Trưng bày thường xuyên

Giới thiệu khái quát về thành phố Đà nẵng, Đà Nẵng thời tiền sơ sử, các bộ sưu tập cổ vật, đời sống ngư dân biển và cảng biển, nông nghiệp cổ truyền, một số nghề thủ công tiêu biểu ở Đà Nẵng, Đà Nẵng hội nhập và phát triển.  

Gian long trọng

Không gian được thiết kế theo hình vòng cung, lấy ý tưởng từ thế đất Đà Nẵng như một vòng tay ôm lấy biển khơi. Mảnh đai vách chính tạo thành 5 cánh buồm, tượng trưng cho thành phố biển đang vươn ra biển lớn. Năm cánh buồm mang các bức phù điêu với nội dung: Đà Nẵng trong tiến trình lịch sử của đất nước.

Đặc biệt, gian long trọng giới thiệu hiện vật chiếc Trống đồng được đúc theo phương pháp thủ công truyền thống Đông Sơn, là 1 trong 100 chiếc trống đồng được dâng lên Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội.

Chủ đề I:   Một số hình ảnh và hiện vật về điều kiện tự nhiên

Trong phần trưng bày này, bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu hình ảnh, hiện vật đặc trưng về hệ sinh thái biển, bộ sưu tập những mẫu vật về tài nguyên địa chất khoáng sản, đặc điểm khí hậu thủy văn của thành phố Đà Nẵng.

Chủ đề II:   Bộ sưu tập hiện vật về Đà Nẵng thời Tiền – Sơ Sử

Giới thiệu một số hiện vật thuộc Văn hóa Sa Huỳnh được khai quật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, vùng đất được coi là một trong những trung tâm mang đầy đủ những đặc trưng của nền văn hóa khảo cổ học nổi tiếng này.

Hiện vật gồm có bộ sưu tập đồ trang sức, đồ sắt, đồ gốm, đồ đá,… tìm thấy tại các di chỉ khảo cổ học như: Bàu Trám, Phú Hòa, Tam Mỹ, Quế Lộc, Đại Lãnh,…

Giới thiệu những hiện vật phát hiện tại hai di chỉ khảo cổ học Nam Thổ Sơn và Vườn đình Khuê Bắc (Phường Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng). Tiêu biểu như: mộ nồi, rìu có vai, khuyên tai, bàn mài, tiền Ngũ thù thời Hán (Trung Hoa),…thuộc giai đoạn sơ kỳ kim khí, tiền Sa Huỳnh. Điều này chứng tỏ Đà Nẵng là vùng đất cổ, cách đây khoảng 3000 năm đã có cư dân sinh sống và từng hình thành một kiểu “làng – bến – thị tứ có quan hệ giao thương, tiếp xúc văn hóa với bên ngoài” (Gs. Trần Quốc Vượng).

 

Chủ đề III:   Các bộ sưu tập cổ vật  

-Sưu tập cổ vật đồ đồng mang phong cách thời Thương – Chu (Trung Quốc) (Thế kỷ XVIII Tr.CN – III Tr.CN)

– Bộ sưu tập tượng thờ có niên đại vào khoảng từ thế kỷ XVII – XIX.

– Bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, gốm sứ Việt Nam và gốm sứ Trung Quốc.

– Bộ sưu tập gốm Chu Đậu được trục vớt từ tàu đắm cổ ở Hội An (huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương) có niên đại khoảng thế kỷ XIV – thế kỷ XVII.

Chủ đề IV:  Đời sống ngư dân và cảng biển Đà Nẵng

Giới thiệu đời sống cư dân biển và lễ hội văn hóa biển Đà Nẵng. Trong đó, nổi bật là mô hình chiếc ghe bầu – đặc trưng của xứ Quảng nói riêng và của cư dân biển miền Nam Trung Bộ nói chung, thịnh hành vào khoảng thế kỷ XVI – cuối thế kỷ XVIII.

Giới thiệu các phương tiện đánh bắt thô sơ gần bờ, các loại ngư cụ truyền thống chủ yếu do ngư dân tự làm ra và cải tiến trong quá trình sử dụng: ghe biển, thuyền thúng, lưới, câu, cào, vợt…

Tiêu biểu nhất trong đời sống tâm linh và sinh hoạt văn hóa của ngư dân Đà Nẵng chính là tục thờ Cá Ông và lễ hội Cầu ngư. Ở đây, Bảo tàng Đà Nẵng tái tạo lại không gian lễ hội Cầu Ngư tại lăng thờ Đức ngư ông ở phường Mân Thái – quận Sơn Trà cùng một số trang phục và đồ dùng trong lễ hội.

Trong không gian trưng bày còn giới thiệu một số hình ảnh và hiện vật liên quan đến cảng Đà Nẵng qua các thời kỳ lịch sử, những hoạt động nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng của cảng ĐN trong giai đoạn hiện nay.

Chủ đề V: Nông nghiệp cổ truyền

 Giới thiệu những hình ảnh, hiện vật về nông nghiệp cổ truyền của người dân Đà Nẵng: Cày, bừa, bộng đất, cuốc, vồ đạp đất, nong, nia, ngà rơm, cối xay lúa, chày giã gạo, gàu sòng, gàu giai,… và các loại công cụ đánh bắt cá đồng: lờ, nơm, đăng, đó, giỏ đựng cá,…

Chủ đề VI:   Các ngành nghề thủ công tiêu biểu  

          Trong lịch sử, ở Đà Nẵng đã hình thành và phát triển nhiều làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng. Giờ đây, một số nghề đã phát triển chuyên nghiệp, sản phẩm làm ra mang nhiều giá trị, trở thành hàng hóa được giao thương rộng rãi cả trong nước và thế giới.

Phần trưng bày giới thiệu không gian tái tạo 3 làng nghề truyền thống tiêu biểu: làng nghề điêu khắc đá Non Nước (phường Hòa Hải, Quận Ngũ Hành Sơn), làng nghề làm bánh tráng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), làng nghề làm nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu).

 

Chủ đề VII: Đô thị Đà Nẵng trước 1975

Giới thiệu một số hình ảnh và hiện vật về thành phố Đà Nẵng từ thời kỳ là “đất nhượng địa của thực dân Pháp”(1888) đến trước ngày giải phóng năm 1975 như: ảnh đường lên Hải Vân Quan, ga đường sắt tại bến sông Hàn, tòa thị chính còn gọi là Tòa Đốc Lý, trại lính khố xanh, bản đồ thành phố ĐN với tên gọi Tourane do Service Geographique d’ L’Indochine vẽ và ấn hành năm 1922, tái bản năm 1953, một số đồ dùng sinh hoạt của người dân Đà Nẵng trước năm 1975…

Chủ đề VIII: Đà Nẵng hội nhập và phát triển

Quá trình đô thị hoá ở Đà Nẵng đã có được những bước phát triển nhảy vọt bắt đầu từ năm 1997 khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Bảo tàng Đà Nẵng tập trung giới thiệu về Đà Nẵng từ 1997 đến nay, trong đó chú trọng đến các mặt kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, kiến trúc, quy hoạch đô thị, các lĩnh vực kinh tế nổi trội và quan hệ hợp tác quốc tế nhằm phác họa diện mạo một thành phố năng động, một trung tâm kinh tế – xã hội của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Giới thiệu không gian tái tạo nhà Chồ: Một kiểu nhà tạm bợ, từng là nơi sinh sống của cư dân vạn chài ở phía bờ đông ven sông Hàn. Nhờ chính sách đền bù giải tỏa, tái định cư, những xóm nghèo ven sông đã được thay thế bằng những khu phố sạch đẹp, khang trang.

Giới thiệu những hình ảnh về hoạt động quan hệ quốc tế, những thành tựu trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch… của thành phố.

Chủ đề IX: Lịch sử xã hội Đà Nẵng (1858 – 1975)

1. Đà Nẵng mở đầu mặt trận kháng Pháp (1858 – 1860)

Giới thiệu những tư liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đấu tranh của quân và dân Đà Nẵng trong những năm đầu chống Pháp (1858 – 1860): Sa bàn diễn biến các trận đánh của nhân dân Đà Nẵng trong buổi đầu chống Pháp, súng thần công phát hiện ở di tích thành Điện Hải, tượng Danh tướng Nguyễn Tri Phương do Hội khoa học Lịch sử Việt Nam tặng năm 2010,…

2. Các phong trào yêu nước trước năm 1930

– Phong trào Nghĩa Hội (1885 – 1887)

– Phong trào Duy Tân (1906 – 1908)

– Phong trào Chống thuế ở Trung Kỳ (1908)

Phần này trưng bày một số tài liệu, hiện vật: Bài chế của Vua Tự Đức ban cho Trần Văn Dư, bản dập bia mộ Nguyễn Văn Diêu, bản dập bia mộ Án Nại Nguyễn Hanh, Bằng do Tổng đốc Nam – Ngãi Nguyễn Duy Hiệu cấp cho Cử nhân Võ Trọng Địch, một số tác phẩm của Phan Châu Trinh và một số ảnh tư liệu quý về Ông Ích Đường,…

3. Các tổ chức cơ sở Đảng trước năm 1945

Giới thiệu những mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Bác Hồ trên trường quốc tế, việc thành lập các tổ chức cơ sở Đảng tại Đà Nẵng (Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, Tân Việt Cách mạng đảng), quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam cùng với việc thành lập Đảng bộ Cộng sản tại Quảng Nam – Đà Nẵng, diễn biến và kết quả của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược qua các cao trào cách mạng giai đoạn 1930 – 1931, 1936 – 1939 và diễn biến, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Đà Nẵng.

4. Đà Nẵng trong kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954)

Không gian trưng bày giới thiệu những sưu tập hình ảnh, tài liệu, hiện vật đặc sắc về cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân Đà Nẵng trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 – 1954): sưu tập truyền đơn; các bộ sưu tập vũ khí thô sơ như giáo, mác, mã tấu, bom mìn tự tạo…và không gian tái tạo xưởng sản xuất vũ khí dân quân Nho – Bán năm (1946).

5. Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ (1955 – 1975)

Sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đế quốc Mỹ tìm cách phá hoại Hiệp định, từng bước thay thế Pháp, biến Miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ.

Giới thiệu những hình ảnh, hiện vật về cuộc đấu tranh chống Mỹ Diệm của nhân dân Đà Nẵng, phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, tiểu thương, phật tử… Đặc biệt là Sự kiện 76 ngày đêm ở Đà Nẵng (10/3/1966 – 24/5/1966), những trận đánh tiêu biểu như: trận tập kích sân bay Đà Nẵng, trận tập kích vào kho xăng Liên Chiểu, trận tập kích sân bay Nước Mặn, trận địa pháo Thanh Vinh, trận tập kích Gò Hà,… Đà Nẵng trong chiến dịch Mậu Thân 1968, sự kiện Chiến công mẹ Nhu và 7 dũng sĩ Thanh Khê.

Các bộ sưu tập: Sưu tập truyền đơn, chỉ thị, nghị quyết, báo chí tuyên truyền cách mạng; Sưu tập hiện vật tù chính trị, tù Côn Đảo; Sưu tập hiện vật biệt động thành, đặc công Đà Nẵng, các loại vũ khí, kỷ vật kháng chiến, hiện vật liên quan đến sự kiện Mẹ Nhu và 7 Dũng sỹ Thanh Khê…; Sưu tập hiện vật tiêu biểu về đấu tranh thi hành Hiệp định Paris năm 1973 và Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng năm 1975.

Phần trưng bày này còn giới thiệu 2 không gian tái tạo:

– Không gian tái tạo Căn cứ Môm Nở (phía Bắc bán đảo Sơn Trà), đây là nơi đóng quân của một bộ phận văn phòng Thành ủy Đà Nẵng trong giai đoạn từ 1954 – 1958.

– Không gian tái tạo căn cứ K20, là mật danh khu căn cứ do Quận ủy quận III – Đà Nẵng chỉ đạo xây dựng từ mùa đông năm 1964, tồn tại trong suốt quá trình kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày toàn thắng năm 1975.

6. Đà Nẵng – Thành phố anh hùng

Qua 30 năm cùng cả nước trường kỳ kháng chiến chống xâm lược, nhân dân Đà Nẵng đã lập nên bao chiến công, bao kỳ tích anh hùng, góp phần cùng cả nước đánh bại kẻ thù xâm lược.

Phần trưng bày này giới thiệu những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước tặng cho quân và dân Quảng Nam – Đà Nẵng: Sưu tập huân huy chương trao tặng cho các đồng chí Biệt động thành, tù chính trị Côn đảo, cán bộ văn phòng Thành ủy…cùng với Cờ thi đua, Cờ anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…