NGÔI MỘ CỔ CỦA MỘT KẺ SĨ Ở ẨN

Trong đợt khảo sát các di tích mộ cổ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tháng 10 năm 2021, Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với dòng họ Mạc xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng tiến hành khảo sát và nghiên cứu về ngôi mộ cổ bằng hợp chất với dòng văn bia có ghi “Bình hương xử sĩ Mạc công mộ” (nghĩa là: mộ của người họ Mạc là kẻ sĩ ở ẩn). Đây là ngôi mộ có giá trị về lịch sử, văn hóa gắn liền với dòng họ Mạc vùng Quảng Nam – Đà Nẵng và những giai thoại về một kẻ sĩ ở ẩn có công giúp vua Gia Long.

1. Cấu trúc ngôi mộ

Mộ xây bằng hợp chất, thành phần chủ yếu là hợp chất vôi, mật, vỏ nhuyễn thể, cát, sỏi nhỏ, đầu quay về hướng Bắc có tọa độ 15°59’49.1″N, 108°04’39.4″E thuộc làng Hội Vực, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, cách Trung tâm Hành chính Đà Nẵng khoảng 25 km về hướng Tây – Nam.

Bản vẽ Mặt bằng chi tiết ngôi mộ. (Nguồn: BTĐN)

Bản vẽ Mặt cắt của ngôi mộ. (Nguồn: BTĐN) 

Ảnh Ngôi mộ. (Nguồn: PCH)

Ảnh Bia mộ. (Nguồn: PCH)

Mộ tọa lạc trên một đồi cao ở làng Hội Vực, nhân dân gọi là gò Bàu Cau.

Nhìn tổng thể, mộ bao gồm các thành phần chính:

Tường thành (thành ngoài) hình chữ nhật là bờ bao chạy quanh bên ngoài ngôi mộ là giới hạn địa phận mộ với không gian bên ngoài.

Vòng thành (thành trong) hình vòng cung được đắp liếp tròn nằm phía trong tường thành bao quanh nấm mộ.

Nấm mộ đắp nổi dạng hình bán noãn (hình trứng cắt dọc) phía trên đầu của nấm mộ được đắp cao hơn, thấp và nhỏ dần về phần chân mộ. Bên ngoài có bố trí liếp mộ hình chữ nhật.

Sân bái đình được bố trí ngay phía trước cửa của vòng thành và được che chắn bởi bình phong phía trước. Giới hạn của khu vực sân bái đình cũng được đắp nổi những đoạn tường ngắn; bố trí vuông góc nhau ở phía trong, phía ngoài là một vòng cung úp ngược lại với vòng thành nhưng có độ cao thấp hơn và tạo thành hình bán nguyệt ngay trước nấm mộ. Sân bái đình là nơi để con cháu đến dâng hương và cúng bái.

Đáng chú ý là phía hai đầu của vòng cung bán nguyệt khu vực sân bái đình có đắp nổi hai đầu rồng ẩn bên trong với tư thế vươn hình ra phía trước trông rất uy nghi. Điều này cho thấy chủ nhân ngôi mộ tuy với tước hiệu ẩn sĩ nhưng cũng đầy những hoài vọng hay để ngầm ý nhắc nhở con cháu về ký ức của một dòng tộc vương triều trong quá khứ?

Bình phong có dạng hình chữ nhật được vút bạt hai góc trên nhằm bố trí án giữ phía trước, chính giữa lối vào và được xây lùi vào trong ở khoảng giữa tường thành và trước sân bái đình. Bình phong được đắp đơn giản không có trang trí.

Văn Bia đặt phía trên đầu ngôi mộ và gắn liền với tường thành ngoài nhưng được bố trí nhô cao tạo thành một dạng bình phong hậu che chắn đỉnh đầu của ngôi mộ. Bia bằng đá sa thạch, được trang trí đường diềm với họa tiết hoa lá xung quanh, nội dung văn bia khắc chữ Hán Nôm:

Hàng ngang, đọc từ phải sang trái: (Việt Cố).

Hàng dọc khắc giữa bia, đọc từ trên xuống:   (Bình hương xử sĩ Mạc công mộ).

2. Về chủ nhân và niên đại của ngôi mộ

Năm 1919, trong quá trình điền giã, khảo cứu vùng Bà Nà – Núi Chúa,  Albert Sallet có ghi chép lại một số câu chuyện kể về Nguyễn Phúc Ánh trong thời gian lánh nạn vùng núi phía Nam đèo Hải Vân, trong đó có chép câu chuyện về một người họ Mạc là chủ nhân ngôi mộ “Bình hương xử sĩ Mạc công mộ tại làng Hội Vực: “… Chính khi trú ngụ tại đây, hoàng tử Nguyễn Ánh đã tìm đến một người họ Mạc ở tại làng Hội Vực. Ông họ Mạc này cung cấp trâu bò, lương thực, lúa, nếp cho đoàn quân của hoàng tử. Khi vua Gia Long lên ngôi, nhớ đến công lao của bề tôi trung thành nên muốn ban một chức quan cho ông. Song ông họ Mạc cảm ơn nhà vua và từ chối ân huệ này. Ông muốn sống tại vùng rừng núi này, với cách sống nông thôn. Ông chỉ nhận tước “Bình hương xsĩ”. Khi mất, ngôi mộ của ông được chăm sóc chu đáo nằm trong khu vực Hội Vực, chng khác gì ngôi mộ của các quan chức sắc. Nơi đây được gọi là Bàn Cao. Ngôi mộ có diện tích (8m x 12m) có phiến đá và một tấm bia khắc dòng chữ Cố Việt Bình Hương Xử Sĩ Mạc Công Mộ”.

Theo lời truyền kể của con cháu dòng họ Mạc làng Hội Vực, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng thì vào cuối Thế kỷ XVII, nhà Mạc bị quân nhà Lê – Trịnh truy sát, con cháu hoàng thất và dòng họ phải thay tên đổi họ và di trú khắp nơi, trong đó có Thủy tổ họ Mạc làng Hội Vực di cư từ Bắc Hà vào định cư tại vùng đất Bà Nà – Núi Chúa, phía Nam chân đèo Hải Vân. Trong thời kỳ chiến tranh giữa quân chúa Nguyễn và quân Tây Sơn, khi bị truy lùng, Nguyễn Phúc Ánh có thời kỳ ẩn trú tại vùng đất Bà Nà – Núi Chúa và được ông họ Mạc giúp cung cấp lương thực. Sau khi giành thắng lợi, lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu Gia Long, Nguyễn Phúc Ánh có nhã ý ban chức tước, bổng lộc nhưng ông họ Mạc đã từ chối, chỉ xin nhận tước hiệu “Bình hương xử sĩ”. Sau khi chết, mộ ông được táng tại Bàu Cau xứ, Sơn Động (nay thuộc làng Hội Vực).

Ngày nay, tại nhà thờ tộc Mạc, thôn Hội Phước, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, trên bài vị có ghi dòng chữ Hán – Nôm: 奉 為 先公 莫 族 第 五 世 祖 諱 長 成 之 位. (Phụng vị tiên công Mạc tộc đệ ngũ thế tổ húy Trường Thành chi vị). Trong văn tuế có ghi: “Bình hương xử sĩ Mạc quý công phong tặng linh phò dực bảo trung hưng chi thần”

Và trong Tộc phổ họ Mạc Như (làng Hội Vực) phụng biên năm Kỷ Dậu (?) bằng chữ Hán – Nôm có ghi: 顯 祖 考 平 鄉 處 士 莫 貴 公 諱 長 成 (第 伍 世). (Hiển tổ khảo, Bình hương xử sĩ Mạc quý công, húy Trường Thành (đời thứ năm).

Như vậy, có thể thấy chủ nhân ngôi mộ là ông Mạc Trường Thành (hậu duệ đời thứ năm của gia tộc họ Mạc di cư từ Bắc Hà vào Quảng Nam) có công giúp Nguyễn Phúc Ánh và được phong tước hiệu “Bình hương xử sĩ”, quê làng Hội Vực, tổng Phước Tường, huyện Hòa Vang, Phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng).

Về thời điểm gặp gỡ và giúp đỡ Nguyễn Phúc Ánh của ngài “Bình hương xử sĩ” có thể diễn ra vào giai đoạn khi Tây Sơn khởi nghĩa (1773), Nguyễn Phúc Ánh theo chúa Nguyễn Phúc Thuần rời Thừa Thiên Huế vào Quảng Nam. Mùa Thu nǎm Đinh Dậu (1777) chúa Nguyễn Phúc Thuần tử trận, Nguyễn Phúc Ánh ra đảo Thổ Chu, rồi sau chạy sang ẩn náu nhờ bên đất Xiêm. Sau khi củng cố thế lực lớn mạnh,  trở lại phản công quân Tây Sơn và giành lại ngai vàng (những năm 1792 – 1802).

Về niên đại của ngôi mộ, trên bia có hai chữ: 越 故 (Việt Cố) thường thấy trên bia mộ ở xứ Đàng trong thời các Chúa Nguyễn và muộn nhất là đến thời điểm Vua Gia Long đổi đặt Quốc hiệu Việt Nam (1804). Qua đó, có thể nhận định rằng thời điểm dựng bia rơi vào những năm 1802 – 1804 hoặc muộn nhất là đến hết thời kỳ trị vì của vua Gia Long (1820).

3. Giá trị di tích lịch sử

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng ngôi mộ cổ này có giá trị góp phần trong việc  nghiên cứu về lịch sử và di sản văn hóa của vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng.

Bên cạnh giá trị về di sản văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của ngôi mộ cổ Ngài“Bình hương xử sĩ” còn ý nghĩa rất quan trọng trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử các dòng họ của người Việt và quá trình Nam tiến, khai hoang, lập làng, canh tác nông nghiệp và xác lập chủ quyền lãnh thổ của tiền nhân.

Đây là di tích có giá trị cần sớm được xếp hạng và bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa.

PHAN CÔNG HẢI, LÊ VĂN PHÚC

Tài liệu dẫn:

  1. Huỳnh Phương Bá. Bản dịch (viết tay) bài viết của Alber Sallet (1924), Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH).
  2. Văn Thành Lê (2020), Huyền tích làng hội Vực, https://baodanang.vn/channel/6058/202007/huyen-tich-lang-hoi-vuc-3478879/
  3. Tộc phổ họ Mạc Như đệ Nhất phái, đệ Nhị chi, Bản dịch của Nguyễn Đức Thắng.
  4. Theo lời kể của con cháu họ Mạc làng Hội Vực, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Tin liên quan