Hướng về cội nguồn dân tộc

Cuộc thi “Hành trình cùng lịch sử” do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức mới đây dẫn dắt những người tham gia lần lượt đi qua các di tích cùng những kiến thức lịch sử về sự kiện Đà Nẵng kháng Pháp năm 1858; từ đó góp phần tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, thanh niên về truyền thống yêu quê hương đất nước, hướng đến cội nguồn dân tộc.

Thành viên trong mỗi đội phối hợp với nhau nhịp nhàng, khéo léo để hoàn thành phần thi “Bánh xe thần tốc” tại trạm cuối: biển Nguyễn Tất Thành. (Ảnh do Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp)
Thành viên trong mỗi đội phối hợp với nhau nhịp nhàng, khéo léo để hoàn thành phần thi “Bánh xe thần tốc” tại trạm cuối: biển Nguyễn Tất Thành. (Ảnh do Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp)

Bắt đầu hành trình tại trạm 1: Bảo tàng Đà Nẵng – Thành Điện Hải, 30 người chơi là các đoàn viên thanh niên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đến từ các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch được chia thành 5 đội, tiến hành giải mật thư đầu tiên là suy luận yêu cầu của Ban tổ chức (BTC) từ 2 bài ca dao Quảng Nam – Đà Nẵng:

Hạn sao quá hạn; cây cỏ tiêu điều/ Kể từ năm Mậu Ngũ (Mậu Ngọ, 1858) buồn thiu/ Nào Tây bắn Sơn Chà, nào dân binh bắt mộ/ Kế năm nay thêm cỏ cháy ruộng cằn/…/ Dưới đáy đìa, cá chết cạn phơi thây/ Trong thôn ấp tre xàu, cau đỏ ngọn; Thần công nó bắn/ Đạn nổ đùng đùng/ Nó bắn lung tung/ Vào thành Đà Trấn/…/ Lính Triều hoảng vía/ Quan tướng đều lo.

Sau khi suy nghĩ, thảo luận, các đội giải được mật thư đầu tiên là yêu cầu tham quan bảo tàng và chụp 10 ảnh các hiện vật có xuất hiện trong 2 bài ca dao.

Tiếp tục với thử thách thứ 2 tại trạm 1, các đội được giao nhiệm vụ điền từ còn thiếu vào câu ca dao tục ngữ liên quan đến sự kiện 1858: Bên ni Sông Hàn/ Ngó qua bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lá (khuyết từ “tàu lá”)/…/ Dặn tấm lòng ai dỗ em đừng xiêu/ Gắng công nuôi phụ mẫu sớm chiều em đợi anh (khuyết từ “Nuôi phụ mẫu”).

Những từ bị khuyết nhanh chóng được  tìm ra. Trạm 1 kết thúc với mật thư rời trạm là thông tin về trạm đến tiếp đó – hình ảnh về Nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu. Tuy nhiên, chỉ có hình ảnh, không kèm theo bất kỳ một thông tin về di tích trong hình.

Các đội phải dựa trên sự hiểu biết, kết hợp kỹ năng tìm kiếm thông tin trên mạng để biết được chính xác điểm đến tiếp theo. Cứ vậy, cuộc hành trình của 5 đội lần lượt đi qua các trạm còn lại là: Nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, chợ Hàn, Nghĩa trủng Khuê Trung, bãi biển Nguyễn Tất Thành. Mỗi trạm đều có những thử thách riêng phù hợp với không gian và đều liên quan đến con người, địa danh ở Đà Nẵng thời kỳ kháng Pháp.

Bà Phan Thị Xuân Mai, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Bảo tàng Đà Nẵng chia sẻ. “Nhận thấy sự nhàm chán với cách tiếp cận lịch sử chỉ bằng nghe, đọc, hỏi, trả lời trong khi các bạn trẻ lại giàu năng lượng nên Phòng Quản lý Di sản Văn hóa đã đưa ra ý tưởng tổ chức cuộc thi “Hành trình cùng lịch sử” với hình thức hoạt động theo đội nhóm, tìm hiểu kiến thức lịch sử tại các di tích, địa điểm lịch sử”.

Trong cảm nhận của chị Đào Thị Minh Trang, chuyên viên Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo vận động viên thể dục thể thao (Sở Văn hóa-Thể thao), từng trạm trong hành trình đều có ý nghĩa với cách thức tổ chức nội dung đa dạng, có rất nhiều kỹ năng được lồng ghép khéo léo vào chương trình để các bạn đoàn viên thông qua vui chơi sẽ bồi dưỡng các kỹ năng.

Chị Trang chia sẻ: “Tôi và các bạn nhận được rất nhiều sau cuộc hành trình đặc biệt này, đó là: không khí sôi nổi, vui vẻ, giúp tinh thần tốt sau những ngày làm việc tại văn phòng. Quan trọng hơn là kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải các mật thư đơn giản, bồi dưỡng thêm được rất nhiều những kiến thức lịch sử hữu ích”.

Hay với chị Phan Huyền Trâm, chuyên viên Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao lại thích nhất trạm đầu tiên vì đây là di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, là một dấu ấn ghi nhớ truyền thống đấu tranh chống Pháp của nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước.

Chị Trâm bộc bạch: “Tôi cảm thấy rất thích thú với hoạt động này. Hy vọng Bảo tàng Đà Nẵng sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tương tự cho du khách, học sinh, sinh viên, đưa mọi người đến gần hơn với lịch sử địa phương”.

Cuộc hành trình đặc biệt này giúp chị Trang, chị Trâm cùng những người chơi khác được ôn lại, bồi dưỡng thêm những kiến thức về sự kiện 1858 qua những kiến thức được lồng ghép vào các thử thách tại mỗi trạm. Đó là: tên của vị tướng chỉ huy đầu tiên của liên quân Pháp-Tây Ban Nha khi tấn công Đà Nẵng năm 1858-tướng Rigault de Genouily; tên vị danh tướng của triều đình nhà Nguyễn nổi tiếng với câu nói:

“Bây giờ nếu ta chỉ gắng lây lắt mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa” – danh tướng Nguyễn Tri Phương; hay đó là kiến thức về các di tích như: Thành Điện Hải được nhà Nguyễn cho xây dựng tại Đà Nẵng mô phỏng theo kiểu kiến trúc Vauban; bảo An Hải được xây dựng từ thời Gia Long ở hữu ngạn sông Hàn, cùng với thành Điện Hải nằm bên tả ngạn sông Hàn trở thành 2 trấn sở quan trọng bảo vệ Đà Nẵng,…

Bà Xuân Mai cho hay, ban tổ chức mất khoảng 6 tháng để chuẩn bị cho cuộc thi. Có rất nhiều vấn đề cần phải cân nhắc như: tính toán quãng đường di chuyển, chọn hình thức tổ chức và trò chơi phù hợp với đối tượng tham gia cũng như không gian tại các trạm, phải tạo điều kiện để kích thích sự sáng tạo của người chơi, lồng ghép được việc sử dụng nhiều kỹ năng trong quá trình vượt qua thử thách tại mỗi trạm.

Với hình thức tổ chức hoạt động theo đội nhóm, cuộc thi “Hành trình cùng lịch sử” đầu tiên đã tạo được một sân chơi bổ ích với hình thức tiếp cận lịch sử và di sản văn hóa dân tộc mới, vui tươi và hấp dẫn. Trong thời gian tới, Bảo tàng Đà Nẵng dự kiến sẽ phát triển cuộc thi này thành một tour du lịch khám phá lịch sử và mỗi độ tuổi sẽ có tour riêng phù hợp.

Khánh Quyên

Tin liên quan