Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch: Người dân là chủ thể

Đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng” của UBND quận Liên Chiểu đã được Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng hỗ trợ, tư vấn…, kỳ vọng sẽ đưa ra các giải pháp duy trì sản xuất đối với làng nghề nước mắm ở Nam Ô.

Ông Trần Ngọc Vinh (trong ảnh), Chủ nhiệm Hội Làng nghề Nước mắm Nam Ô, tin tưởng vào tương lai phát triển của làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô. Ảnh: K. hòa
Ông Trần Ngọc Vinh (trong ảnh), Chủ nhiệm Hội Làng nghề Nước mắm Nam Ô, tin tưởng vào tương lai phát triển của làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô. Ảnh: K. hòa

Đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng” đưa ra những gợi ý cụ thể trong việc phát triển làng nghề như nhanh chóng đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, hình thành khu trưng bày làng nghề; tuyên truyền, tập huấn phục vụ du lịch cho người dân tại làng nghề; khuyến khích người dân địa phương tích cực tham gia vào các hoạt động liên quan đến chủ trương này tại làng nghề trong những năm đến.

Theo Phòng Kinh tế quận Liên Chiểu, Đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng” được thực hiện trong giai đoạn 2020-2025, với tổng kinh phí gần 4,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố là 4 tỷ đồng và ngân sách quận là 665 triệu đồng. Đề án nêu rõ mục tiêu, xây dựng nước mắm Nam Ô trở thành sản phẩm du lịch, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của làng nghề, khai thác tiềm năng của các di tích, phong cảnh cũng như phong trào văn nghệ của địa phương; từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động địa phương.

Để đạt được mục tiêu này, UBND quận Liên Chiểu đề xuất đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như hình thành khu trưng bày làng nghề với diện tích khoảng 5.000m2 cuối đường Nguyễn Tất Thành; trùng tu, cải tạo các di tích trên địa bàn quận nói chung và ưu tiên cho các di tích tại làng Nam Ô nói riêng, như dinh Âm Hồn, miếu Bà Liễu Hạnh…; vận động các cơ sở sản xuất và hộ dân sản xuất nước mắm tu bổ nhà ở, nhà xưởng/nơi sản xuất nước mắm phù hợp để có thể làm nơi trình diễn, tham quan phục vụ du khách; cải tạo đường giao thông trong làng nghề và hệ thống giao thông đến các di tích, điểm du lịch trên địa bàn; tăng cường quảng bá du lịch làng nghề nước mắm Nam Ô.

Đặc biệt, dự án bổ sung làng nghề nước mắm Nam Ô vào các tour du lịch hiện có như tour Đà Nẵng-Bà Nà Hills; Đà Nẵng – Vịnh Lăng Cô – Huế, Đà Nẵng – Huế – Quảng Bình…; xây dựng tour du lịch bằng đường sông từ làng nghề nước mắm Nam Ô – dọc sông Cu Đê lên Trường Định – Khu du lịch sinh thái cộng đồng tại thôn Tà Lang – Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang)…

Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ nhiệm Hội Làng nghề Nước mắm Nam Ô cho biết, hiện nay, bên cạnh lớp người già trong làng chủ yếu sản xuất theo lối truyền thống với sản lượng nhỏ chỉ từ 3-5 tấn cá/năm, thì ngày càng có nhiều người trẻ trong vùng quan tâm đến nghề truyền thống của cha ông. Nhiều người trẻ ở vùng đất Nam Ô đã mạnh dạn đứng ra thành lập công ty, tìm kiếm thị trường để tìm hướng đi bền vững hơn cho sản phẩm nước mắm Nam Ô. “Tôi tin rằng, trong thời gian tới, Hội Làng nghề Nước mắm Nam Ô sẽ có bộ mặt khởi sắc hơn với sự tham gia của những thành viên trẻ tuổi, xông xáo, nhiệt tình và có trách nhiệm với làng nghề truyền thống của địa phương cũng như thành phố”, ông Vinh bày tỏ. Trong khi đó, anh Bùi Thanh Phú, Giám đốc Công ty TNHH Nước mắm Hồng Hương bày tỏ mong muốn được bảo tồn làng nghề cũng như người dân làng nghề được tham gia trực tiếp vào quá trình bảo tồn, trùng tu, thực hiện các mục tiêu phát triển làng nghề theo định hướng mới.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Cao Trí Dũng cho rằng, nếu được triển khai thì làng nghề nước mắm Nam Ô sẽ trở thành một sản phẩm thương mại, quà tặng quá tốt của thành phố để phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, trước mắt cần phải được quy hoạch cảnh quan, có các điểm  dừng đỗ để phục vụ cho du khách muốn ghé thăm làng nghề…

Song song với đề án của UBND quận Liên Chiểu, Bảo tàng Đà Nẵng cũng đã làm hồ sơ gửi ra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận làng nghề nước mắm Nam Ô là “làng nghề truyền thống phi vật thể”. Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, nếu được công nhận là làng nghề truyền thống phi vật thể thì không chỉ giúp giữ gìn, phát triển được làng nghề mà còn đưa sản phẩm của làng nghề đến với công chúng không chỉ trong nước và quốc tế.

Điều này không chỉ khẳng định uy tín, thương hiệu của làng nghề mà còn khuyến khích bà con mở rộng cơ sở làng nghề và quan trọng nhất là vai trò của “nghệ nhân trao truyền”, tức là những người già, người lớn tuổi sẽ truyền nghề cho người trẻ, cùng giữ lửa nghề… “Tôi mong muốn UBND quận Liên Chiểu sẽ nhanh chóng xây dựng được thương hiệu bảo hộ cho nước mắm Nam Ô để những người làm nghề không chỉ sống được với làng nghề mà còn bảo đảm được thương hiệu của làng nghề không bị làm giả, làm nhái sau này”.

KHÁNH HÒA – THU HÀ

Tin liên quan