
– Những cư dân đầu tiên: Sưu tập hiện vật khảo cổ học tiền sử, sơ sử dấu vết của con người tại Đà Nẵng.
– Bức tranh cư dân thời hiện đại: Quá trình tụ cư của các dân tộc tại Đà Nẵng hình thành diện mạo cư dân Đà Nẵng hiện tại.
* Phần 3 – LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ ĐÀ NẴNG
– Chính quyền các thời kỳ: Phong kiến; Thuộc Pháp; Dưới thời Việt Nam Cộng hòa; Đà Nẵng sau năm 1975.
+ Tổ chức hành chính và bộ máy cai trị của Pháp ở Tourane, quá trình hình thành và phát triển đô thị hoá Đà Nẵng truớc năm 1945, sự thống trị của Pháp, sự cùng khổ của những người Lao động, sự tiếp biến văn hoá Việt – Pháp trong đời sống cư dân Đà Nẵng.
+ Quá trình hình thành và phát triển đô thị hoá Đà Nẵng 1945 – 1975, sự tiếp biến văn hoá Việt – Mỹ trong đời sống cư dân Đà Nẵng.
+ Đà Nẵng trong 10 năm sau ngày giải phóng, Đà Nẵng trong 30 năm đổi mới đất nước.
– Kiến trúc và quy hoạch phát triển Đà Nẵng: Kiến trúc Đà Nẵng; Mạng lưới giao thông; Công nghiệp Đà Nẵng; Thương mại dịch vụ; Báo chí – Truyền thông; Đà Nẵng quy hoạch phát triển tương lai.
– Lịch sử xã hội Đà Nẵng.
+ Đà Nẵng mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược: Trận chiến năm 1847; Trận chiến những năm 1858 – 1960.
+ Đà Nẵng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc: Thời kỳ các hoạt động phong trào Nghĩa hội và Duy Tân; Các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX; Các cuộc đấu tranh của công nhân; Tổ chức cơ sở Đảng cộng sản đầu tiên ở Đà Nẵng. Thị ủy Đà Nẵng và Đảng bộ Quảng Nam trong những năm 1930 – 1945; Các cuộc đấu tranh của nhân dân Đà Nẵng dưới sự lãnh đạo của Đảng từ 1930 – 1945; Cách mạng tháng 8/1945 và thành lập chính quyền cách mạng thành phố Đà Nẵng.
+ Đà Nẵng trong 30 năm kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc và thống  nhất tổ quốc: Hệ thống chính trị, sức mạnh quân sự và sự kìm kẹp, đàn áp của Pháp – Mỹ; Củng cố và xây dựng chính quyền cách mạng; Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; Kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
– Đà Nẵng thành phố anh hùng: Chủ đề khái quát 117 năm chống ngoại xâm của nhân dân Đà Nẵng (1858- 1975) và quá trình xây dựng và phát triển của thành phố trong hoà bình; Giới thiệu những sự kiện và nhân vật lịch sử tiêu biểu; Giới thiệu các tập thể và cá nhân Anh hùng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và trong xây dựng.
  * Phần 4 – Văn hóa:
 – Văn hóa các dân tộc:
+ Văn hóa các dân tộc thiểu số ở miền Quảng Nam – Đà Nẵng và khu vực miền Trung và Tây Nguyên
+ Trưng bày theo dạng tổ hợp mỗi nhóm dân tộc, nêu bật những đặc điểm riêng của mỗi dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Nam và Đà Nẵng nhằm thể hiện rõ những đặc điểm về đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc Cơ Tu, Xơ Đăng, Gié – Triêng, Co…
+ Văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của người Việt.
+ Các không gian: Trang phục; Văn hoá ẩm thực; Âm nhạc; Sinh hoạt văn hoá cộng đồng; Văn hoá sản xuất.
– Văn hóa biển: Biển và quá trình hình thành, phát triển đô thị cảng biển; Sinh thái biển thể hiện tính đa dạng về nguồn tài nguyên biển; Dấu ấn văn hoá biển Đà Nẵng; Lịch sử chủ quyền biển đảo; Tôn giáo tín ngưỡng biển miền Trung; Các kỹ thuật đóng tầu, thuyền và đi biển; Văn hóa ngư dân.
– Văn hóa nông nghiệp: Thời tiền, sơ sử Đà Nẵng trong vùng lịch sử văn hoá xứ Quảng; Trưng bày các sưu tập cổ vật thuộc sở hữu của bảo tàng; Truyền thống nông nghiệp và cư dân bản địa Đà Nẵng; Ngành nghề thủ công truyền thống Đà Nẵng.
– Văn hóa đô thị: Nếp sống đô thị; ăn hóa kinh doanh.
– Nghệ thuật trình diễn: Nghệ thuật dân gian truyền thống gồm: Bài chòi; Tuồng; Nghệ thuật hiện đại; Sân khấu; Ca nhạc.
b) Nội dung trưng bày chuyên đề – Chứng tích chiến tranh của Mỹ và vùng lân cận:
– Âm mưu và quá trình chiến tranh xâm lược của chính quyền Mỹ.
– Những cuộc hành quân càn quét bắn phá của lính Mỹ
– Những cuộc thảm sát, bắn giết, cướp bóc, tra tấn.
– Những cuộc ném bom hủy diệt
– Thế giới ủng hộ chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam
– Hồ sơ chiến tranh Việt nam
– Những hoạt động từ thiện khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam
c) Nội dung trưng bày chuyên đề ngắn hạn:
– Các triển lãm phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa trước mắt của địa phương.
– Giới thiệu các sưu tập hiện vật trong kho chưa trưng bày của bảo tang, hoặc các hiện vật mới sưu tập trong năm hay trong vài ba năm.
– Trưng bày các chuyên đề ngắn ngày, các triễn lãm của các bảo tàng trong và ngoài nước.
– Tổ chức hoạt động văn hóa dân gian, biểu diễn các hình thức hoạt động nghệ thuật truyền thống và trò chơi dân gian theo định kỳ.
– Tổ chức các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc theo định kỳ (có sự tham gia trực tiếp của đồng bào các dân tộc)
d) Nội dung trưng bày ngoài trời:
– Tạo dựng các không gian chơi và học cho các lứa tuổi thanh thiếu nhi.
– Một số hiện vật chiến tranh có hình khối lớn như: máy bay, xe tăng, súng trường, bom đạn…. sử dụng trong kháng chiến.
4. Kỹ thuật công trình.
– Các hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị công trình (điện, thông tin liên lạc, an ninh, thang máy, điều hoà không khí, cấp thoát nước, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường…) đảm bảo đồng bộ, tiên tiến, an toàn cao, phù hợp với tiêu chuẩn quy chuẩn hiện hành.
– Sử dụng kỹ thuật trưng bày hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến.
– Sử dụng công nghệ xây dựng và vật liệu xây dựng phù hợp để giảm giá thành đầu tư.
– Kết cấu hiện đại, an toàn, bền vững, chống động đất, bảo đảm tính khả thi.
– Có giải pháp tiết kiệm năng lượng; chiếu sáng, thông gió tự nhiên; hạn chế tối đa sử dụng điều hòa không khí.
5. Về Kinh tế.
Kinh phí đầu tư xây dựng tiết kiệm phù hợp với điều kiện địa phương, vận hành duy tu phù hợp, tiết kiệm.
6. Các yêu cầu khác.
– Phù hợp với đặc điểm khí hậu, điều kiện tự nhiên của địa phương
– Đáp ứng nhu cầu tâm sinh lý, đặc điểm của vùng miền địa phương
– Có thể đề xuất thêm nội dung khác nhằm đáp ứng cao nhất các yêu cầu sử dụng đối với công trình.
– Có khả năng mở rộng trong tương lai.

Tin liên quan