CỐI XAY LÚA

Nghề trồng lúa nước từ lâu đã trở thành nghề truyền thống của người nông dân Việt. Từ buổi đầu khẩn hoang mở mang bờ cõi, họ đã biết trồng lúa làm lương thực để duy trì sự sống. Hạt gạo được làm ra phải trải qua nhiều giai đoạn từ gieo trồng, chăm sóc đến gặt rồi  mang về xay, giã. Bằng sự thông minh cần mẫn, họ đã tự sáng tạo ra nhiều công cụ phục vụ cho việc sản xuất lúa gạo. Thành công lớn trong sản xuất nông cụ của người nông dân có thể kể đến là chiếc cối xay lúa, loại nông cụ dùng để tách vỏ lúa mà ở nông thôn trước đây hầu như nhà nào cũng có một chiếc. Đến nay khi đã có máy xát lúa bằng điện thay thế,  nhu cầu người dùng cối xay tre bắt đầu thưa dần, công việc của nhà nông nhờ đó cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Chiếc cối xay ngày càng vắng bóng tại các vùng quê, nhưng giờ đây lại xuất hiện tại các bảo tàng kéo nhiều người trở về với những ký ức đẹp của một thời gian khó.

Tại không gian giới thiệu về nông nghiệp cổ truyền, Bảo tàng Đà Nẵng hiện đang trưng bày chiếc cối xay lúa được làm từ nghệ nhân Nguyễn Trang là một trong số ít những “nghệ nhân” còn chế tác ra những đồ dùng nông nghiệp truyền thống tại thôn Cổ An 5 (Điện Nam, Điện Bàn, Quảng Nam). Chiếc cối xay thủ công chủ yếu được làm bằng tre, gỗ, đất sét. Cối xay gồm hai bộ phận, phần dưới cố định, phần trên chuyển động xung quanh trục gắn chặt với phần dưới. Ở mặt tiếp xúc giữa  hai phần cối có các đường khía, vết sần để tăng thêm độ ma sát làm hạt lúa dễ tróc vỏ. Hai phần cối làm bằng các dăm tre xếp sít nhau, phía ngoài có đai tre ken sít. Thớt cối được trộn thêm đất để cối đủ nặng, không bị rung khi sử dụng. Tay cối có cần móc vào tai cối, cần có tác dụng biến chuyển động thẳng do tay đẩy thành chuyển động tròn. Đến mùa gặt, lúa phơi khô xong, người dân bắt đầu đổ vào cối để xay. Khi xay lúa, người ta đổ lúa vào cối một lượng lúa vừa phải, để sao cho khi xay, lúa không bị văng ra ngoài. Người xay lúa cần phải có một lực mạnh nhất định để lúa mới được quay đều, không bị nát. Chính vì thế, công việc xay lúa thường được các ông bố, con trai lực lưỡng trong nhà đảm nhiệm. Song song với mỗi vòng quay đều đặn, nhịp nhàng ấy lại phát ra những tiếng kêu cút kít rất vui tai.

Cùng với chiếc cối xay lúa và những nông cụ thân quen khác trong không gian trưng bày nông nghiệp, Bảo tàng Đà Nẵng mong muốn đem đến cho du khách – nhất là các bạn trẻ vốn chỉ quen cảnh phố xá sẽ dễ hình dung được cuộc sống của  người nông dân thông qua các hiện vật bảo tàng, đồng thời kể lại câu chuyện gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước với biết bao kỷ niệm thân thương của đồng đất, rơm rạ không thể nào quên.

 

                                                                                 Thế Liên

                                                         (Phòng Sưu tầm – Trưng bày và Bảo quản)

Tin liên quan