Đà Nẵng đón bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn

Tại buổi lễ đón nhận được UBND TP Đà Nẵng tổ chức trọng thể sáng 20/01, thay mặt lãnh đạo Chính phủ và Bộ VHTT&DL, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy đã trao cho Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn được xếp hạng Di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia từ năm 1980. Gần 40 năm qua, người Đà Nẵng ra sức gìn giữ và nâng cấp danh thắng này với tất cả niềm tự hào đối với một báu vật thiên nhiên hào phóng ban tặng cho Đà Nẵng đồng thời cũng là nơi lưu dấu nhiều giá trị văn hóa, lịch sử mà cha ông xưa đã dày công gây dựng và trao truyền lại cho đời sau.

Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn tổ chức sáng 20/01
(Ảnh: HC)

Và một niềm vui mới lại đến với Đà Nẵng, ngày 24/12/2018 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di tích quốc gia đặc biệt, thể hiện sự ghi nhận của nhà nước đối với đóng góp đáng khích lệ của chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Sáng 20/01, buổi lễ đón nhận được UBND TP Đà Nẵng tổ chức trọng thể ngay dưới chân ngọn núi Thủy Sơn, thay mặt lãnh đạo Chính phủ và Bộ VHTT&DL, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy đã trao cho Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Xuất phát từ yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển KT-XH, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng cần tiến hành một số công việc cụ thể trong thời gian tới. Đặc biệt là triển khai lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển KT-XH TP Đà Nẵng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thay mặt lãnh đạo Chính phủ và Bộ VHTT&DL, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy đã trao cho Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn (Ảnh: HC)

Nội dung quy hoạch cần làm rõ những định hướng bảo tồn như: tu bổ, tôn tạo các yếu tố gốc và di sản văn hóa phi vật thể liên quan; xây dựng không gian trưng bày sản phẩm làng nghề đá Non Nước gắn với không gian công viên lịch sử văn hóa Ngũ Hành Sơn. Đồng thời xây dựng phương án khai thác du lịch. văn hóa kết nối điểm di tích, danh lam thắng cảnh đặc biệt quan trọng này với các di tích, danh lam thắng cảnh khác của TP Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, để Ngũ Hành Sơn trở thành điểm đến du lịch thực sự hấp dẫn thu hút đông đảo khách tham quan.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng yêu cầu đổi mới công tác giới thiệu, tuyên truyền về giá trị di tích, danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn bằng những hình thức phù hợp, qua đó nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh trong cộng đồng. Kiện toàn bộ máy quản lý di tích, danh lam thắng cảnh phù hợp với những quy định của pháp luật về phân cấp quản lý di tích, đáp ứng nhu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh của địa phương trong điều kiện hiện nay.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nêu rõ: “Đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn, người Đà Nẵng càng thấy rõ trách nhiệm trong việc gìn giữ và nâng cấp danh thắng này. Vẫn biết đã là di tích quốc gia hay di tích quốc gia đặc biệt thì danh thắng Ngũ Hành Sơn là tài sản chung, là “quốc bảo” của cả nước. Tuy nhiên đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn hôm nay, người Đà Nẵng cũng ý thức được rằng trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản nói chung, danh thắng này nói riêng, trách nhiệm gánh vác của cư dân bản địa là rất quan trọng!”.

Lãnh đạo Bộ VHTT&DL cùng TP Đà Nẵng thực hiện nghi thức cắm mốc Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn (Ảnh: HC)

Thay mặt lãnh đạo TP, ông Huỳnh Đức Thơ hứa với Thủ tướng Chính phủ và nhân dân cả nước, người Đà Nẵng sẽ nỗ lực hết mình để xứng đáng với trọng trách nêu trên. Các giá trị văn hóa và lịch sử liên quan đến danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ được tổ chức nghiên cứu thật sự bài bản chuyên nghiệp và có hệ thống nhằm làm tiền đề giáo dục truyền thống sâu sắc hơn, để quảng bá hình ảnh Ngũ Hành Sơn sâu rộng hơn.

Ông khẳng định, việc trùng tu tôn tạo các di sản văn hóa lịch sử cũng như những dự án phát triển kinh tế, khuếch trương du lịch trên địa bàn danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ được tiến hành nghiêm túc hơn, đúng luật định hơn.

“Chúng tôi ý thức rằng càng giữ nguyên vẹn Ngũ Hành Sơn về phương diện cảnh quan tự nhiên cũng như về phương diện di sản văn hóa lịch sử, thì càng thu hút du khách thập phương đến với danh thắng này, nghĩa là càng thêm kinh tế, chứ không phải ngược lại…” – Ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chính thức giao trách nhiệm cho Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì và phối hợp với UBND quận Ngũ Hành Sơn cùng các cơ quan hữu quan sớm tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng lập Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị bền vững của di tích quốc gia dặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn gắn với phát triển KT-XH của TP, trình Thủ tướng phê duyệt theo đúng Nghị định 166/2018/NĐ-CP (ngày 25/12/2018) của Chính phủ.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chúc mừng nguyên Bộ trưởng VH-TT-DL, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hoàng Tuấn Anh (đứng giữa) và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhân sự kiện đón bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn (Ảnh: HC)

Đồng thời hoàn thiện kế hoạch quản lý tổng thể, tham mưu xây dựng các quy định, quy chế về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với danh thắng Ngũ Hành Sơn; chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trên lĩnh vực này; tổ chức kiểm tra, giám sát, bảo vệ nghiêm ngặt các di tích lịch sử – văn hóa, di chỉ khảo cổ, di vật, cổ vật và cảnh quan môi trường.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng giao Sở Du lịch xây dựng phương án khai thác du lịch-văn hóa theo hướng kết nối danh thắng Ngũ Hành Sơn với các danh thắng khác của Đà Nẵng và của các tỉnh lân cận, để di tích quốc gia dặc biệt này trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng đông đảo khách tham quan.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn nằm cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 8km về hướng Đông Nam (thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Tọa lạc giữa vùng đất bằng phẳng trên diện tích khoảng 2km2, hình dáng Ngũ Hành Sơn vút lên không trung, vươn ra giữa trập trùng mây nước, tưởng như một sự sắp xếp thẩm mỹ và ý tứ của tạo vật, luôn tạo nên ấn tượng choáng ngợp, tràn trề xúc cảm với du khách khi lần đầu tiên đến thăm danh thắng này.

Năm ngọn núi đá vôi có tên gọi theo Ngù hành: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hòa Sơn (gồm Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn) và Thổ Sơn. Mỗi ngọn núi có một vẻ đẹp riêng về hình dáng, vị trí, chất liệu đá, về hang động, chùa chiền bên trong. Trong đó, Thủy Sơn là ngọn núi lớn nhất và cũng kiều diễm nhất. Núi cao 106m, có 3 ngọn ở 3 tầng giống như 3 ngôi sao (tam Thai). Đây là nơi tập trung nhiều hang động, chùa chiền nhất.

Ngũ Hành Sơn còn có một tên gọi phổ biến và lâu đời hơn cả là núi Non Nước. Trong các thư tịch cổ, địa danh núi Non Nước đã xuất hiện hơn 05 thế kỷ, ca dao xứ Quảng có dâu: “Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Sấm rền Non Nước trời đà chuyển mưa”. Nhìn từ trên cao, Ngũ Hành Sơn giống như mộ bàn tay của Trời ấn định nơi đây là vùng đất thiêng.

Gần 200 năm trước, vua Minh Mạng từng đến đây, tự mình đặt tên cho ngọn núi, cho các hang động, chùa chiền. Không ai biết những cái tên như Ngũ Hành Sơn, Huyền Không, Hóa Nghiêm, Lăng Hư, Tàng Chân, Vân Nguyệt, Thiên Long… đã làm nhà vua phải suy nghĩ mất bao nhiều thời gian, nhưng có một điều chắc chắn rằng, giữa những lo toan quốc kế dân sinh, trong tâm hồn của vị vua này, cảnh trí Ngũ Hành Sơn đã chiếm một phần quan trọng như một nỗi tự hào về một miền đất xinh đẹp và hùng vĩ.

Được xem là “Nam thiên Đệ nhất danh thắng”, Ngũ Hành Sơn với khí thiêng hun đúc cả ngàn năm, từ Chăm đến Việt; với truyền thống Phật giáo và các tín ngưỡng địa phương được xác lập trong một không gian đặc thù. Nơi đây, những giá trị đích thực về tầng văn hóa, lịch sử của một di sản còn in đậm qua hàng chục công trình chùa tháp, hang động, các tác phẩm điêu khắc; với Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức hàng năm. Tất cả đã góp phần xây dựng nên văn hóa tâm linh cho vùng đất thiêng này.

HẢI CHÂU

 

Tin liên quan