BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ NHÀ CỔ DÂN GIAN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Nhằm triển khai các nhiệm vụ của Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 – 2025” đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt tại Quyết định số 3072/QĐ-UBND ngày 27/9/2021, trong đó có nội dung liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị hệ thống nhà cổ dân gian truyền thống trên địa bàn thành phố. Ngày 30/5/2023, Bảo tàng Đà Nẵng đã có buổi làm việc với gia đình ông Thi Lý Thanh (thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) nhằm trao đổi, tìm hiểu những nội dung liên quan đến lịch sử xây dựng của ngôi nhà cổ.

Ông Thi Lý Thanh – Chủ sở hữu ngôi nhà cổ ở thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang cho biết, ngôi nhà được xây dựng cách đây khoảng 120 năm, theo mô tip kiến trúc Pháp kết hợp với kiến trúc truyền thống xứ Quảng, ngôi nhà có diện tích khoảng 90m2. Kết cấu bên trong nhà cổ theo kiểu 3 gian, 2 chái, 2 tầng, với hệ khung cột, vì kèo bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, cửa chính theo kiểu Thượng song Hạ bản…Ngôi nhà đến đời ông đã trải qua bốn thế hệ. Hiện nay, ngôi nhà được dùng làm nơi thờ tự, sinh hoạt của gia đình. Trong quá trình sử dụng, gia đình luôn cố gắng gìn giữ một cách tốt nhất hiện trạng của ngôi nhà cho đến ngày nay.

Cổng vào ngôi nhà cổ gia đình ông Thi Lý Thanh tại thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang

Nhà cổ gia đình ông Thi Lý Thanh

Không gian bên trong ngôi nhà cổ

Kết cấu hệ khung cột, bộ vì theo kiểu kèo xuyên tâm

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bảo tàng Đà Nẵng cũng đã trao đổi với gia đình ông Thi Lý Thanh về những chủ trương của lãnh đạo thành phố, của Sở Văn hóa và Thể thao về công tác xếp hạng, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và công tác khai thác, phát huy giá trị di tích đối với loại hình nhà cổ.

Lãnh đạo Bảo tàng Đà Nẵng khảo sát và làm việc

với đại diện chủ sở hữu ngôi nhà

Trong thời gian đến, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các phương án xây dựng hồ sơ khoa học, lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ để phát huy giá trị. Đồng thời tiến đến xây dựng các điểm du lịch nhà cổ dân gian truyền thống lồng ghép, kết nối với các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, góp phần định hình cho những nhà cổ trên địa bàn trở thành điểm tham quan thu hút du khách khi đến thành phố Đà Nẵng.

(Đặng Văn Khoa – Phòng Quản lý Di sản Văn hóa)

Tin liên quan