Đình Đại La

Đình Đại La hiện tọa lạc tại thôn Đại La, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

      Làng Đại La có địa hình chủ yếu là núi đồi. Bởi vậy, trong lịch sử sinh hoạt kinh tế chủ yếu của người dân nơi đây là làm ruộng dưới các ô trũng hẹp kết hợp với nghề khai thác lâm sản. Đây là mảnh đất được khai phá muộn, đến nửa sau thế kỷ XVIII, làng đại La mới chính thức được hình thành. Tên gọi Đại La cũng bắt đầu từ đó.

Tương truyền, vào khoảng đời vua Quang Trung (1788 – 1792) nhân dân Đại La đã dựng ngôi đình đầu tiên tại gò Gia, bằng tranh tre. Khi ngôi đình này bị hư hỏng, vào ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1802), dân làng dựng lại ngôi đình mới tại một địa điểm khác gọi là cấm gò Giá. Đến đời Tự Đức thứ 18 (1865) thì đình lại bị đốt phá nên dân làng lại dời tới vị trí hiện nay.

Đình Đại La được làm theo kiểu 3 gian 2 chái, tường xây bằng đá chẻ, dày 0,32m. Mái đình lợp ngói âm dương. Ban thờ chính giữa thờ thần. Hai bên tả ban hữu ban thờ tiền hiền và hậu hiền. Trên bờ nóc trang trí hình “lưỡng long triều nguyệt”. Bốn đầu bờ dải trang trí hình con phụng và con lân. Phía trước đình là bình phong cao 2,98m, rộng 2,30m, dày 0,56m.

Hàng năm, đình có ba lễ giỗ chính vào các ngày 24/1 (Âm lịch) là ngày vía Bà Chúa Ngọc. Ngày 12 tháng 3 (Âm lịch) là lễ Cầu an. Ngày 12 tháng 4 (Âm lịch) là ngày kỵ giỗ tiền hiền và giỗ âm linh.

Do nhiều lần di dời và bị đốt phá nên hiện nay đình chỉ còn giữ được 15 sắc phong cùng hộp đựng sắc bằng gỗ và một khám thờ cũng bằng gỗ. Trong các sắc phong còn lưu giữ được thì sắc phong có niên đại sớm nhất là sắc phong năm Minh Mạng thứ 2 (1821), sắc phong có niên đại muộn nhất có niên đại Khải Định thứ 9 (1924).

Đình Đại La được công nhận là Di tích cấp thành phố tại tại Quyết định số 151/QĐ- UBND ngày 08/01/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Tin liên quan