Đột phá về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa

Với việc đón Bằng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt thành Điện Hải, nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, lịch sử trên địa bàn thành phố xem đây là bước đột phá về hoạt động văn hóa, cụ thể hơn là bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa tại Đà Nẵng.

Thành Điện Hải trong tương lai là điểm đến hấp dẫn về văn hóa, lịch sử của người dân trong và ngoài nước.
Thành Điện Hải trong tương lai là điểm đến hấp dẫn về văn hóa, lịch sử của người dân trong và ngoài nước.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, một thời gian dài di tích thành Điện Hải bị xâm phạm, không chỉ người Pháp mà cả người Việt, không chỉ trước ngày giải phóng mà cả sau ngày giải phóng, và không chỉ trước thời gian công nhận lẫn sau thời gian công nhận di tích quốc gia (1988), không chỉ với công trình dân sinh mà cả các công trình lớn của Nhà nước.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin thành phố, không chỉ thành Điện Hải mà nhiều công trình văn hóa, di tích văn hóa, lịch sử khác trên địa bàn thành phố chưa được quan tâm đúng mức. “Bài học đề cao giá trị quá khứ vẫn còn hiển hiện. Và tôi lấy làm phấn khởi với sự thay đổi trong nhận thức của lãnh đạo về giá trị văn hóa, lịch sử của thành phố”, ông Tuấn nói.

Có thể nói, sự quan tâm của lãnh đạo cùng sự tham mưu bền bỉ và quyết liệt của ngành văn hóa, của những người làm công tác bảo tồn, đã tạo nên những thay đổi rõ nét trong việc quản lý, bảo vệ, giữ gìn và phát huy các di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn. Riêng đối với thành Điện Hải, sau khi quyết định dừng hẳn việc xây dựng Trung tâm Lưu trữ ở phía bắc và giải tỏa toàn bộ 80 hộ dân ở phía tây, lãnh đạo thành phố quyết định đầu tư dự án bảo tồn, phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị di tích thành Điện Hải, chuyển Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay ra khỏi thành để trả không gian này cho di sản.

Điểm đáng chú ý nữa đối với công tác bảo tồn trên địa bàn thành phố thời gian qua là di tích Hải Vân quan được “cứu” sau nhiều năm xuống cấp, hoang phế. Đây cũng là lần đầu tiên ngành văn hóa, thể thao thành phố Đà Nẵng và ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế cùng phối hợp lập hồ sơ, báo cáo lãnh đạo hai địa phương trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia; sau đó hai địa phương bắt tay lập dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Hải Vân quan hướng đến một địa chỉ văn hóa, lịch sử, du lịch trong những năm đến.

Bên cạnh đó, công tác khảo sát, lập hồ sơ và tiến hành trùng tu, tôn tạo các di tích cũng được triển khai đồng bộ như trình UBND thành phố công nhận đình Phước Trường và đình Nại Hiên Đông là di tích cấp thành phố, lập hồ sơ khoa học cho di tích “Nghĩa địa Pháp – Tây Ban Nha”, “Di chỉ Chăm Phong Lệ” và “Di chỉ vườn đình Khuê Bắc” và nhiều di tích khác trên địa bàn. Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, số hóa tư liệu di tích, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến đơn thư, kiến nghị, khiếu nại, xâm hại về di tích và tiếp tục theo dõi, thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên.

Như vậy, đến nay, trên địa bàn thành phố có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 18 di tích cấp quốc gia, 51 di tích cấp thành phố. Nhiều ý kiến cho rằng, thành Điện Hải sau gần 200 năm bị xâm hại nặng nề, được khôi phục, tôn tạo đã trở thành điểm sáng của ngành văn hóa Đà Nẵng. Trong tương lai gần, thành Điện Hải sẽ được phục dựng, trở thành điểm sáng không chỉ ở lĩnh vực văn hóa mà còn góp phần thu hút khách du lịch đến với thành phố. Nhìn từ thành Điện Hải, có thể thấy bài toán về bảo tồn và phát triển được giải quyết từ đây và là nền tảng để nhân rộng với những di sản văn hóa khác của thành phố, đặc biệt với những di tích cấp quốc gia đang bị xâm hại hiện nay.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

Tin liên quan