Độc đáo điệu múa Chiêu của người Xơ Đă

Với người Xơ đăng ở các huyện miền núi Bắc Trà My, Nam Trà My, điệu múa Chiêu là điệu múa nghi lễ độc đáo, không chỉ đơn thuần là nghệ thuật múa mà còn mang âm hưởng của hồn thiêng sông núi; nó đánh thức sức sống của họ và tạo thêm niềm tin yêu cháy bỏng cuộc sống an lành và hạnh phúc, góp phần tạo nên bản sắc của tộc người Xơ đăng.
Khi điền dã nhiều ngày tại các xã Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang (Nam Trà My), chúng tôi có dịp chứng kiến và tìm hiểu về điệu múa Chiêu của người Xơ đăng. Theo số người lớn tuổi ở xã Trà Nam và Trà Linh, thì điệu múa Chiêu chỉ xuất hiện ở những lễ hội có các con vật hiến sinh như trâu, dê, heo… vào dịp hằng năm làng sửa lại máng nước như lễ cúng thần nước (Yang Đắk), lễ cúng tạ ơn thần lúa (Yang Sơri), lễ cúng dựng nhà rông mới, lễ ăn cơm mới, lễ mừng sức khỏe cộng đồng… Theo họ, Chiêu là điệu múa nghi lễ có từ thời xa xưa, biểu hiện sự thành kính của dân làng đối với các vị thần linh.
Múa Chiêu chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Xơ đăng. Điệu múa này là một trong những biểu hiện quan trọng về sự gắn kết của cộng đồng, nó trở thành biểu tượng của tộc người Xơ đăng vùng Trà My. Điệu múa này luôn được xem như là phương tiện giao tiếp của con người với thần linh, tổ tiên, ông bà, như lời chào mời, dâng lễ, phản ánh văn hóa ứng xử và chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của con người với thế giới thần linh bằng động tác. Đồng thời điệu múa Chiêu cũng mang tính nghệ thuật rất cao, đậm đặc ngôn ngữ múa. Yếu tố tạo hình được kết hợp với động tác vô cùng uyển chuyển, linh hoạt của những trai gái, đàn ông, phụ nữ Xơ đăng.
Điệu múa Chiêu được lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay. Các đội múa Chiêu được tổ chức khá chặt chẽ, số thành viên luôn là số chẵn và cùng độ tuổi, thường mỗi đội có từ 10 đến 16 người tham gia. Khi hòa cùng với nhịp chiêng, thanh la và trống trong các lễ hội truyền thống thì múa Chiêu không dồn dập, rộn rã thúc giục mà luôn chậm rãi, khoan thai, đĩnh đạc. Trong điệu múa Chiêu, những trai gái, đàn ông, phụ nữ Xơ đăng tay nắm chặt tay trong vòng chiêu đối diện nhau, nhún theo nhịp chiêng, cồng, thanh la và trống. Theo quy trình, vòng chiêu di chuyển chậm quanh cây nêu (cột buộc trâu làm lễ hiến sinh), hoặc nơi đặt mâm lễ cúng theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Bàn chân của những trai gái, đàn ông, phụ nữ Xơ đăng gần như không bước, không rời mặt đất, mà dùng gót chân và mũi bàn chân nhích dần theo hướng dịch chuyển.
Nhìn chung, trong các điệu múa Chiêu thì động tác chân của những trai gái, đàn ông, phụ nữ cơ bản giống nhau, nhưng qua các động tác tay, chúng ta có thể phân biệt đó là lễ hội nào hay lễ tang ma. Khi múa chiêu trong các lễ hội truyền thống, dù xoay về hướng nào thì hai cánh tay của người múa bao giờ cũng giữ nguyên tư thế đưa vòng ra trước ngực, lòng bàn tay hướng vào trong, các đầu ngón tay chạm nhau, vẻ mặt luôn cung kính, mời thần linh nhận những vật hiến tế đồng thời cầu xin thần linh, tổ tiên, ông bà phù hộ được che chở, giúp đỡ để cộng đồng luôn khỏe mạnh đoàn kết, thóc lúa đầy kho, trâu bò, heo gà đầy chuồng. Sự thành kính trong động tác múa Chiêu của những trai gái, đàn ông, phụ nữ làm tăng thêm yếu tố tâm linh, huyền bí của lễ hội. Còn múa Chiêu trong đám tang ma khi gia đình có người chết, thì hai tay của những người múa bao giờ cũng dang rộng tấm choàng, giống như cánh bướm dập dìu, bay lượn. Nửa thân người phía trên chao nhẹ theo nhịp cồng chiêng, thanh la tạo cảm giác lâng lâng, bay bổng. Theo quan niệm của người Xơ đăng, lúc này người chết chưa về thế giới của ma, họ đang rong ruổi thăm bạn bè đâu đó ở xa. Ý nghĩ ấy được gửi vào điệu múa, biểu hiện sự quyến luyến đối với việc ra đi của một người thân trong gia đình.
Trong các lễ hội truyền thống và cả trong lễ tang ma của người Xơ đăng thì cả cồng chiêng, thanh la, trống và điệu múa chiêu là những thành tố có mối quan hệ chặt chẽ, hòa quyện không thể tách rời. Ở đó cồng chiêng, thanh la và trống làm nền, dẫn dắt, thổi sức sống vào từng điệu múa chiêu. Ngược lại, múa chiêu cũng nhằm nâng giá trị của cồng chiêng, thanh la. Sự kết hợp đó tạo nên một môi trường diễn xướng hài hòa, làm cho mỗi thành tố đều thể hiện được sự độc đáo của mình. Nếu thiếu một trong hai thành tố đó thì sự phong phú của lễ hội sẽ giảm đi rất nhiều.
Chiêu là điệu múa, nghi lễ độc đáo đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, góp phần làm phong phú vốn văn hóa truyền thống của tộc người Xơ đăng. Tuy nhiên, việc duy trì, bảo tồn điệu múa Chiêu đang gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế và sự không mặn mà của lớp trẻ; rất cần sự quan tâm của ngành văn hóa và chính quyền địa phương.
Bài và ảnh: Nguyễn Văn Sơn 
(Bảo tàng tỉnh Quảng Nam)

Tin liên quan