Nghĩ từ thành Điện Hải…

Một tin vui đến với người Đà Nẵng dịp cuối năm: Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận thành Điện Hải là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Từ thành Điện Hải, có thể ngẫm nghĩ nhiều điều…

Lịch sử nước ta là lịch sử của một đất nước liên tục kháng chiến chống ngoại xâm để tồn tại và phát triển, nhưng cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp-Tây Ban Nha năm 1858 là cuộc kháng chiến chưa có tiền lệ. Lần đầu tiên nước ta đối đầu với kẻ thù hơn chúng ta một phương thức sản xuất, một cấp độ văn minh (tư bản chủ nghĩa – phong kiến).

Dưới sự lãnh đạo của triều đình nhà Nguyễn, quân dân Đà Nẵng đại diện nhân dân cả nước và cùng nhân dân cả nước mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân phương Tây. Điều rất đáng chú ý, theo phần nhiều các nhà nghiên cứu lịch sử, là từ cuộc va đập dữ dội này tại Đà Nẵng, lịch sử nước ta chuyển từ thời kỳ trung đại sang thời kỳ cận đại!

Trận thắng duy nhất của quân dân ta thời thuộc Pháp

Suốt thời gian thực dân Pháp đem quân xâm lược và chiếm đóng nước ta (1858-1945), nhân dân ta liên tục tổ chức chiến đấu chống giặc ngoại xâm, nhưng hầu hết bị thất bại. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, thực dân Pháp chỉ thất bại một trận duy nhất (ở tầm chiến dịch) là trận Đà Nẵng.

Dưới sự chỉ huy của các danh tướng Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương, quân dân ta đã làm thất bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” nhằm tiến thẳng ra Huế buộc triều đình Huế đầu hàng. Chúng buộc phải rời bỏ Đà Nẵng sau 18 tháng tham chiến (kể từ ngày 1-9-1858), để lại dưới chân núi Sơn Trà một “Tháp hài cốt chứa nghìn thánh giá”, rồi không bao giờ quay trở lại Đà Nẵng bằng giải pháp quân sự.

Thành Điện Hải. Tranh: Hồ Đình Nam Kha
Thành Điện Hải. Tranh: Hồ Đình Nam Kha

Hãy công bằng với một ông vua!

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, một thời gian dài, sử sách nước ta viết về giai đoạn mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1858-1860 chỉ nhấn mạnh sự dũng cảm chiến đấu, hy sinh của nhân dân, nghĩa sĩ, tướng lĩnh, mà không đề cập, hoặc đề cập một cách thiếu công bằng, thiếu khách quan đối với vai trò của triều đình Huế, đứng đầu là vua Tự Đức (như là hèn nhát, nhu nhược, bán nước…).

Gần đây, một số nhà nghiên cứu đặt lại vấn đề và chứng minh rằng, vua Tự Đức với vai trò là Tổng tư lệnh các lực lượng kháng chiến, đã góp phần có tính quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp trên đất Đà Nẵng thời kỳ 1858-1860.

Suốt thời gian dài cầm quyền, Tự Đức có một số sai lầm, nhưng riêng trong cuộc chiến chống ngoại xâm tại Đà Nẵng thì ông có công lớn. Cần có cái nhìn toàn diện, khách quan đối với một ông vua trong lịch sử dân tộc.

Quan hệ giữa bảo tồn và phát triển

Trong nhiều trường hợp, thực hiện được đồng thời hai yêu cầu bảo tồn và phát triển quả không dễ. Một số trường hợp, nếu không dung hòa được, thì buộc phải hy sinh yêu cầu này vì yêu cầu kia. Ví dụ, di tích lịch sử quốc gia Nghĩa trủng Phước Ninh, nơi an táng 1.500 hài cốt đồng bào và nghĩa sĩ hy sinh trong buổi đầu chống Pháp, buộc phải thu hẹp diện tích, chỉ còn đủ để làm nhà bia, lấy đất làm Nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương, rồi sau làm đường Nguyễn Văn Linh. Vì sự phát triển của thành phố thì trường hợp này có thể cảm thông. Nhưng lợi dụng sự phát triển mà xâm phạm, lấn chiếm, hủy hoại di tích quốc gia thành Điện Hải một thời gian dài là việc làm không chấp nhận được. Bởi thành Điện Hải là chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc, là biểu tượng về lòng yêu nước, đức hy sinh của người dân Đà Nẵng.

Điều đáng buồn là không chỉ người Pháp mà cả người Việt, không chỉ trước ngày giải phóng mà cả sau ngày giải phóng, không chỉ trước thời gian công nhận mà cả sau thời gian công nhận di tích quốc gia (1988), không chỉ công trình dân sinh mà cả các công trình lớn của Nhà nước, đều xâm phạm di tích có một không hai này. Phải chăng điều đó thể hiện kiến thức, tầm nhìn, quan điểm đối với văn hóa của một số người có địa vị cao trong xã hội!

Thành Điện Hải trên bưu thiếp  thời Pháp thuộc. (Ảnh tư liệu)
Thành Điện Hải trên bưu thiếp thời Pháp thuộc. (Ảnh tư liệu)

Hướng đến một không gian văn hóa, một địa chỉ du lịch

Thời gian gần đây, với sự thay đổi trong nhận thức của lãnh đạo, với sự tham mưu bền bỉ và quyết liệt của ngành văn hóa, các di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn được quan tâm hơn trong việc quản lý, bảo vệ, giữ gìn và phát huy.

Sau khi quyết định dừng hẳn việc xây dựng Trung tâm lưu trữ ở phía bắc và giải tỏa toàn bộ nhà ở của gần 80 hộ dân ở phía tây, lãnh đạo thành phố quyết định đầu tư dự án bảo tồn, phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị di tích thành Điện Hải. Một quyết định nữa là chuyển Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay ra khỏi thành để trả không gian này cho di sản. Hội thảo về “Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích thành Điện Hải” cũng vừa được tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia tên tuổi nhằm thu nhập ý kiến để thực hiện dự án nói trên. Hy vọng rằng, trong thời gian ngắn nữa, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt thành Điện Hải trở thành điểm đến hấp dẫn, rất hấp dẫn trong việc giáo dục truyền thống, nghiên cứu khoa học và tham quan cho du khách trong nước cũng như quốc tế.

Gần đây, một số nhà nghiên cứu đặt lại vấn đề và chứng minh rằng, vua Tự Đức với vai trò là Tổng tư lệnh các lực lượng kháng chiến, đã góp phần có tính quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp trên đất Đà Nẵng thời kỳ 1858-1860.
Thành Điện Hải là chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc, là biểu tượng về lòng yêu nước, đức hy sinh của người dân Đà Nẵng.

HUỲNH VĂN HÙNG

Tin liên quan