LỚP TẬP HUẤN MÔ HÌNH DI SẢN KẾT NỐI GẮN VỚI CÁC HÀNH TRÌNH DU LỊCH ĐỂ PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ CÓ DI SẢN TƯƠNG ĐỒNG “NGHỀ DỆT THỔ CẨM CỦA NGƯỜI CƠ TU Ở ĐÀ NẴNG – QUẢNG NAM”

Trong 02 ngày 08 và 09/11/2022, Cục Di sản văn hóa phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng, UBND huyện Hòa Vang tổ chức lớp tập huấn mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng “Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu ở Đà Nẵng – Quảng Nam” tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Tham dự khai mạc lớp tập huấn, về phía Cục Di sản Văn hóa có bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa phi vật thể; về phía Sở Văn hóa và Thể thao có ông Phạm Tấn Xử, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng; về phía UBND huyện Hòa Vang có ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin cùng một số đồng bào – là những người đang thực hành di sản nghề dệt truyền thống của người Cơ Tu đang sinh sống tại huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.

Ông Phạm Tấn Xử, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao phát biểu khai mạc lớp tập huấn

Người Cơ Tu là một tộc người còn bảo lưu được một cách tương đối nguyên vẹn các yếu tố văn hóa truyền thống có giá trị, trong đó có nghề dệt và trang phục. Mỗi sản phẩm dệt Cơ Tu có giá trị về nhiều mặt, nó vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, phục vụ cuộc sống, vừa là của cải, thể hiện sự ấm no, giàu có và hơn thế nữa, mỗi sản phẩm như những tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng nhiều tinh hoa, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa dân tộc. Sản phẩm dệt của đồng bào Cơ Tu không chỉ là thước đo giá trị xã hội, sự giàu có của mỗi gia đình, dòng tộc mà còn có giá trị về thẩm mỹ, thể hiện đời sống tinh thần phong phú. Nhờ có nghề dệt mà trang phục dân tộc Cơtu được bảo lưu, giữ gìn ở hầu hết các thôn bản.

Tuy nhiên, như các di sản khác, nghề dệt cũng đang có nguy cơ thất truyền nhanh chóng nếu không có biện pháp bảo tồn, phát huy. Việc lựa chọn “Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu” huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng là một điểm để kết nối với di sản tương đồng của người Cơ Tu ở Quảng Nam để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và bí quyết để tạo sự hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình thực hành và trao truyền di sản là rất cần thiết trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá nói chung và di sản của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao hy vọng và tin tưởng rằng mô hình kết nối di sản tương đồng “Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu” trong hành trình du lịch di sản Quảng Nam – Đà Nẵng sẽ góp phần phát triển một cách đồng đều đời sống văn hoá – xã hội cộng đồng dân tộc Cơ Tu, nhằm đảm bảo hỗ trợ cộng đồng phát huy di sản một cách thiết thực, hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế và phong tục, tập quán của đồng bào.

Trần Khánh Ly

(Phòng Giáo dục–Truyền thông)

Tin liên quan