KHĂN THÊU KHÁT VỌNG HÒA BÌNH

Những kỷ vật chiến tranh do các đồng chí cán bộ, chiến sỹ cách mạng anh dũng, kiên trung tự làm ra trong những năm tháng bị giam cầm tại chốn lao tù luôn để lại những dấu ấn và sự hoài niệm sâu sắc không chỉ đối với những người đã đi qua hai cuộc chiến tranh mà còn đối với mỗi người dân, du khách khi đến tham quan Bảo tàng Đà Nẵng.
Cùng với những tài liệu, hiện vật trưng bày và giới thiệu tại Bảo tàng Đà Nẵng, chiếc khăn thêu “Khát vọng hòa bình” của ông Phạm Trung Kiên – cựu tù yêu nước thành phố Đà Nẵng cũng là một kỷ vật như thế
Ông Phạm Trung Kiên sinh năm 1952, tại xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng). Từ năm 14 tuổi, ông đã tham gia hoạt động cách mạng và trở thành chiến sỹ đặc công quận III, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, công tác và chiến đấu tại xã Hòa Hải. Năm 1969, ông bị bắt giam tại Trung tâm cải huấn Kho đạn, chợ Cồn Đà Nẵng. Trong thời gian bị giam cầm, mặc dù bị địch dùng nhiều thủ đoạn, cách thức tra tấn, khủng bố nhưng ông vẫn một lòng kiên trung với cách mạng và trong thời gian này, ông đã thêu được nhiều bức tranh thể hiện khát vọng tự do, mong muốn đất nước được hòa bình, thống nhất. Trong đó, chiếc khăn thêu với dòng chữ “Thương về Chị” đã được ông tìm mọi cách chuyển ra khỏi nhà tù và nhờ cơ sở chuyển ra vùng giải phóng để trao lại cho người chị kết nghĩa là chị Sáu, hoạt động tại quê hương Hòa Hải
🔅 Chiếc khăn thêu “Khát vọng Hòa bình” được thêu trên nền vải trắng, đã cũ và bạc màu, có nhiều vết máu khô và một vài lỗ thủng. Bên phải của chiếc khăn thêu 01 đôi chim đậu trên cành mai với nhiều gam màu tươi sáng, bên trái thêu dòng chữ “Thương về Chị” với chỉ thêu màu đỏ. Cuối năm 1970, cơ sở hoạt động bí mật trong nội thành bố trí cho ông trốn thoát khỏi nhà tù, đầu năm 1971, ông được tổ chức bố trí đưa ra Bắc điều trị và học tập. Cuối năm 1971, ông xung phong vào lại chiến trường Quảng Đà và hoạt động trong nội thành. Cuối năm 1973, ông được điều sang công tác tại nước bạn Lào và Campuchia cho đến sau ngày giải phóng 1976, ông được đào tạo và chuyển ngành về công tác tại Công ty Bưu điện và Viễn thông thành phố Đà Nẵng cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2012.
🌟 Cuối năm 1977, ông được các đồng chí xã đội Hòa Hải trao lại chiếc khăn thêu và kể lại sự hy sinh anh dũng của chị Sáu trong một chuyến công tác Chị bị phục kích và bị thương nặng (khoảng đầu năm 1973). Trước khi hy sinh, chị Sáu đã nhờ đồng đội chuyển chiếc khăn về lại quê hương Hòa Hải và nhờ trao lại cho ông Phạm Trung Kiên.
〽 Chiếc khăn thêu được giữ gìn như một kỷ vật thiêng liêng và được ông Pham Trung Kiên hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng làm hiện vật để trưng bày và giới thiệu cho người dân, du khách nhất là thế hệ trẻ khi đến tham quan tại Bảo tàng Đà Nẵng hiểu biết thêm về một thời kỳ sục sôi cách mạng, thời kỳ đấu tranh kiên cường chống thực dân, đế quốc của quân và dân Đà Nẵng để giải phóng quê hương, thống nhất nước nhà.

Tin liên quan