HOÀN THÀNH CÔNG TRÌNH BẢO TỒN, TU BỔ, PHỤC HỒI 04 DI TÍCH TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Liên tiếp trong các ngày 23/12/2021, 06/01/2022 và 13/01/2022, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với các đơn vị thiết kế, giám sát và chính quyền địa phương tổ chức nghiệm thu, bàn giao 04 công trình bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn thành phố: Di tích Mộ thống chế Lê Văn Hoan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang); Di tích Miếu Tam Vị (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu); Di tích Miếu Bà Liễu Hạnh (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) và Di tích Đình Cổ Mân (phường Mân Thái, quận Sơn Trà).

Di tích Mộ thống chế Lê Văn Hoan được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố tại Quyết định số 5450/QĐ-UBND ngày 29/11/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Lê Văn Hoan là một trong những vị tướng tài dưới triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn. Ông đã có những đóng góp to lớn từ cuộc hành quân thần tốc đại phá quân Thanh dưới triều Tây Sơn cho đến những năm tháng cống hiến vì nước vì dân, bảo vệ vùng biên giới Kỳ Sơn, Trấn Ninh dưới triều Nguyễn. Cái chết của ông đã để lại sự tiếc nuối đối với vua Minh Mạng và người dân quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng lúc bấy giờ. Để tri ân và tưởng nhớ công ơn của ông, ngôi mộ được xây dựng tại chính nơi ông sinh ra là xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Sau khi được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao đã tiến hành công tác tu bổ, phục hồi để bảo tồn di tích. Công trình được triển khai thực hiện từ tháng 6 đến tháng 11/2021, với tổng mức kinh phí 3.120.774.000 đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố.

Mộ Thống chế Lê Văn Hoan trước khi trùng tu

 

Mộ Thống chế Lê Văn Hoan sau khi trùng tu

Di tích Miếu Tam Vị được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố tại Quyết định số 1523/QĐ-UBND ngày 28/4/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Miếu Tam Vị được hình thành cách đây hơn 400 năm, gắn với văn hóa làng xã và tín ngưỡng dân gian, gắn với quá trình mở cõi, khai khẩn đất xứ Đàng Trong. Đây là nơi dân làng Hòa Phú, phường Hòa Minh ngày xưa lập lên để thờ cúng 3 vị tướng – 3 vị nhân thần đã hy sinh trong đánh giặc, giữ nước. Miếu còn thờ cúng những vị thần bổn xứ trong văn hóa và tâm thức của cư dân nông nghiệp như Thần Nông, Bổn xứ Thành Hoàng… Trong chiến tranh, Miếu Tam Vị cũng là nơi liên lạc và hội họp của Chi bộ Đảng Trung Nghĩa – Phú Lộc, là nơi nhiều đồng chí cán bộ của Xứ ủy Trung Kỳ hoạt động cách mạng. Sau khi được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao đã tiến hành công tác tu bổ, phục hồi để bảo tồn di tích Miếu Tam Vị với diện tích khoanh vùng bảo vệ là 744,1m2.

Di tích Miếu Tam Vị sau khi được trùng tu

Di tích Miếu Bà Liễu Hạnh nằm trong cụm di tích lịch sử Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố tại Quyết định số 4569/QĐ-UBND ngày 27/11/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Miếu bà Liễu Hạnh gắn với tục thờ Mẫu của cư dân Đại Việt trên vùng đất mới, được nhân dân làng Nam Ô lưu truyền nhiều đời. Bà Liễu Hạnh là một trong “tứ bất tử” (bốn vị thánh bất tử) trong tín ngưỡng Việt Nam: Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh.

Di tích Miếu Bà Liễu Hạnh sau khi trùng tu

Di tích Đình Cổ Mân được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố tại Quyết định số 3386/QĐ-UBND ngày 20/5/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Đình làng Cổ Mân là nơi thờ tự các vị Thành Hoàng làng, tiền hiền khai khẩn và hậu hiền khai canh, có nhiều công lao đóng góp vào sự hình thành và phát triển của làng. Không những là nơi dùng để thờ tự, đình làng còn là trung tâm của các hoạt động văn hóa – xã hội, giải quyết các công việc của làng xã như lễ hội, đình đám, kiện tụng… Có thể tìm thấy ở đây nhiều giá trị về các mặt tâm linh tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử… Năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao đã tiến hành công tác bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích đình Cổ Mân với diện tích khoanh vùng bảo vệ là 413,1m2.

Di tích Đình Cổ Mân sau khi trùng tu

Việc bảo tồn, tu bổ, phục hồi 04 di tích trên có ý nghĩa hết sức to lớn, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần phát huy giá trị của di tích và làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân; đồng thời, đưa di tích trở thành địa chỉ tiêu biểu giáo dục những bài học sống động về giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

                                                                 Võ Thị Dung – Trần Khánh Ly

                                                                                                                  

Tin liên quan