MẶT TRẬN ĐÀ NẴNG TỪ THÁNG 2 ĐẾN THÁNG 4/1859: KHOẢNG TRỐNG CHIẾN SỰ HAY THIẾU SÓT CỦA SÁCH SỬ?

 

THS. NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

Khoa Lịch Sử, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế

Sau 5 tháng tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ở Đà Nẵng (9/1858 – 1/1859) nhưng hoàn toàn bế tắc trước sức chống trả kiên cường của quân và dân Việt Nam quanh khu vực hạ lưu sông Hàn, vùng chiếm đóng của liên quân Pháp – Tây Ban Nha vẫn chỉ bó hẹp trên phạm vi bán đảo Sơn Trà kéo đến thành An Hải phía hữu ngạn cửa sông. Ý đồ tiến hành cuộc chiến tranh “tốc chiến tốc thắng” bước đầu bất thành, lại gặp lúc thời tiết đang mùa mưa lạnh lầy lội, bất tiện cho việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quân sự tại đây, cộng thêm những cám dỗ lớn lao từ lợi ích quân sự, chính trị, kinh tế nếu chiếm được Nam Kỳ, nên Pháp và Tây Ban Nha quyết định chỉ để lại một lực lượng đồn trú vừa phải ở Sơn Trà, còn đại bộ phận kéo vào mở mặt trận thứ hai ở Gia Định nhằm thay đổi cục diện chiến tranh. Đặt vấn đề

Sự điều chỉnh kế hoạch của Pháp – Tây Ban Nha khiến cuộc viễn chinh của họ tại Đà Nẵng thường được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn I (từ tháng 9/1858 đến tháng 1/1859) và giai đoạn II (từ tháng 5/1859 đến tháng 3/1860). Đây là một nhận thức phù hợp với tư duy của đoàn quân viễn chinh, nhưng lại gây ảnh hưởng nhiều đến cách viết sử của phía Việt Nam. Bằng chứng là đại đa số sách sử đều mặc nhiên xem giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4/1859 như một “khoảng trống chiến sự”, không đề cập các trận đánh của quân Nguyễn, thậm chí phê phán triều Nguyễn về mặt chiến lược và chiến thuật, chỉ án binh bất động, phòng ngự thụ động, không biết tranh thủ thời cơ thuận lợi để đẩy mạnh hoạt động phản công nhằm đánh đuổi quân thù ra khỏi Đà Nẵng.

Vậy, giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4/1859 ở mặt trận Đà Nẵng có thực là “khoảng trống chiến sự”, quân Nguyễn có hoàn toàn án binh bất động, lúng túng về tư tưởng chiến lược và chiến thuật, hay đó là do thiếu sót của sách sử Việt Nam?

  1. Nỗ lực quân sự của triều Nguyễn tại Đà Nẵng giai đoạn Pháp – Tây Ban Nha mở thêm mặt trận Gia Định (2/2/1859 – 30/4/1859)

Tư liệu của triều Nguyễn để lại về mặt trận Đà Nẵng từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1859 không nhiều, tuy nhiên, vẫn phản ánh một phần hoạt động tích cực của quân Nguyễn nhằm đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi Đà Nẵng qua những ghi chép chính thức trong bộ Đại Nam Thực lục.

Đặc biệt, cuộc chiến trong giai đoạn này tại Đà Nẵng được lưu dấu khá nhiều trong các văn kiện, hồ sơ, tài liệu chính thức của quân đội, chính phủ Pháp – Tây Ban Nha và công bố của các sĩ quan trực tiếp tham gia chiến dịch xâm lược.

Theo hồ sơ lưu trữ của Bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp, ngày 2/2/1859, Phó Đô đốc Charles Rigault de Genouilly, Tổng Tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp – Tây Ban Nha đem đại quân rời Đà Nẵng vào Nam Kỳ sau khi đã bố trí lực lượng quân đội với quân số thực sự cần thiết có nhiệm vụ tiếp tục bảo vệ khu vực đã chiếm đóng[1]. Các hồ sơ chính thức của chính phủ Pháp cho biết vị trí chỉ huy cao nhất ở Đà Nẵng lúc này do Thuyền trưởng Thoyon đảm nhận, trực tiếp chỉ huy hai pháo hạm Mitraille và Fusée ở lại để phòng ngừa trường hợp xảy ra các vụ tấn công. Thiếu tá thuyền trưởng Faucon nắm quyền chỉ huy các lực lượng hoạt động trên sông Hàn. Trung úy thuyền trưởng Lafont được giao nhiệm vụ phụ tá cho tổng tư lệnh để quản lý các doanh trại ở Sơn Trà. Thuyền trưởng tàu khu trục là Ribourt thì chỉ huy các tiền đồn trên eo đất giữa bán đảo Sơn Trà và đất liền[2]. Ngoài những bộ phận kể trên, tài liệu phía Quân y Hải quân Pháp còn nói rõ có thêm 3 vận hạm Dordogne, Gironde, Catinat tiếp tục hiện diện tại Đà Nẵng trong thời gian này[3].

Về số lượng binh lính cụ thể được chỉ định ở lại mặt trận Đà Nẵng, ngoài số lính hải quân và thủy thủ biên chế trên 5 chiến hạm và vận hạm thả neo trong vịnh, theo công bố của cựu sĩ quan tham chiến Pháp, Đại tá Henri de Ponchalon, lực lượng chiến đấu còn có 3 đại đội thủy quân lục chiến[4]; còn tài liệu phía Pháo binh Hải quân của Đại tá Henri de Poyen cho biết có thêm một phân đội pháo binh, do Tiểu đoàn trưởng Pháo binh Hải quân Adolphe Jean Marchal chỉ huy, lo việc bố trí các chỗ đặt pháo, súng cối để phòng thủ doanh trại[5].

Với cách sắp xếp, bố trí lực lượng ứng phó khá mạnh mẽ đó, Phó Đô đốc Charles Rigault de Genouilly hoàn toàn tin tưởng rằng có thể bảo vệ được các vị trí đã chiếm đóng để chống lại bất kì sự xâm nhập nào của quân Nguyễn, một khi quân Nguyễn được sự “khích lệ” bởi việc nhiều chiến hạm lớn đã rời khỏi Đà Nẵng nên muốn tiến hành một cuộc tổng tấn công[6].

Trong thực tế, quân Việt Nam đã theo dõi rất sát những dịch chuyển đội hình và thay đổi tương quan lực lượng của liên quân Pháp – Tây Ban Nha, vì vậy đã tăng cường nhân lực để mở rộng vành đai các đồn lũy, đào đắp thêm nhiều ụ pháo, công sự, vọng gác áp sát các thành Điện Hải, An Hải và khu vực cửa biển cùng bán đảo Sơn Trà với quyết tâm đánh đuổi quân thù.

Chứng kiến hoạt động ráo riết đó của quân Nguyễn, Bác sĩ quân y Hải quân Pháp Benoist de La Grandière thốt lên rằng: “Người An Nam tiếp tục công việc xây dựng hằng ngày của họ, và những đường chiến tuyến nhích dần tới chỉ cách thành Điện Hải 600 m. Các ụ pháo của họ hướng qua sông Hàn và có thể gây thiệt hại lớn cho đội tàu của chúng tôi, do đó các vị trí của họ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn đối với chúng tôi”[7].

Cũng với cách biểu cảm tương tự, Đại tá Henri de Ponchalon viết: “Tháng 2/1859, trong đợt đưa phần lớn quân số ở Đà Nẵng vào chinh phục Sài Gòn, quân An Nam, với hy vọng không nghi ngờ gì nữa, muốn quét sạch chúng tôi ra khỏi Đà Nẵng, đã tăng gấp đôi hoạt động trong công việc của mình và gần như tiến sát bờ biển”[8].

Phát hiện đại quân của Genouilly rời khỏi Đà Nẵng hôm 2/2/1859 (30 Tết Kỷ Mùi), quân Nguyễn lập tức lên kế hoạch hành động, và đến trưa ngày 6/2/1859, bất chấp vẫn đang mùng 4 Tết âm lịch (Kỷ Mùi), quân Nguyễn quyết tâm đánh phủ đầu vào lực lượng giặc còn đồn trú tại Đà Nẵng. Đây là trận tấn công hoàn toàn do quân Nguyễn chuẩn bị từ trước và thực hiện một cách chủ động, mà những tài liệu chính thức từ phía Pháp đều khẳng định.

Tài liệu của Just Jean Étienne Roy công bố năm 1862 viết: “Trong khi lực lượng viễn chinh tiến quân về phía nam vương quốc để thực hiện một cú đánh mạnh mẽ vào quyền uy của người An Nam, đội quân phụ trách phòng thủ Đà Nẵng của chúng ta bị đẩy lùi vào ngày 6 và 7 tháng 2/1859. Những cuộc tấn công của quân An Nam chắc chắn được khuyến khích bởi việc ra đi của Đô đốc Charles Rigault de Genouilly và một số lượng lớn các tàu chiến”[9].

Bác sĩ quân y Benoist de La Grandière nhận xét: “Thấy rằng hầu hết các tàu lớn của hạm đội đã rời Đà Nẵng, họ chọn đúng thời điểm để tấn công, và ngày 6 tháng 2 năm 1859, họ khai hỏa ở tất cả các ụ pháo vào đoàn thuyền và vào thành An Hải. Đường đạn của họ đã trở nên ổn định hơn, và nhiều quả đạn của họ nhắm đến những thuyền nhỏ có cắm cờ chỉ huy, hoặc rơi vào trong thành An Hải”[10].

Chi tiết hơn, Đại tá Henri de Ponchalon nói: “Vào ngày 6/2/1859 (mồng 4 tết Kỷ Mùi), để mừng năm mới, người An Nam đã thực hiện đợt tấn công đầu tiên. Buổi trưa, vào giờ ăn, tận dụng các thuyền chiến đấu tập trung quanh vị trí con thuyền nhỏ của Thiếu tá Faucon, chỉ huy các tiền đồn trên sông Hàn, tất cả các ụ pháo và các pháo đài mới xây dựng của họ đồng loạt khai hỏa. Sau một khoảnh khắc bất ngờ, những thuyền chiến của liên quân đã bắn trả, thành An Hải và một pháo hạm cũng nổ súng. Tiếng đạn pháo cả hai bên nổ liên hồi. Cuối cùng, vào khoảng một giờ chiều, quân An Nam ngưng bắn”[11].

Miêu tả tiếp trận đánh, Bác sĩ quân y Benoist de La Grandière viết: “Các pháo hạm và những thủy thủ trên các thuyền nhỏ đã phản pháo ngay lập tức, và một cuộc đấu pháo đã diễn ra trong hơn hai giờ. Tổng chỉ huy Thoyon được báo cáo về cuộc tấn công không lường trước của người An Nam, liền đẩy nhanh gấp đôi số quân đồn trú ở các tiền đồn và gửi cho đội tàu tuần dương 200 thủy thủ tăng cường. Họ đổ bộ xuống bờ hữu ngạn và trở thành bậc thầy chiến tranh sau một cuộc quyết chiến đẫm máu và tuyệt vọng tại công trình chính của người An Nam, có tên gọi là kho lương thực. Phải mất cả ngày hôm sau để tiêu diệt vị trí này”[12].

Về cuộc phản công của quân Pháp vào chiều 6/2/1859, Đại tá Henri de Ponchalon cho biết: “Thuyền trưởng Thoyon, Tổng chỉ huy ở Đà Nẵng, ngay lập tức gửi các đại đội đổ bộ vào bến cảng, dưới quyền chỉ huy của Thuyền trưởng tàu Catinat là Béranger, với sự hỗ trợ của hạm đội, nhằm tiếp cận các pháo đài An Nam để tiêu diệt. Vào 3 giờ chiều, lực lượng liên quân hùng hậu gồm 400 người đổ bộ lên tả ngạn sông Hàn và tấn công các ụ pháo nằm trên bờ biển và phía sau các kho lương thực cũ. Quân An Nam phản kích mãnh liệt, đại bác của họ không ngừng gầm vang. Vào thời điểm cuộc tấn công diễn ra, những tường thành sáng rực, cháy bùng trong tiếng nổ và bắn ra những quả cầu lửa[13]. Quân xung kích Pháp – Tây Ban Nha cũng bị tưới dầu sôi, nước axit[14], chậu lửa xuống người… Nhưng không có gì ngăn cản được liên quân, ba ụ pháo bị phá hủy, những khẩu đại bác bị đóng đinh vào nòng. Trời đã muộn nên Thuyền trưởng Béranger phải hoãn cuộc tấn công các pháo đài khác sang ngày mai, nơi quân An Nam không ngừng nhả đạn.

Liên quân tịch thu được những súng trường phóng lửa nòng cỡ lớn[15] có trọng lượng cỡ một pound[16], những ống phóng tên lửa[17] và súng phun lửa nòng lớn[18]. Súng hỏa thương gồm một ống tre được gắn ở đầu súng hoặc giáo, và một tên lửa, một thành phần đặc biệt mà người An Nam có bí quyết riêng, gắn vào phần trên của ống tre. Súng này liên tiếp bắn ra ba hoặc bốn tên lửa rất khó dập tắt. Đối với súng hỏa đồng, nó có kích thước lớn và được sử dụng để phun dầu sôi hoặc nước sôi.

Trong cuộc đụng độ, chúng tôi có khoảng 15 người bị thương, 2 người trong số đó bị thương nặng[19].

Không có sự chi tiết như người Pháp, sử quan phía triều Nguyễn trong cuốn biên niên sử Đại Nam Thực lục không nói rõ thế chủ động của quân nhà, mà chỉ ghi chép trận đánh ngày 6/2/1859 ở Đà Nẵng như sau: Thuyền quân của Tây dương vào bãi biển, các Thị vệ Hồ Oai, Cai đội Tôn Thất Thi, Anh danh Nguyễn Nghĩa bắn chìm được 3 chiếc thuyền[20].

Bước sang ngày 7/2/1859, liên quân Pháp/Tây Ban Nha tiếp tục cuộc phản công hòng đẩy lùi quân Nguyễn về vị trí cũ. Đại tá Henri de Ponchalon mô tả: “Vào lúc hừng sáng, liên quân từ những thuyền chiến và thành An Hải khạc đạn vào các pháo đài, công sự còn đứng vững hôm trước; quân An Nam không phản pháo. Liên quân lao lên tấn công và đột nhập vào trong các ụ pháo, nhưng chúng đã bị bỏ rơi trong đêm sau khi lính An Nam đã di chuyển các khẩu đại bác. Sau khi phá hủy các ụ súng, các đại đội đổ bộ quay trở lại bến cảng Đà Nẵng”[21].

Trận đánh ngày 7/2/1859 được Đại Nam Thực lục của triều Nguyễn cho biết cụ thể hơn rằng quân của Tây dương chia nhau tiến vào 3 đồn ở bãi biển, Nguyễn Tri Phương phái Chu Phước Minh cứu 2 đồn Hải Châu Trung, Hải Châu Hạ; Nguyễn Duy chia quân mai phục để chặn đánh. Lính Tây vây đồn Hải Châu Hạ và đánh vỡ đồn, các Hiệp quản là Nguyễn Tình Lương, Lê Văn Khiêm cố sức đánh bị chết trận, quân của Tây dương liền vây 3 đồn, Chu Phước Minh chạy vào đại đồn Phước Ninh cố giữ. Nguyễn Duy đem Phó quản cơ sung Phó vệ úy Phan Gia Vĩnh đến cứu, đánh giết quân khiến Tây dương phải lui, quan quân cũng nhiều người bị thương và chết. Việc ấy đến tai vua. Vua Tự Đức nói rằng: “Quân ta bắn giết được thuyền quân của giặc, đã là đắc thế. Sao không dự phòng trước, đến nỗi lại hỏng việc? Nhưng trận này vừa được, vừa thua, miễn tội cho. Còn thì thưởng thăng cho người có công và tặng cấp cho người chết trận. Phước Minh phải giáng cấp, triệt về”[22].

Không thấy Đại Nam Thực lục nói quân triều Nguyễn tổn thất bao nhiêu sinh mạng, nhưng tài liệu của Just Jean Étienne Roy công bố năm 1862 nói rằng: “Sau nỗ lực của người An Nam để đẩy chúng ta ra khỏi sông Hàn và thành An Hải mà chúng ta chiếm đóng, Thuyền trưởng Faucon, người chỉ huy các thủy thủ và binh sĩ của đội thuyền vũ trang chiến đấu, cùng các đại đội đổ bộ được gửi đến tiếp viện đã phá hủy một số ụ pháo của người An Nam và tiêu diệt hơn 150 người của đối phương”[23].

Đánh giá về các sự kiện này, hồ sơ chính thức của Pháp viết: “Tin tức từ Tourane công bố rằng người An Nam đang chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến tràn đầy sức sống, nếu chúng ta muốn tìm cách tiếp cận kinh đô của vương quốc. Hằng ngày, các báo cáo của các gián điệp và các cuộc do thám theo lệnh của Thuyền trưởng Thoyon báo hiệu họ có sự chuẩn bị đáng kể cho sự kháng cự. Vào ngày 6 và 7/2/1859, quân An Nam được khuyến khích bởi sự ra đi của các tàu viễn chinh, đã cố gắng thực hiện một nỗ lực mới để đẩy chúng ta ra khỏi dòng sông Hàn và các đồn chúng ta đã chiếm đóng ở đó. Hai trường hợp này rất đáng lưu ý đối với quân đội của chúng ta bởi chúng chứng minh rằng người An Nam đã không mất hy vọng trục xuất chúng ta ra khỏi bờ biển của họ.

Thuyền trưởng Faucon đã dũng cảm đẩy lùi cuộc tấn công của họ lên đầu các thủy thủ và binh sĩ của đội thuyền vũ trang chiến đấu, những người đã phải vội vàng nhập vào các đại đội trên bến cảng. Một số ụ pháo quân An Nam đã bị loại bỏ và phá hủy với những thiệt hại đáng kể cho họ”[24].

Sau đợt tấn công trong hai ngày 6 và 7/2/1859, quân Nguyễn vẫn miệt mài tiếp tục công việc xây dựng và củng cố hệ thống đồn lũy, không từ bỏ quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi lãnh thổ. Đại tá Henri de Ponchalon thừa nhận: “Trong thời gian còn lại của tháng 2/1859, người An Nam xây dựng lại các pháo đài đã bị phá hủy trước đó. Rõ ràng là họ không từ bỏ hy vọng đẩy chúng tôi ra khỏi dòng sông Hàn. Người ta phải công nhận sự kiên cường của dân An Nam… Mặc dù thường xuyên bị chúng tôi bắn phá, quân An Nam vẫn xây dựng một pháo đài mới, lần lượt đánh bại các thuyền chiến và thành An Hải. Một chòi canh tương tự như chòi canh của đồn Cẩm Lệ được dựng lên ở pháo đài mới. Trên sông, người ta thấy nhiều thuyền chiến và xuồng chở vật liệu quân sự đi lại. Trong một chuyến trinh sát, chúng tôi bắt giữ được hai thuyền mành cất giấu đạn dược và 35 khẩu đại bác cỡ nòng khác nhau”[25].

Thậm chí, quân Nguyễn còn mạnh dạn tổ chức những chuyến trinh sát thâm nhập sâu để nắm tình hình và phá hoại doanh trại của giặc: “Ngày 2/3/1859, lúc 1 giờ sáng, một đơn vị lính An Nam bò vào con đường dẫn đến thành An Hải, tại lối vào nhà bếp và lều ăn của sĩ quan. Theo nguồn tin đáng tin cậy do những ngư dân cung cấp, các sĩ quan ngồi trong lều ăn bị lính An Nam phóng hỏa, sau khi đã sục sạo tất cả mọi thứ trong nhà bếp, kể cả chiếc rương con đựng quân trang của một chuẩn úy hải quân. Động thái táo bạo này chứng tỏ chúng ta có nhu cầu cần thiết lập một trạm gác đêm ở lối vào con đường kín. Trong đêm mồng 2/3/1859, quân An Nam cũng đốt cháy cột cờ của chòi canh ở thành Điện Hải, nơi liên quân thiết lập một trạm quan sát kể từ ngày tòa thành này trở thành một đống đổ nát”[26].

Nỗ lực tiếp tục chiến đấu của quân Nguyễn được Bác sĩ quân y Benoist de La Grandière đánh giá rất cao: “Từ lúc đó trở đi, người An Nam nản lòng không thử thách bằng những trận đánh mới, nhưng họ không rời bỏ vị trí của mình và bắt đầu lại với một khát vọng mới, với công việc lao động cật lực để xây dựng công sự phòng thủ. Họ đã cố gắng nhiều lần đột kích để chiếm lại vị trí trước sự ngạc nhiên của những người lính của chúng tôi”[27].

Sau chuyến trinh sát bí mật đột nhập khuya ngày 2/3/1859 để nắm bắt tình hình doanh trại và bố trí lực lượng của đối phương nói trên, quân Nguyễn đã tổ chức một cuộc tấn công mới vào liên quân Pháp – Tây Ban Nha ở thành An Hải. Đại tá Henri de Ponchalon viết: “Ngày 6/3/1859, vào 9 giờ 30 tối, liên quân ở thành An Hải bị tấn công. Trên những điểm cao xung quanh thành, quân An Nam bố trí một số lượng lớn các súng cỡ nhỏ, nhiều nhất là súng bằng tre để dễ dàng cơ động từ vị trí này sang vị trí khác. Bộ binh của họ ẩn mình trong những lùm bụi rậm rạp. Thành An Hải, ngoại trừ mặt thành nhìn ra phía bến cảng, đều bị bao quanh bởi một vòng tròn lửa. Pháo binh của chúng ta bắn trả kịch liệt; nhưng người An Nam, để nghi binh, đã đặt trên các ngọn đồi những hình người nộm bằng rơm được chiếu sáng dưới ánh đèn lồng. Lúc 10 giờ tối quân An Nam ngừng bắn. Đến 11 giờ khuya, họ lại tiếp tục cuộc tấn công, bao vây siết chặt hơn thành An Hải, vài nơi trong thành bị bốc lửa ngùn ngụt”[28].

Ở một góc quan sát khác, Bác sĩ quân y Benoist de La Grandière viết rằng: “Vào ngày 6/3/1859, họ đã cố gắng thực hiện cuộc tấn công vào thành An Hải, vào lúc giữa khuya, với khoảng 1.200 người tiếp cận đến sát chân tường thành. Nỗ lực táo bạo của họ là vô ích, song họ đã thành công trong việc đốt cháy một đồn nhỏ bên ngoài các công sự. Họ cũng tấn công nhiều lần vào pháo hạm Fusée đang đậu ở ngoài vịnh, phía tây – bắc thành An Hải. Để làm điều đó, họ dựng lên một ụ pháo mới trên bãi biển, những quả đạn đại bác nhằm tới pháo hạm nhiều lần khi nó hàng đêm phải quay trở lại trú ẩn cạnh thành An Hải và các pháo đài, nơi neo đậu của phần hạm đội tàu còn lại”[29].

“Tối ngày hôm sau (7/3/1859), lại một cuộc tấn công mới, nhưng quân An Nam đứng ở một khoảng cách xa hơn. Liên quân đáp trả bằng những loạt đại bác, rồi mọi thứ trở nên yên lặng. Liên quân cho rằng những cuộc tấn công này nhằm nghi binh để cho phép quân An Nam triển khai hoạt động xây dựng một pháo đài ở bờ trái sông Hàn, mà việc thiết lập sẽ là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với những tiền đồn của chúng ta. Trong hai đêm, một vùng ánh sáng rộng đã được nhìn thấy ở hướng này”[30].

Sau những đợt tấn công, việc tiếp tục xây dựng đồn lũy, công sự mới, đào thêm chiến hào của quân Nguyễn để áp sát thành An Hải và bán đảo Sơn Trà càng gây thêm nhiều áp lực cho liên quân Pháp – Tây Ban Nha đang đồn trú. Đại tá Henri de Ponchalon viết: Từ ngày 8 đến ngày 20/3/1859, quân An Nam tạm ngừng các nỗ lực tấn công chúng ta để lao động cật lực nhằm xây dựng thêm các pháo đài mới được kết nối với nhau bằng các đoạn chiến lũy. Họ cố gắng đẩy vành đai phòng tuyến của họ đến càng gần cửa sông Hàn càng tốt. Nhu cầu tiết kiệm đạn dược để phòng vệ không cho phép chúng ta phá huỷ, hay ít nhất, để gây nguy hiểm nghiêm trọng cho công việc xây dựng của họ. Nhưng một điều chắc chắn rằng chúng ta buộc phải sớm phá vỡ vòng vây đang bao quanh chúng ta ngày càng chặt hơn”[31].

Hồ sơ chính thức của Pháp công bố năm 1861 ghi rằng: “Tại Đà Nẵng, người An Nam tiếp tục những công việc lao động trong thời gian vắng mặt của đại bộ phận lực lượng viễn chinh đang hướng về Sài Gòn. Họ huy động dân chúng, quan lại thực hiện việc đào đắp một khối lượng đất đá khổng lồ và bao vây chúng ta ngày mỗi chặt hơn trong vành đai phòng tuyến của họ; do đó, họ đe dọa nghiêm trọng đến đội thuyền vũ trang chiến đấu của chúng ta đang án ngữ trên sông Hàn và cả thành An Hải. Việc chiếm giữ thành An Hải cùng với khả năng tiếp cận liên tục trên sông Hàn ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của các tiền đồn của chúng ta; bởi với thành An Hải, chúng ta có thể chặn đứng tất cả những kẻ tấn công sẽ xuất hiện trước các công trình phòng thủ của bán đảo Sơn Trà – căn cứ và là trung tâm của sự chiếm đóng của chúng ta ở Đà Nẵng”[32].

Trong khi đó, tài liệu của Pháo binh Hải quân Pháp khẳng định: “Mặc cho những thất bại gần đây của họ, người An Nam vẫn muốn tái chiếm Đà Nẵng, bao vây lực lượng đồn trú yếu ớt nơi này bằng việc xây dựng một loạt các công sự”.[33] Cựu sĩ quan hải quân L. Faque cũng nói: “Trong thời gian này, người An Nam đã cố gắng tái chiếm Đà Nẵng”.[34] Bác sĩ quân y Hải quân Honoré François Aurillac thì kết luận: “Người An Nam cảm nhận được điểm yếu về quân số đồn trú còn lại tại Đà Nẵng, đã tập trung quanh nơi này và đe dọa lấy lại chủ quyền”.[35]

Để cứu vãn thế nguy bị đánh bật ra khỏi Đà Nẵng, ngày 17/3/1859 tàu tăng viện Laplace của liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã có mặt tại đây, mang theo 2 đại đội thủy quân lục chiến. Liên quân ở Đà Nẵng ngày ngày mong đợi Tổng tư lệnh Charles Rigault de Genouilly có mặt. Nhiều lán trại mới bằng gỗ được cất lên trên bán đảo Sơn Trà để chuẩn bị đón đoàn quân viễn chinh từ Sài Gòn quay trở lại[36]. Đến ngày 20/3/1859, một trung đội thủy quân lục chiến Pháp leo lên đỉnh cao nhất trên bán đảo Sơn Trà để xây dựng một công sự vừa làm đài quan sát động tịnh của quân Nguyễn trên bờ, vừa để bảo vệ sau lưng các tiền đồn và doanh trại của liên quân trên bán đảo[37].

Trước sự lép vế của quân thù, quân Nguyễn tiếp tục các hoạt động quân sự để gây áp lực. “Ngày 23/3/1859, vào lúc sáng sớm, một tiếng đại bác của quân An Nam vang lên bên bờ sông Hàn. Thiếu tá Faucon đem một phân đội đồn trú ở thành An Hải vượt sông đổ bộ qua bờ tả ngạn. Mục đích của chuyến trinh sát này là để kiểm tra 3 ụ pháo của kho lương thực nằm gần thành Điện Hải có đặt vũ khí của quân An Nam hay không. Sau khi phá hủy mấy ụ pháo chưa được tái vũ trang và đốt bỏ chúng, cánh quân của chúng ta rút lui nhưng bị quân An Nam từ phòng tuyến thứ hai trút lên đầu một trận mưa đại bác và những viên đạn súng nòng lớn[38].

Chuyến trinh sát này khiến quân chúng ta chết một và 4 người bị thương. Trung uý Broutin bị trúng quả đạn đại bác vào đùi. Ngoài ra, một số binh lính đã bị thương do lọt xuống những hố chông nằm rải rác trên mặt đất và được ngụy trang bởi những liếp che miệng hố có phủ cát”[39].

Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/1859, quân Nguyễn càng tăng cường làm việc suốt ngày đêm để đẩy phòng tuyến đến sát cửa biển. “Kể từ chuyến trinh sát của liên quân ngày 23/3/1859, những người An Nam, được khuyến khích bởi sự án binh bất động của chúng tôi đã tăng gấp đôi khối lượng công việc của họ. Hiện nay, ngày 3/4/1859, ba ụ pháo ở kho lương thực nằm đối diện thành Điện Hải đã được quân An Nam vũ trang. Ụ pháo gần thành Điện Hải nhất được bao quanh bởi hàng rào gai và tre trúc cao gần 7 mét. Con đường bao quanh nối với thành Điện Hải đã bị người An Nam chiếm giữ vào ban đêm. Mặc dù hỏa lửa của địch đe dọa, chúng tôi vẫn tiếp tục đặt một trạm quan sát vào ban ngày ở đó.

Bên bờ hữu ngạn sông Hàn, quân An Nam đang tiến sát thành An Hải, nhưng chúng tôi chỉ lặng lẽ quan sát. Mệnh lệnh được đưa ra là không được thực hiện việc trinh sát và chỉ nổ súng chống trả trong trường hợp bị tấn công”[40].

Liên quân Pháp – Tây Ban Nha càng rơi vào thế co cụm phòng thủ chịu đựng, thì quân Nguyễn càng cố mở thêm những cuộc tấn công mới. “Ngày 8/4/1859, lúc 5 giờ sáng, ụ pháo của quân An Nam trang bị 4 đại bác được xây dựng bên bờ biển, gần chỗ neo đậu tàu thuyền, đã khai hỏa vào pháo hạm Fusée, khiến tàu này bị trúng nhiều quả đạn, trong đó một quả nhằm vào chiếc ca nô ở mạn trái tàu. Pháo hạm Fusée phản pháo mạnh mẽ, sau đó di chuyển ra ngoài tầm đại bác của quân An Nam”[41].

Vào 6 giờ chiều 15/4/1859, chiến hạm Phlégéton từ Sài Gòn quay trở lại tăng cường cho mặt trận Đà Nẵng đi vào bến cảng, làm gia tăng sức mạnh phòng thủ và khả năng phản công để phá thế bị bao vây của đối phương[42]. Liên quân Pháp – Tây Ban Nha ít nhiều lấy lại chút tinh thần, nên từ ngày 22/4/1859, theo mệnh lệnh của Genouilly, các chuyến trinh sát của liên quân trên sông Hàn được thực hiện gần như hàng ngày, dưới sự hỗ trợ hỏa lực từ thành An Hải và các đội thuyền vũ trang chiến đấu[43].

Ngày 26/4/1859, pháo hạm Alarme cùng Phó Đô đốc Charles Rigault de Genouilly từ Sài Gòn đã quay về đến Đà Nẵng[44]. Tài liệu của Just Jean Étienne Roy công bố năm 1862 khẳng định: “Khi trở về Đà Nẵng, Đô đốc thừa nhận rằng trong thời gian vắng mặt của mình, người An Nam đã dựng lên các công trình, ở một mức độ nhất định, có thể gây nguy hại đến sự an toàn của các vị trí chiếm đóng của ông và các hoạt động của đội thuyền vũ trang chiến đấu trên sông”[45].

Theo tài liệu báo cáo của trinh sát từ phía Pháp và Tây Ban Nha tháng 4/1859: “Khi quân viễn chinh trở về từ Sài Gòn, phòng tuyến vùng An Nam chiếm đóng có hai khu vực. Khu vực hữu ngạn sông Hàn gồm: 1.Pháo đài có tháp canh (đồn lũy ở An Hải Hạ), nằm cách thành An Hải khoảng 1.800 mét; 2. Nằm xa hơn 500 mét nữa là đồn những đụn cát trắng (đồn lũy ở An Hải Trung). Họ còn xây dựng dọc theo bờ sông một ụ pháo ven bờ được che khuất bởi những cồn cát bên bờ sông ở thành An Hải và những lùm cây rậm rạp, tầm hỏa lực của nó vượt qua ụ pháo chỗ rừng thưa và nhắm vào những chiếc thuyền vũ trang chiến đấu của chúng ta”[46].

“Khu vực tả ngạn sông Hàn gồm: 1.Ụ pháo chỗ rừng thưa cách thành An Hải bên kia sông 1.200 mét, nằm cuối một con đường chỗ cây dừa đã bị đốn hạ (Việc xây dựng ụ pháo này đã buộc các thuyền vũ trang chiến đấu của chúng tôi phải neo đậu ở phía sau); 2.Gần cửa sông, cách thành An Hải khoảng 1.000 mét, ba ụ pháo của kho lương thực đã bị chúng ta dỡ bỏ và phá hủy vào ngày 6/2/1859, nhưng chắc chắn sẽ sớm được xây dựng lại; 3.Cách 700 mét từ sông, đối diện thành Điện Hải, một pháo đài bắt đầu dựng lên vào đêm 6/3/1859 đã bị bỏ trống bởi những quả đạn bắn từ một pháo hạm và các thuyền vũ trang chiến đấu; 4.Pháo đài chỗ những đụn cát nhỏ, trước một tháp canh trên một cồn cát cao hơn một rừng cây, nằm sau kho lương thực (đồn Hải Châu Hạ): tất cả những pháo đài và ụ pháo được kết nối với nhau bằng những bờ lũy và phòng tuyến có công sự; 5.Giữa pháo đài chỗ những đụn cát nhỏ và con sông là pháo đài mới (đồn Hải Châu Thượng), là quan trọng nhất, nơi quan Tổng chỉ huy (Nguyễn Tri Phương) trú đóng; 6. Bên rìa của rừng tre, nhiều ụ pháo được kết nối với nhau, trong đó có ụ pháo chính đã bắn vào pháo hạm Fusée, có hầm và trang bị đại bác cỡ lớn. Các hầm ngầm được xây dựng bằng những tấm phên mắt cáo chồng lên nhau cùng cát và tre”[47].

“Theo thông tin thu thập được, vẫn có một phòng tuyến với những pháo đài xung quanh vịnh bảo vệ con đường ra Huế. Cuối cùng, trên sông Hàn, ở vòng đầu tiên là một rào chắn được bảo vệ bởi hai pháo đài, mỗi bờ một cái, và những thuyền vũ trang chiến đấu”[48].

Ngày 29/4/1859, quân Pháp và Tây Ban Nha nhận thêm viện binh từ hộ tống hạm hơi nước Duchayla và vận hạm Marne cập bến Đà Nẵng, gồm 1 đại đội pháo binh hải quân, 1 phân đội công binh và 1 tiểu đoàn có 5 đại đội của Trung đoàn 3 Thủy quân lục chiến Pháp, những đơn vị vừa tham gia chiến đấu ở Sài Gòn trở lại. Dựa vào lực lượng đã đông lên, một đại đội thủy quân lục chiến Pháp được lệnh tái chiếm thành Điện Hải để củng cố, tái thiết rồi biến nơi đây thành một cứ điểm hỗ trợ cho các hoạt động tiếp theo của liên quân[49].

Phát hiện liên quân tái chiếm thành Điện Hải, ngay khuya hôm đó, 30/4/1859, quân Nguyễn liền tổ chức một cuộc tấn công để xua đuổi đối phương. “Vào buổi khuya, quân An Nam cố gắng leo lên thành Điện Hải mà chúng tôi chiếm đóng kể từ ngày hôm qua, xả vào thành hàng loạt súng hỏa mai. Chúng tôi sẽ tìm kiếm trên bờ dốc tường thành những chiếc thang tre mà họ bỏ lại để dùng vào việc dựng lên một chòi canh.

Người An Nam đang cố gắng hết sức để phá hoại công việc sắp đặt của chúng tôi tại thành Điện Hải. Từ đồn Hải Châu Thượng, quân An Nam bắn vào chúng tôi một trận mưa đá từ những giàn súng bắn đá. Thành Điện Hải chưa được trang bị pháo lớn nên không thể trả đũa. Sau đó, chúng tôi dựng những lỗ châu mai làm bằng những chiếc túi chứa đất dọc theo tường ngăn đối diện với đồn Hải Châu Thượng, và yêu cầu những tay súng bắn tỉa tốt nhất của đại đội bắn vào những pháo thủ của đồn Hải Châu Thượng mỗi khi họ nâng tấm phên mắt cáo đậy các lỗ châu mai lên để bắn (Những lỗ châu mai của các pháo đài An Nam được che bằng những tấm phên mắt cáo và chỉ được nâng lên vào thời điểm bắn). Với một chiếc ống nhòm, chúng tôi dễ dàng hướng dẫn cho người bắn.

Những phát súng từ lô cốt của chúng tôi, không nghi ngờ gì nữa, đã có hiệu quả với họ: vào 9 giờ sáng, quân An Nam ngừng bắn. Quân đội lập tức trang bị ở thành Điện Hải những khẩu đại bác cỡ nòng đạn 30 livre[50], bắt đầu từ pháo đài góc bên trái thành, do phía pháo binh hải quân đảm nhận”[51]. Theo tài liệu của Le Baron de Bazancourt thu thập và công bố năm 1861, pháo đội tăng cường ở thành Điện Hải lúc này có 5 khẩu đại bác cỡ nòng 30 livre[52].

Cuộc tấn công xua đuổi liên quân Pháp – Tây Ban Nha tái chiếm thành Điện Hải hôm 30/4/1859 bất thành đã khép lại giai đoạn chủ động tiến công của quân Nguyễn. Tương quan lực lượng giữa hai bên đã thay đổi theo chiều ngược lại, nên bước qua đầu tháng 5/1859, thế chủ động tấn công lại chuyển về tay của quân thù ở mặt trận Đà Nẵng.

Sự thay đổi tình thế lúc này thể hiện khá rõ trong hồ sơ chính thức của Pháp công bố năm 1861: “Tình huống như vậy không thể kéo dài mà không nguy hiểm; do đó, Đô đốc Charles Rigault de Genouilly không mong đợi. Để chấm dứt tình trạng này, chỉ có sự hiện diện của những toán quân đã được công bố trong công điện của bộ trưởng mới đáp ứng được. Ngay sau khi những toán quân này đến, Đô đốc có thể thực hiện không chậm trễ hơn nữa, kế hoạch tấn công tổng lực vào các vị trí mới của quân An Nam[53]. “Đã đến lúc phải đối đầu với những bước tiến mà người An Nam đang đe dọa hàng ngày. Đô đốc đã quyết tâm phá hủy đồng loạt tất cả các công trình xây dựng của quân An Nam và đẩy họ lùi về phía bên kia con đường đi Huế”[54].

  1. Kết luận

Có một sự thật mà nếu chỉ dựa vào tư liệu phía triều Nguyễn, chúng ta chỉ biết được rất ít, rất tóm tắt, thậm chí hiểu sai tinh thần, đường hướng chiến lược và chiến thuật về cuộc chiến đấu bảo vệ Đà Nẵng của cha ông giai đoạn từ tháng 2/1859 đến tháng 4/1859. Chính nguồn tài liệu từ phía đối phương đã cung cấp cho chúng ta khá đầy đủ, chi tiết và khách quan các hoạt động chủ động của quân Nguyễn trong giai đoạn lịch sử này.

Trong 3 tháng đầu năm kể từ Tết Kỷ Mùi năm 1859, thế chủ động tiến công quân giặc liên tục của quân Nguyễn ở Đà Nẵng được trình bày ở trên là những minh chứng rõ nét nhất, và cũng là những hình ảnh sáng sủa nhất, về tư tưởng chiến lược, quyết tâm giữ nước đến cùng và cả những chiến thuật phù hợp mà họ đã áp dụng để chống lại đội quân viễn chinh xâm lược Pháp – Tây Ban Nha hơn hẳn về trình độ kĩ thuật, có đầy đủ trang thiết bị, phương tiện chiến tranh hiện đại từ sức mạnh của một nền văn minh cao hơn – thứ sức mạnh vật chất mà chúng ta, vì một số lý do, thường đánh giá thấp hơn so với sức mạnh tinh thần và ý chí.

Giai đoạn lịch sử sôi động này ở Đà Nẵng trong thực tế không phải là “khoảng trống chiến sự”, không hề là “án binh bất động”. Nó cho thấy suốt quá trình chiến tranh gần 19 tháng tại Đà Nẵng, thế trận phòng ngự của quân Nguyễn không hoàn toàn rơi vào trạng thái bị động, bạc nhược như nhiều người đã nghĩ; mà vẫn giữ được tư tưởng không ngừng nỗ lực kiến thiết, xây dựng hệ thống phòng ngự, siết chặt phòng tuyến để bao vây, áp sát đối phương, rồi khi có thời cơ thuận lợi thì tiến lên chủ động tổ chức tiến công để tiêu diệt và đánh đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi. Đó là một sự lựa chọn đường lối chiến lược chiến tranh và chiến thuật quân sự tương thích khả dĩ nhất mà vua quan nhà Nguyễn đã thực hiện.

Qua những sử liệu khá phong phú và chi tiết ở giai đoạn này, có thể khẳng định nếu chỉ tìm và sử dụng những tư liệu từ phía triều Nguyễn để lại, ắt hẳn chúng ta đã không dễ nhận ra thế chủ động bao vây đối phương bằng các tuyến phòng ngự và dám mạnh dạn tiến lên tổ chức tấn công để đánh đuổi quân thù suốt nhiều tháng trời của quân Nguyễn ở Đà Nẵng đầu năm 1859. Rõ ràng quân Nguyễn không hề luôn luôn rơi vào trạng thái phòng ngự bị động, bởi họ đã theo đuổi một triết lý quân sự nhất quán và phù hợp do danh tướng Nguyễn Tri Phương đề ra khi ông tâu với vua Tự Đức cuối năm 1858 rằng: “Giặc lấy chiến làm lợi, ta lấy thủ làm lợi. Xin lấy thủ làm chiến, đắp thêm đồn luỹ, để dần dần tiến đến gần giặc”[55]. Triết lý quân sự của tướng Nguyễn Tri Phương tại mặt trận Đà Nẵng đã được vận dụng trong thực tế bằng việc quân Nguyễn luôn tích cực, kiên trì xây dựng hệ thống phòng ngự chặt chẽ, nhiều lớp, có chiều sâu và chủ động siết chặt vòng vây; khi nảy sinh tình thế, thời cơ thuận lợi thì tổ chức tiến công để đánh đuổi quân thù ra khỏi lãnh thổ. Chính các văn kiện, hồ sơ, tài liệu chính thức của quân đội, chính phủ Pháp – Tây Ban Nha và công bố của các sĩ quan trực tiếp tham gia chiến dịch xâm lược đề cập đến nội dung này là sự thừa nhận khách quan của đối phương về tư tưởng chiến lược và các chiến thuật của quân Nguyễn đã thực hiện trong thực tế chiến trường tại mặt trận Đà Nẵng những năm 1858 – 1860 nói chung, giai đoạn 2/1859 – 4/1859 nói riêng.

Sự thừa nhận khách quan đó từ các nguồn tài liệu của đối phương đặt ra cho chúng ta một vấn đề hết sức bức thiết: Liệu chúng ta có nên tiếp tục nhìn nhận và đánh giá tinh thần, thái độ, nhãn quan chiến lược – chiến thuật giữ nước của vua quan triều Nguyễn, kể cả người đứng mũi chịu sào Nguyễn Tri Phương, tại mặt trận Đà Nẵng là hạn chế, thụ động, bạc nhược giống như nhiều sách sử hiện nay đang thể hiện và được rao giảng cho người học, được phổ biến cho xã hội?

Câu hỏi đó đã được giải đáp phần nào trong bài viết này, nhưng vẫn hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi một nhận thức của từng người và sự công nhận của xã hội nói chung!

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

  1. Honoré François Aurillac (1883), Le Naufrage du Weser: Épisode maritime de la grande expédition de Chine, Imprimerie Wallon, Vichi.
  2. Le Baron de Bazancourt (1861), Les Expéditions de Chine et de Cochinchine d’après les documents officiels, Première Partie (1857 – 1858), Amyot Éditeur, Paris.
  3. Julien Delauney (1889), Albert Guittard: Historique de l’artillerie de la marine, Impr. D. Dumoulin et Cie, Paris.
  4. Faque (1910), L’Indo – Chine française, Cochinchine – Cambodge – Annam – Tonkin, Félix Alcan, Éditeur, Paris.
  5. Benoist de La Grandière (1869), Les Ports de l’Extrême – Orient: débuts de l’occupation française en Cochinchine, Le Chevalier, Libraire Éditeur, Paris.
  6. Colonel Henri de Ponchalon (1896), Indo – Chine, souvenirs de voyage et de campagne, 1858 – 1860, Maison A. Mame et Fils à Tours, Paris.
  7. Colonel Henri de Poyen (1894), Notice sur l’Artillerie de la Marine en Cochinchine, Berger – Levrault et Cie, Éditeurs, Paris.
  8. Quốc Sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam Thực lục, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch, tập 7, Tái bản lần thứ nhất, Giáo Dục, Hà Nội.
  9. Just Jean Étienne Roy (1862), La Chine et la Cochinchine, J. Lefort, Imprimeur – Libraire, Lille.
  10. Albert Septans (1887), Les Commencements de l’Indo – Chine française, d’après les archives du Ministère de la Marine et des Colonies, les mémoires ou relations du temps, Challamel Aîné, Paris.

Hình 1: Sơ đồ phòng tuyến và các đồn lũy quân Nguyễn áp sát hai thành An Hải và Điện Hải bên
cửa sông Hàn 4/1859

 (Nguồn: Colonel Henri de Ponchalon (1896), op. cit., pp.181)

Hình 2: Vị trí các thành, đồn, chiến lũy quanh khu vực hạ lưu sông Hàn
trên bản đồ của quân Nguyễn năm 1859

(Thiết lập thêm tiếng Việt từ bản đồ chiến sự Đà Nẵng theo nguồn: https://vi.wikipedia.org)

 [1] Albert Septans (1887), Les Commencements de l’Indo – Chine française, d’après les archives du Ministère de la Marine et des Colonies, les mémoires ou relations du temps, Challamel Aîné, Paris, pp.144.

[2] Le Baron de Bazancourt (1861), Les Expéditions de Chine et de Cochinchine d’après les documents officiels, Première Partie (1857 – 1858), Amyot Éditeur, Paris, pp.301.

[3] Benoist de La Grandière (1869), Les Ports de l’Extrême – Orient: Débuts de l’occupation française en Cochinchine, Le Chevalier, Libraire Éditeur, Paris, pp.52.

[4] Colonel Henri de Ponchalon (1896) Indo – Chine, souvenirs de voyage et de campagne, 1858 – 1860, Maison A. Mame et Fils à Tours, Paris, pp.133.

[5] Colonel Henri de Poyen (1894), Notice sur l’Artillerie de la Marine en Cochinchine (période de conquête et d’organisation), Berger – Levrault et Cie, Éditeurs, Paris, pp.7.

[6] Le Baron de Bazancourt (1861), op. cit., pp.301.

[7] Benoist de La Grandière (1869), op. cit., pp.52.

[8] Colonel Henri de Ponchalon (1896), op. cit., pp.155.

[9] Just Jean Étienne Roy (1862), La Chine et la Cochinchine, J. Lefort, Imprimeur – Libraire, Lille, pp.239.

[10] Benoist de La Grandière (1869), op. cit., pp.52.

[11] Colonel Henri de Ponchalon (1896), op. cit., pp.155-156.

[12] Benoist de La Grandière (1869), op. cit., pp.53.

[13] Hỏa cầu: quả cầu kim loại rỗng có tay cầm, trong nhồi thuốc súng và mảnh kim loại, cò ngòi để châm ném.

[14] Nước đun sôi pha tạp chất.

[15] Súng hỏa hổ.

[16] 1 pound tương đương 0,453kg.

[17] Súng hỏa thương.

[18] Súng hỏa đồng.

[19] Colonel Henri de Ponchalon (1896), op. cit., p.156-157.

[20] Quốc Sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam Thực lục, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch, tập 7, tái bản lần thứ nhất, Giáo Dục, Hà Nội, tr.591.

[21] Colonel Henri de Ponchalon (1896), op. cit., pp.157.

[22] Quốc Sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam Thực lục, tập 7,… Sđd, tr.591.

[23] Just Jean Étienne Roy (1862), op. cit., pp.239.

[24] Le Baron de Bazancourt (1861), op. cit., pp.324.

[25] Colonel Henri de Ponchalon (1896), op. cit., pp.158.

[26] Colonel Henri de Ponchalon (1896), op. cit., pp.158.

[27] Benoist de La Grandière (1869), op. cit., pp. 83.

[28] Colonel Henri de Ponchalon (1896), op. cit., pp.159.

[29] Benoist de La Grandière (1869), op. cit., pp.53, Tài liệu của Grandière ghi sự kiện cuộc tấn công này diễn ra đêm 8/3/1859, có lẽ do bị nhầm khi in ấn, bởi hồi kí của Đại tá H. de Ponchalon và các tài liệu khác đều ghi là đêm 6/3/1859. Các sự kiện trong những ngày tiếp theo càng xác nhận tính đúng đắn về mốc thời gian 6/3/1859.

[30] Colonel Henri de Ponchalon (1896), op. cit., pp.159.

[31] Colonel Henri de Ponchalon (1896), op. cit., pp.160.

[32] Le Baron de Bazancourt (1861), op. cit., pp.338-339.

[33] Julien Delauney, Albert Guittard (1889), Historique de l’artillerie de la marine, Impr. D. Dumoulin et Cie, Paris, pp.204.

[34] L. Faque (1910), L’Indo-Chine française, Cochinchine-Cambodge-Annam-Tonkin, Félix Alcan, Éditeur, Paris, pp.15.

[35] Honoré François Aurillac (1883), Le Naufrage du Weser: Épisode maritime de la grande expédition de Chine, Imprimerie Wallon, Vichi, pp.34.

[36] Colonel Henri de Ponchalon (1896), op. cit., pp.153-154.

[37] Colonel Henri de Ponchalon (1896), op. cit., pp.162.

[38] Nguyên văn là “Biscaïens”: những viên đạn của súng có kích cỡ nòng lớn (nòng rộng cỡ 3cm).

[39] Colonel Henri de Ponchalon (1896), op. cit., pp.164-165.

[40] Colonel Henri de Ponchalon (1896), op. cit., pp.168.

[41] Colonel Henri de Ponchalon (1896), op. cit., pp.169.

[42] Colonel Henri de Ponchalon (1896), op. cit., pp.170.

[43] Colonel Henri de Ponchalon (1896), op. cit., pp. 170.

[44] Colonel Henri de Ponchalon (1896), op. cit., pp. 170.

[45] Just Jean Étienne Roy (1862), op. cit., pp. 240.

[46] Colonel Henri de Ponchalon (1896), op. cit., pp.159-160.

[47] Colonel Henri de Ponchalon (1896), op. cit., pp.161.

[48] Colonel Henri de Ponchalon (1896), op. cit., pp.162.

[49] Colonel Henri de Ponchalon (1896), op. cit., pp.173.

[50] Ở thế kỷ XIX trở về trước, kích cỡ của nòng súng đại bác đang còn được tính theo trọng lượng của quả đạn; đơn vị tính của người Pháp là livre (1 livre = 0,4895kg) chứ không phải tính theo pound như khối các nước Anh và Hoa Kỳ (1 pound = 0,45359237kg). Đại bác cỡ nòng 30 livres có nghĩa quả đạn nặng chừng 14,685kg (30 x 0.4895). Đại bác cỡ nòng 30 livres thì đường kính lòng súng tương đương khoảng 16cm (Julien Delauney, Albert Guittard (1889), Historique de l’artillerie de la marine, Impr. D. Dumoulin et Cie, Paris, pp.188).

[51] Colonel Henri de Ponchalon (1896), op. cit., p.174.

[52] Le Baron de Bazancourt (1861), op. cit., pp.339.

[53] Le Baron de Bazancourt (1861), op. cit., pp.338-339.

[54] Benoist de La Grandière (1869), op. cit., pp.54.

[55] Quốc Sử quán triều Nguyễn (2007), tập VII, Sđd, tr.583.

Tin liên quan