Giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng

Truyền thống cũng như lịch sử vốn được trầm tích qua thời gian năm tháng, nhưng chỉ những gì tốt đẹp và đáng tự hào mới lắng đọng thành truyền thống. Cho nên truyền thống không đồng nhất với độ dài thời gian và bề dày lịch sử – đương nhiên truyền thống càng lâu đời càng đáng quý và đáng tự hào hơn.

Và truyền thống cũng không nhất thành bất biến, kể cả những truyền thống chỉ còn là dĩ vãng. Sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Rõ ràng truyền thống dẫu lâu đời đến mấy, dẫu vĩ đại và có sức hấp dẫn lớn đến đâu vẫn có thể bị mai một nếu như người trong cuộc và nhất là người thừa kế không có ý thức giữ gìn, không có sự trân trọng nâng niu, thậm chí còn đi ngược lại lý tưởng cao đẹp mà mình từng theo đuổi.

Thành Điện Hải là điểm đến đầy ý nghĩa trong giáo dục truyền thống yêu nước sâu đậm cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ Đà Nẵng.  							                   Ảnh: NGỌC HÀ
Thành Điện Hải là điểm đến đầy ý nghĩa trong giáo dục truyền thống yêu nước sâu đậm cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ

Ngược lại truyền thống sẽ ngày càng dày dặn đầy đặn nếu người trong cuộc/người thừa kế không chỉ có ý thức giữ gìn mà còn có ý thức phát huy, hơn thế nữa còn có ý thức viết tiếp truyền thống mới, đúng như quan niệm của Jean Jaurès – một trong những sáng lập viên của đảng Xã hội Pháp đầu thế kỷ XX:

“Trung thành với truyền thống nghĩa là phải đem hết sức mình tiến về phía tương lai, như dòng sông chỉ có chảy ra biển mới gọi là trung thành với ngọn nguồn của nó”.

Nếu không ứng xử với truyền thống theo hướng tích cực như vậy thì may lắm chỉ có thể thụ động ngắm nhìn hào quang của quá khứ. Do vậy có thời người ta thường dùng câu nói mang màu sắc dân gian “Ăn truyền thống, sống tiềm năng” nhằm trách khéo một số địa phương từng nổi danh trong đánh giặc cứu nước nhưng lại chậm đổi mới để vươn lên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đang lo lắng, thậm chí bi quan về số phận của môn Lịch sử và nhất là của nội dung lịch sử địa phương trong trường phổ thông, bởi nội dung này được xem là có vai trò quan trọng hầu như không thể thay thế trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng của địa phương cho thế hệ trẻ hiện nay.

Đương nhiên đưa nội dung giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng của địa phương vào bên trong cổng trường phổ thông cần tính toán chu đáo và cẩn trọng các yêu cầu về tâm lý lứa tuổi, về nghệ thuật sư phạm, về hiệu quả giáo dục…, thế nhưng rõ ràng việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng của địa phương ở trường phổ thông sẽ khó đạt hiệu quả và chất lượng cao nếu ngành giáo dục vẫn cứ xem môn Lịch sử là môn-phụ, từ đó mà xem lịch sử địa phương là phụ-của-môn-phụ.

Đó là chưa kể không ít địa phương còn tự giới hạn nội dung giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng của địa phương mình trong phạm vi lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, chưa mở rộng sang các lĩnh vực khác như kinh tế và văn hóa – là những lĩnh vực mà lịch sử phát triển vốn cũng sinh động, phong phú và góp phần hình thành nên những truyền thống rất đáng tự hào.

Nghề biển “hồn treo cột buồm” kia đã hình thành và phát triển ở các làng duyên hải Đà Nẵng như thế nào? Lễ hội cầu ngư của làng chài Đà Nẵng có gì chung và có gì độc đáo so với lễ hội cầu ngư những nơi khác? Ai mới thực sự là thạch nghệ tổ sư của làng nghề điêu khắc đá Non Nước dưới chân núi Ngũ Hành? Rất nhiều vấn đề lý thú tương tự cần sớm được nghiên cứu và chọn lọc để bổ sung vào nội dung giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, chứ không chỉ là các trận đánh và các chiến công…

Dạy-học lịch sử địa phương có một thuận lợi, một ưu thế vượt trội so với dạy-học lịch sử chung là sức hấp dẫn của hoạt động ngoại khóa. Những nhân vật lịch sử và những địa danh lịch sử trong nội dung giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng của địa phương rất gần gũi đối với giáo viên và học sinh cả về phương diện tâm lý lẫn phương diện địa lý, và giáo viên có rất nhiều thuận lợi trong việc tổ chức cho học sinh tham quan thực địa, tiếp xúc nhân chứng theo đúng yêu cầu sư phạm và đặc trưng môn học.

Thực địa ấy trước hết là các di tích lịch sử như thành Điện Hải, như Hải Vân quan, như Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang, như Khu căn cứ cách mạng B1-Hồng Phước, như Khu căn cứ cách mạng K20… Thực địa ấy còn là các làng nghề truyền thống, kể cả các làng chài ven bờ Biển Đông và ven vịnh Đà Nẵng. Chỉ có điều- cũng như các nhân chứng – các làng nghề ấy đang dần mai một theo thời gian.

Đương nhiên thời buổi này khó có thể bảo tồn các di tích lịch sử nguyên vẹn đến từng viên gạch/viên ngói, đến từng căn hầm/địa đạo… Mà thực ra giữ được nguyên vẹn như vậy cũng rất ít ý nghĩa nếu như truyền thống từ các di tích vật thể ấy không được chuyển hóa thành nỗi niềm cảm cựu đằm sâu trong ký ức người đời.

Nhà văn Nga Ilya Ehrenburg có một truyện cực ngắn rất hay cực tả sự bất tử của những người ngã xuống vì đất nước: Chúng tôi đến thăm vợ một đồng đội mới hy sinh. Chúng tôi đồng thanh: – Chị ơi, anh ấy vẫn đang sống… Trong trái tim chúng tôi! Đằng sau và ngay giữa dấu ba chấm ấy là nỗi niềm cảm cựu thật sự mênh mang của người vợ liệt sĩ cũng như của các người lính Hồng quân vừa trở về từ chiến trường lửa đạn.

Còn có một thiết chế văn hóa mà giáo viên có thể đưa học sinh tham quan cùng lúc nhiều thực địa, tiếp xúc cùng lúc nhiều nhân chứng – đó là các bảo tàng, như Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Quân khu 5, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo…; hay như Nhà trưng bày Hoàng Sa – một bảo tàng chuyên đề về lịch sử xác lập và thực thi chủ quyền của người Việt đối với quần đảo Hoàng Sa…

Muốn cho nội dung giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng của địa phương tại các bảo tàng đạt hiệu quả cao nhất, bên cạnh việc tạo điều kiện để học sinh được “mắt thấy”/tận mục sở thị các hiện vật và tư liệu trưng bày, còn phải làm thế nào để các em được “tai nghe” qua lời thuyết minh vừa đúng vừa hay, vừa đầy cảm hứng vừa rất chuyên nghiệp của hướng dẫn viên – chưa kể hiệu quả giáo dục còn có thể tăng lên hơn nữa nếu bảo tàng nào cũng xây dựng được hệ thống bảo tàng ảo tương tác 3D…

BÙI VĂN TIẾNG

Tin liên quan